Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 17:02 (GMT +7)
Những ý kiến quý báu
Thứ 7, 22/03/2014 | 05:17:21 [GMT +7] A A
Xung quanh hội thảo chúng tôi tiếp tục lược ghi lại ý kiến của các nhà khoa học, các diễn giả, nhà quản lý về xây dựng Đặc khu kinh tế nhằm cung cấp cho bạn đọc một bức tranh toàn cảnh hơn.
* Ông Andrew Grant, Giám đốc hợp danh cấp cao lãnh đạo toàn cầu khối Khu vực công, Tập đoàn Mc Kinsey Singapore: Tôi là một người bạn của Quảng Ninh vì tôi đã có khá nhiều thời gian tìm hiểu về tỉnh. Đây cũng là lần thứ 10 tôi đến với Quảng Ninh. Và tôi cũng rất vui mừng khi Quảng Ninh đang lựa chọn việc phát triển Đặc khu kinh tế làm động lực để phát triển kinh tế - xã hội của mình. Đó là sự khác biệt của Quảng Ninh, và điều này cần được ủng hộ. Về phát triển Đặc khu kinh tế, có tới 50% đặc khu phát triển trên thế giới đã thất bại. Vì vậy, xây dựng Đặc khu kinh tế là thách thức rất lớn. Tuy nhiên, những thành công mà Đặc khu kinh tế mang lại vô cùng lớn, lớn hơn nhiều so với các hình thức phát triển kinh tế thông thường. Chúng tôi nghĩ, Quảng Ninh có nhiều cơ hội và tiềm năng để thành công, thậm chí thành công rất lớn khi có lộ trình đúng để phát triển mô hình Đặc khu kinh tế. Để có Đặc khu thành công, các bạn cần có tiếp cận với quốc tế thông qua hệ thống hạ tầng, nhưng chỉ là những hạ tầng thật sự cần thiết thôi chứ không phải tất cả; cần có nguồn vốn dài hạn cho phát triển hạ tầng và có cơ chế ưu đãi về thuế, tài chính, đất đai để thu hút nhà đầu tư; cơ chế thu hút nhân tài cũng là yếu tố vô cùng quan trọng để vận hành đặc khu… Tôi nghĩ để có những “nền tảng” đầu tiên phát triển Đặc khu phải do Chính phủ xây dựng, hỗ trợ, vì vậy các bạn cần phải tận dụng tốt những điều này. Hy vọng Quảng Ninh sớm thành công.
* GS Trang Tông Minh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu kinh tế thế giới, Trường Đại học Hạ Môn, Trung Quốc: Trung Quốc cũng đã có quá trình phát triển các đặc khu kinh tế khá lâu dài. Trong quá trình này, không phải mô hình nào cũng thành công. Những đặc khu thành công là những đặc khu có thể chế, chính sách phù hợp với những yếu tố xu thế đầu tư. Kinh nghiệm của đặc khu của Trung Quốc chính là lấy sáng tạo để thúc đẩy cải cách. Khi mô hình có tác dụng lớn thì mới nhân rộng ra các mô hình khác. Mô hình đặc khu kinh tế của Trung Quốc ban đầu mở rộng tại các địa bàn ven biển, sau đó đến ven sông, và bây giờ là đến các vùng đồng bằng - có thể nói là sự cải cách rất toàn diện. Đến năm 2011, cả Trung Quốc đã có 10 khu thử nghiệm cải cách kinh tế đồng bộ. Hiện Trung Quốc đang tính đến việc xây dựng thí điểm khu kinh tế tự do mậu dịch - một đặc khu kiểu mới của Trung Quốc. Còn ở Việt Nam nói chung và Quảng Ninh nói riêng, phát triển Đặc khu kinh tế còn rất mới, nhưng nếu biết áp dụng đúng thì lộ trình có thể sẽ không dài như Trung Quốc. Với Đặc khu kinh tế Vân Đồn cũng có nhiều yếu tố thuận lợi trong việc phát triển này.
