Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 08:11 (GMT +7)
Bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho ngành thủy sản
Thứ 2, 06/09/2021 | 09:20:59 [GMT +7] A A
Đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi sản xuất nông, lâm, thuỷ sản; thiếu nguyên liệu cho các nhà máy chế biến, xuất khẩu trong các tháng cuối năm, ngành thủy sản cần có những giải pháp căn cơ để vượt qua những khó khăn thách thức đó.
Ngày 4/9, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức Hội nghị trực tuyến về sản xuất, tiêu thụ thủy sản những tháng cuối năm 2021 và bàn giải pháp để chủ động sản xuất thủy sản.
Vẫn còn 17 cảng phải tiếp tục ngừng hoạt động do Covid-19
Phát biểu tại Hội nghị Tổng cục trưởng Thủy sản Trần Đình Luân cho biết: Tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), đã có 120 trong tổng số 449 nhà máy chế biến dừng hoạt động. Các nhà máy đang sản xuất thì công suất chỉ khoảng 30-40% do thiếu nhân lực lao động rất lớn. Việc thực hiện sản xuất “3 tại chỗ - 3T” đang đẩy chi phí sản xuất của nhà máy tăng, nguy cơ bị chậm và bị phạt đơn hàng là rất lớn.
Tại các vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp rất khó kêu gọi thương lái, nhà máy thu mua thủy sản, thiếu lái xe, phương tiện vận chuyển thu mua tôm nguyên liệu... làm giá mua giảm mạnh. Cùng với đó, việc cung ứng vật tư đầu vào (con giống, thức ăn, thuốc, hóa chất, sản phẩm xử lý cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản) không đáp ứng kịp thời, phát sinh tăng chi phí do trung chuyển và test Covid-19.
Do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, cùng với việc xuất hiện các ca F0, F1 khiến 25 cảng cá đã dừng hoạt động trong tháng 8. Đến ngày 1/9, có 8 cảng được hoạt động trở lại nhưng vẫn còn 17 cảng đang tạm dừng hoạt động. Số lượt tàu vào cảng để bốc dỡ thuỷ sản tại các cảng giảm 59.670 lượt tàu tương đương 334.000 tấn sản phẩm.
"Việc bốc dỡ, mua bán, đặc biệt là khâu vận chuyển thủy sản với các tỉnh khác gặp khó khăn, dẫn đến tiêu thụ thủy sản khai thác chậm, đứt gãy. Giá sản phẩm thủy sản giảm 15-20% so cùng kỳ. Cùng với đó, các dịch vụ cung ứng hậu cần nghề cá (bao gồm sửa chữa tàu, máy móc, cung cấp dầu, nước đá, thực phẩm) gặp nhiều khó khăn, không kịp thời và đáp ứng đầy đủ", ông Trần Đình Luân nhấn mạnh.
Doanh nghiệp đối mặt với 4 áp lực cùng lúc
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (Vasep) chia sẻ, hiện doanh nghiệp toàn ngành thuỷ sản đối mặt 4 áp lực cùng lúc.
Thứ nhất là vấn đề lao động. Các nhà máy sản xuất tập trung ít cũng có vài trăm, nhiều thì có vài nghìn công nhân. Doanh nghiệp lớn có khoảng 5.000-7.000 công nhân. Khi nguồn vaccine không đầy đủ, 70% nhà máy đã phải ngừng sản xuất để đáp ứng mục tiêu ưu tiên chống dịch. Chỉ 30% nhà máy duy trì được hoạt động sản xuất nhờ áp dụng “3 tại chỗ”.
Trong số 30% nhà máy này cũng chỉ huy động được khoảng 20-40% số công nhân. Điều này khiến nhà máy phải giảm công suất, dẫn tới doanh nghiệp không đủ lượng hàng cung cấp cho khách theo hợp đồng đã ký; đồng thời cũng không tiến hành thu mua được nguyên liệu từ khai thác cũng như nuôi trồng.
