Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 21:07 (GMT +7)
"Đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng"
Thứ 7, 22/03/2014 | 04:55:19 [GMT +7] A A
(GS.TS Vương Đình Huệ, Uỷ viên T.Ư Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương trả lời phỏng vấn Báo Quảng Ninh)
GS.TS Vương Đình Huệ. |
- Đánh giá của đồng chí về Hội thảo khoa học Quốc tế về phát triển đặc khu kinh tế - Kinh nghiệm và cơ hội lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam?
+ Tôi rất vui mừng và đánh giá cao tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan trong và ngoài nước tổ chức Hội thảo quốc tế về chủ đề rất quan trọng này.
Hiện nay các khu kinh tế tự do (Đặc khu kinh tế) trên thế giới là một vấn đề có tính phổ biến, là kết quả cụ thể của toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế. Mục đích của việc xây dựng các Đặc khu kinh tế là nhằm thu hút các nguồn lực (công nghệ hiện đại, nguồn vốn, nhân tài, ý tưởng phát triển...) từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, kích hoạt các vùng kinh tế, nền kinh tế phát triển. Đồng thời, Đặc khu kinh tế cũng là nơi thử nghiệm các thể chế, cơ chế mới trước khi trở thành thể chế, chính sách của cả nước. Tiền thân của mô hình Đặc khu kinh tế là các loại hình khu công nghiệp, khu kinh tế tự do.
Ở Việt Nam, tại Hội nghị T.Ư 4 khoá VIII (12-1997), ý tưởng xây dựng các khu kinh tế đã được đề xuất nhưng mãi đến năm 2002, chủ trương xây dựng thí điểm mô hình khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) mới được quyết định và đến nay đã có 15 khu kinh tế ven biển với tổng diện tích khoảng 54.000ha. Tuy nhiên, cho đến nay ở Việt Nam chưa có một Đặc khu kinh tế nào đã được xây dựng theo đúng nghĩa.
- Đồng chí nhận định thế nào về việc tỉnh Quảng Ninh lựa chọn xây dựng Vân Đồn trở thành Đặc khu kinh tế?
+ Việc xây dựng một số Đặc khu kinh tế để tạo các cực tăng trưởng và thử nghiệm thể chế là chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Kết luận số 74-KL/TW ngày 17-10-2013 của Hội nghị T.Ư 8 (khoá XI) đã ghi rõ: “Sớm xây dựng, phê duyệt, triển khai thực hiện một số đề án thành lập khu hành chính - kinh tế đặc biệt”. Ba khu kinh tế tiêu biểu đầu tiên gồm Vân Đồn (Quảng Ninh), Phú Quốc (Kiên Giang) và Bắc Vân Phong (Khánh Hoà) đã được lựa chọn.
Như nhiều diễn giả quốc tế đã nói tại hội thảo, Quảng Ninh có điều kiện thiên thời, địa lợi và nhân hoà, đặc biệt tôi đánh giá rất cao quyết tâm chính trị của Tỉnh uỷ Quảng Ninh, các cấp uỷ chính quyền của Quảng Ninh, khát vọng, sức sáng tạo và quyết tâm bằng mọi cách biến khát vọng của mình thành hiện thực.
- Để xây dựng Đặc khu kinh tế tại Việt Nam, chúng ta cần thực hiện những ưu tiên nào, thưa đồng chí?
+ Để xây dựng thành công các Đặc khu kinh tế, chúng ta cần phải có các giải pháp. Trước hết, Việt Nam cần phải có Luật về Đặc khu kinh tế, đặc khu hành chính kinh tế, tôi biết dự án luật này đã có trong chương trình xây dựng luật pháp của Quốc hội sau khi chúng ta đã thông qua Hiến pháp năm 2013. Chúng ta phải xây dựng các thể chế về hành chính, thể chế về kinh tế một cách vượt trội, có tính cạnh tranh khu vực cũng như cạnh tranh trong nước cho các Đặc khu kinh tế hiện nay của Việt Nam. Trong các thể chế, những cơ chế chính sách trọng dụng nhân tài trong và ngoài nước phải được xem trọng nhất.
Một yếu tố rất quan trọng đối với sự thành công của các Đặc khu kinh tế trên thế giới chính là việc tìm kiếm các nhà đầu tư chiến lược. Theo tôi, có thể có ba phương cách, trước hết chúng ta có thể mời các công ty tư vấn hàng đầu trên thế giới như Mckinsey hôm nay có mặt ở đây để tham khảo tìm hiểu, chỉ dẫn cho các nhà đầu tư chiến lược, đến những chỗ nào người ta mong muốn đến. Vấn đề thứ hai là Chính phủ Việt Nam có thể tiếp cận và mời các nhà đầu tư chiến lược với những cam kết rõ ràng mà nhà đầu tư chiến lược có thể quan tâm. Cách thứ ba hiện nay Quảng Ninh đang làm là tổ chức những hội thảo, quảng bá như thế này, tìm kiếm đối tác chiến lược chủ động, khởi động quá trình tiếp cận ở cấp quyết định cao nhất, đó là Chính phủ.
- Xin cảm ơn đồng chí!
Hồng Nhung (Thực hiện)
Liên kết website
Ý kiến ()