* PGS Viên Dị Minh, Phó Chủ nhiệm Trung tâm Nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc: Trong phát triển ngành nghề, ở Trung Quốc Chính phủ tập trung vào phát triển vĩ mô xác định định hướng vấn đề rất quan trọng lựa chọn ngành nghề phải xác định thị trường cần những ngành nghề. Xác định được quy hoạch không gian phát triển cũng rất quan trọng. Từ thực tiễn ở Trung Quốc theo tôi Quảng Ninh nên xác định tập trung cho phát triển du lịch biển đảo cao cấp trong Đặc khu kinh tế Vân Đồn. Trong phát triển du lịch bên cạnh di sản tài nguyên sẵn có thì phát triển du lịch văn hoá bản địa, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng. Việc phát triển du lịch sẽ tạo nên mắt xích quan trọng trong phát triển kinh tế với những dịch vụ kèm theo như: Hệ thống khách sạn, phát triển được các ngành nghề truyền thống tạo ra những sản phẩm độc đáo. Để phát triển du lịch, cũng như thu hút khách du lịch cần nghiên cứu kỹ dân số bản địa; sở thích, phong tục của du khách từng nước, từng quốc gia. Nhất là phải liên tục thay đổi sản phẩm du lịch để du khách hứng thú quay trở lại. Khẩn trương đầu tư hệ thống đường cao tốc để nối với Đông Hưng, nhằm tạo ra sự kết nối trao đổi du khách giữa Hạ Long - Quế Lâm…
* GS Quách Mậu Giai, Trung tâm nghiên cứu ĐKKT Trường Đại học Thâm Quyến: Xây dựng Đặc khu kinh tế có thành công hay không thì trên 50% quyết định là ở tài chính. Vì vậy, theo tôi muốn xây dựng Đặc khu kinh tế thành công, Việt Nam cần: Hoàn thiện thể chế thị trường; mở cửa doanh nghiệp dân doanh (hiện vốn của dân doanh đầu tư vào ngân hàng rất ít - đây cũng là thực trạng của Thâm Quyến khi mới bắt đầu xây dựng đặc khu. Ngoài ngân hàng nên khuyến khích tư nhân đầu tư vào Bảo hiểm, chứng khoán. Hiện tài chính Internet rất phát triển, ở Trung Quốc nhiều doanh nghiệp đã đạt thành công trong ngành Tài chính Internet, đây cũng là tiêu chuẩn cho bước phát triển cao. Tuy nhiên, vấn đề là xây dựng cơ chế tài chính tiền tệ như thế nào ở Việt Nam cho phù hợp. Theo tôi, thứ nhất phải đảm bảo tính hiệu quả, thông qua tài chính thị trường để thu hút nguồn vốn sử dụng; thứ hai là phải điều chỉnh tỷ trọng giữa nguồn vốn xã hội và nguồn vốn nhà nước; thứ 3 là xây dựng các chính sách về tài chính, thuế phải có tính bền vững. Và Trung Quốc thành công là nhờ đã tận dụng các ưu đãi chính sách của nhà nước một cách hiệu quả. Tóm lại, vấn đề chính là: Hiệu quả - giải quyết - hài hoà. Khi chúng ta nắm chắc được nguồn vốn tài chính thì chúng ta mới có sức cạnh tranh toàn cầu, địa vị quốc tế mới được nâng lên.
* PGS-TS Nguyễn Thị Quy, Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương: Vốn nói đi nói lại vẫn là vấn đề của đầu tiên câu chuyện. Theo tôi nguồn vốn xây dựng Đặc khu kinh tế phải là từ ngân sách nhà nước, từ thị trường, xã hội. Nhà nước cần có cơ chế chính sách ưu đãi về tài chính, tiền tệ, tỷ giá, chính sách thuế, chính sách lãi suất cho Đặc khu kinh tế; đồng thời cần bàn bạc kỹ về cơ chế chính sách ưu đãi thuế, lãi suất để đưa ra các giải pháp cụ thể. Ở Nhật Bản, họ có kinh nghiệm về huy động lãi suất rất thành công, vì vậy chúng ta có thể học hỏi kinh nghiệm này của họ. Nhật Bản cũng có ngân hàng riêng cho Đặc khu kinh tế, Đặc khu kinh tế có cơ chế riêng về tài chính, thuế. Vân Đồn phải là cửa ngõ của Việt Nam để thu hút đầu tư, vì vậy chúng ta không thể lên dốc với một cái bánh vuông nên Đặc khu kinh tế cần có đặc quyền, đặc lợi; cơ chế về huy động nguồn vốn. Đối với chính sách về lãi suất, nên có ưu đãi cho các doanh nghiệp đầu tư vào Đặc khu kinh tế, tạo được nhiều ưu đãi về vốn đầu tư vào Đặc khu kinh tế thì mới có cơ sở để đặt viên gạch nền móng đầu tư cho đặc khu. Bên cạnh đó, lộ trình đi thế nào của Đặc khu cũng cần cụ thể và cần có nguyên tắc thị trường mời gọi các nhà đầu tư.