Khó khăn thứ hai đến từ phía khách hàng. 19 tỉnh, thành phố phía nam tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16 từ giữa tháng 8/2021 đến nay khiến doanh nghiệp chịu sức ép lớn. “Khách sẽ có điều chỉnh cắt giảm hàng hoặc ép giá vì tổng chi phí của họ tăng lên, ta không đủ hàng. Tuần này đang là thời điểm rất “căng” khi trao đổi với khách hàng”, ông Nam nói.
Khó khăn thứ ba được Phó Tổng Thư ký Vasep đề cập đến là nguyên phụ liệu. Ở khâu chế biến, nhiều nguyên phụ liệu như bao bì, nilon, máy hút chân không… các nhà máy đều cần nguồn cung cấp từ TP Hồ Chí Minh. Hạn chế này không được tháo gỡ sẽ khiến doanh nghiệp không thể duy trì sản xuất lâu.
Khó khăn cuối cùng ông Nam chia sẻ là khi công suất giảm, người lao động giảm, thiếu nguyên phụ liệu thì tổng chi phí của doanh nghiệp lại tăng lên.
Người lao động nghỉ việc nhưng doanh nghiệp vẫn phải trả lương nghỉ việc. Với lao động tham gia “3 tại chỗ”, doanh nghiệp phải trả chi phí lớn hơn 50% thông thường bởi ngoài lương còn có tiền phụ thêm, chi phí lo ăn, lo điều kiện vật chất… Chi phí sản xuất trên đơn vị sản phẩm hiện rất lớn.
Cần có chính sách hỗ trợ toàn chuỗi thuỷ sản
Vasep kiến nghị lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tác động tới các địa phương, sớm tiến hành tiêm vaccine mũi 1 cho ngành thuỷ sản; đồng thời giúp doanh nghiệp xây dựng, cùng doanh nghiệp làm việc với các địa phương khi doanh nghiệp trình phương án sản xuất trở lại trong bối cảnh giãn cách từng phần hoặc giãn cách toàn phần.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre nêu rõ, với tình hình khó khăn hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên kiến nghị Chính phủ giảm tiền điện cho người nuôi tôm vì phi phí này trong nuôi tôm rất lớn. Mức độ giảm giá điện mong muốn là 15-20% và trong khoảng thời gian 6 tháng kể từ tháng 9/2021.
Một số địa phương khác đều có chung kiến nghị về câu chuyện khơi thông nguồn vốn. Theo đó, Chính phủ nên có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chế biến thuỷ sản về lãi suất ngân hàng với điều kiện các doanh nghiệp này phải xây dựng chuỗi liên kết với vùng nuôi, khai thác.
Về vấn đề vaccine Covid-19, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre đề đạt mong muốn được tăng nguồn vaccine trong thời gian tới. Đây cũng là mong muốn chung của nhiều địa phương.
“Bến Tre rất ưu tiên tiêm vaccine cho chuỗi cung ứng ngành nông nghiệp nói chung và thuỷ sản nói riêng. Tuy nhiên, nguồn vaccine của Bộ Y tế chuyển về các tỉnh hiện nay rất ít và địa phương mong muốn tăng nguồn vaccine trong thời gian tới”, ông Buội nói.
Trước những khó khăn toàn ngành thuỷ sản đang phải đối mặt, ông Trần Đình Luân đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan và các địa phương quan tâm rà soát, có chính sách hỗ trợ cho toàn bộ chuỗi sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản, nhất là người dân trực tiếp sản xuất (về thuế, điện, vốn…).
“Với Ngân hàng Nhà nước, kiến nghị khoanh nợ, giãn nợ đối với các khoản vay tín dụng cho doanh nghiệp và người dân tham gia hoạt động trong chuỗi thủy sản bị ảnh hưởng do covid-19; đồng thời cung cấp thêm tín dụng với mức lãi xuất hợp lý để cho người dân và doanh nghiệp tái đầu tư phục hồi sản xuất”, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuỷ sản nhấn mạnh.
Năm nay mục tiêu xuất khẩu thuỷ sản là 8,8 tỷ USD. Tuy nhiên, dịch Covid-19 lần 4 ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nói chung, thuỷ sản nói riêng. Đến nay, 17 cảng cá đã có F0. Sản phẩm cá tra tiêu thụ khó khăn, tôm càng khó khăn hơn.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()