* GS Từ Tiến, Học viện Kinh tế, Trường Đại học Thâm Quyến (Trung Quốc): Khi Trung Quốc lựa chọn Thâm Quyến để xây dựng đặc khu thì đây là khu vực có nền kinh tế rất yếu kém. Vì vậy lựa chọn cần có yếu tố tiên quyết và phải định vị sứ mệnh của Đặc khu kinh tế. Vân Đồn cũng vậy, muốn xây dựng Đặc khu kinh tế phải xác định rõ sứ mệnh, và xác định xem Vân Đồn được Trung ương giao cho những quyền lợi gì. Và quan trọng là Chính phủ làm thế nào để huy động và vận dụng tốt các nguồn tài nguyên; nhìn từ góc độ của nước mình để xây dựng Đặc khu kinh tế thu hút nhà đầu tư, giải quyết vấn đề thiếu hụt vốn. Chính phủ cần cho quyền quyết định cho đặc khu, cho Đặc khu kinh tế tự vận hành cơ chế về thuế, chính sách để họ tự thu hút các nhà đầu tư. Còn làm thế nào để giải quyết vấn đề thu hút đầu tư thì cần lựa chọn; hợp tác công tư. Để xây dựng Đặc khu kinh tế Vân Đồn đối với nhà đầu tư nước ngoài nên sử dụng hình thức BOT và các nhà đầu tư trong nước thì sử dụng hình thức PPP; bảo đảm được lợi ích của nhà đầu tư và cần sự đồng bộ từ Trung ương - địa phương về vấn đề này; sự hiệp định của các quốc gia về thuế; thu hút nhân tài bằng chính sách thuế; có thể cho phép đặc khu phát hành trái phiếu để thu hút đầu tư vốn vào đặc khu.
* GS Ngụy Đạt Chí, Trung tâm nghiên cứu Đặc khu kinh tế Trung Quốc Trường Đại học Thâm Quyến: Đối với Trung Quốc sau 35 năm phát triển đã trải qua rất nhiều giai đoạn phát triển ngành nghề khác nhau. Trung Quốc chọn phương thức phát triển thử nghiệm theo giai đoạn, ưu tiên vào thế mạnh vùng miền. Giai đoạn đầu Trung Quốc tập trung phát triển nông nghiệp hoá sản xuất, tiếp theo là giai đoạn phát triển tập thể và giai đoạn 3 đi theo phát triển hướng ngoại, đây là giai đoạn chủ động, tập trung vào các ngành nghề công nghệ cao. Các khu kinh tế lớn kết hợp lại với nhau, hình thành 1 chuỗi tương hỗ và đã mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, sự phát triển nhanh đã kéo theo nhiều vấn đề như xã hội, môi trường… rất đáng phải quan tâm, cùng với đó sự phát triển tập trung đã phá vỡ liên kết giữa các ngành nghề, dẫn đến sự chênh lệch, thiếu sự tương hỗ. Ngoài ra, chúng ta cần quan tâm đến vấn đề phát triển ngành nghề truyền thống và kết hợp ngành nghề hiện đại. Đối với Vân Đồn, nhiều tiềm năng thế mạnh, nhưng chúng ta cần quy hoạch không gian phát triển ngành nghề, cần lựa chọn mô hình phù hợp với tầng lớp và thế hệ, vì mỗi thế hệ có một phương thức sản xuất khác nhau.
* Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch HĐQT kiêm CEO Tập đoàn Truyền thông Lê Group of Companies: Ngành Du lịch ở Quảng Ninh hiện mới chỉ đang khai thác dựa trên những giá trị vốn có của tài nguyên thiên nhiên, chưa tạo được những sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách. Quảng Ninh đang thiếu những sản phẩm của công nghiệp sáng tạo. Phương án phát triển bền vững mà QN đã có sẵn những yếu tố cơ bản ban đầu là đầu tư cho phát triển công nghiệp sáng tạo, đồng thời xây dựng thành những thành phố sáng tạo như ở Bandum (Indonesia) đã làm. Cần cơ chế thu hút được nguồn vốn đầu tư, quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ, đào tạo và tập trung phát triển công nghệ sáng tạo, như vậy phù hợp với chính sách phát triển du lịch.
Nhóm PV Báo Quảng Ninh
Liên kết website
Ý kiến ()