Tất cả chuyên mục

HTX thủy sản Trung Nam (huyện Vân Đồn) được biết đến là HTX đầu tiên được tỉnh cấp giấy phép giao quyền sử dụng khu vực biển để nuôi trồng thuỷ sản. Không chỉ vậy, việc vượt qua nhiều thử thách liên tiếp do đại dịch Covid-19, siêu bão Yagi, biến động kinh tế... liên tục những năm qua đã góp phần khẳng định vị thế của doanh nghiệp này trên thị trường.
Vùng biển Vân Đồn nằm trong vịnh Bái Tử Long, có nhiều tùng vụng với hàng trăm núi đá, tạo ra hệ sinh thái biển và ven bờ đa dạng, phong phú, có nhiều tiềm năng để phát triển khai thác, nuôi trồng các loài thuỷ hải sản có giá trị kinh tế cao. Sự đa dạng về hạ tầng giao thông cả đường bộ, đường thủy, đường hàng không... là thế mạnh của địa phương, cũng là điều kiện thuận lợi để nhiều cơ sở, doanh nghiệp nuôi biển phát triển và giải quyết việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Một trong số có HTX thủy sản Trung Nam, hiện đang là doanh nghiệp tiêu biểu về nuôi hàu đại dương với 20 xã viên, đều là những hộ có thâm niên nuôi biển ở Vân Đồn hơn chục năm qua.
Anh Ngô Nam Trung, Giám đốc HTX, chia sẻ: Biển Vân Đồn rộng lớn, người Vân Đồn quen với nghề biển. Nuôi biển ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện phát triển, lấy đây là lĩnh vực trọng yếu trong nền kinh tế nông nghiệp. Từ biển Vân Đồn đã có rất nhiều hộ gia đình có thu nhập cao, ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống. Bởi vậy mà tôi xác định gắn bó với nghề biển, phải nuôi biển theo hướng bền vững, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và gắn với nhu cầu của thị trường.
Để duy trì được thành quả như hiện nay là cả một hành trình gian khổ, áp lực vô cùng mà HTX phải đương đầu ngay từ khi thành lập vào năm 2020. Đó là đại dịch Covid-19 bùng phát kéo dài khiến thị trường đóng băng, hàu không bán được, tụt xuống tới mức giá 2.000 đồng/kg. Rồi đến khi toàn tỉnh lập lại trật tự sản xuất, yêu cầu chuẩn hoá vật liệu nổi trong NTTS, toàn bộ giàn nuôi hàu của HTX vừa được đầu tư chuyển đổi từ phao xốp sang vật liệu chuẩn HDPE thì đã bị phá hết trong cơn bão Yagi... Không gục ngã trước những chông gai, thử thách ấy, HTX vẫn đoàn kết, quyết chí gây dựng lại tất cả, từng bước đi lên bằng chính bản lĩnh, thực lực của mình.
HTX đã có được động lực từ sự đồng hành, hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền địa phương. Nhất là trong việc được khoanh, hoãn, giãn trả nợ ngân hàng; tiếp cận nguồn vốn vay mới mà không có tài sản thế chấp hoặc lãi suất “0 đồng” để có nguồn lực tái phục hồi sản xuất; có điều kiện thuận lợi tiếp cận nguồn vật tư, vật liệu trong NTTS... Và dù khó khăn, HTX vẫn tiếp tục xoay xở để đầu tư lại toàn bộ hệ thống phao HDPE theo đúng quy chuẩn. Đồng thời vẫn kiên định với việc phát triển sản phẩm sạch, kiểm soát chặt chẽ quy trình chăm sóc, nuôi trồng, phòng chống dịch bệnh. Cùng với những nỗ lực hoàn thiện hồ sơ từ trước đó, đến tháng 1/2025, đã được UBND tỉnh cấp phép giao quyền sử dụng khu vực biển có diện tích 48ha, thời hạn sử dụng đến ngày 31/12/2050.
Nói về “dấu mốc” quan trọng này của HTX, anh Ngô Nam Trung khẳng định, cơ chế giao biển giúp cho người dân yên tâm sản xuất, hoàn toàn xóa đi nỗi lo xảy ra tranh chấp phát sinh, hoặc chồng lấn các dự án... Nếu như trước đây chưa có vùng sản xuất ổn định, anh Trung không thể nào yên tâm đầu tư nuôi trồng tập trung vì phải phân tán địa điểm thả bè hàu để hạn chế rủi ro thiệt hại. Thì nay, HTX đã thu gọn lại chỉ còn tại 2 địa điểm là vùng biển Hòn Giộc Giữa (xã Đông Xá) và Vụng Đống Chén (xã Bản Sen). Việc đầu tư thâm canh được thuận tiện hơn, mà quan trọng nhất là sản phẩm hàu đại dương được rõ ràng về xuất xứ nguồn gốc, mã số vùng trồng... giúp đảm bảo quy trình liên kết tiêu thụ hiện đại và nâng cao giá trị kinh tế lên đáng kể.
Nuôi biển ngày càng được các cấp chính quyền quan tâm tạo điều kiện phát triển, lấy đây là lĩnh vực trọng yếu trong nền kinh tế nông nghiệp của Vân Đồn nói chung, toàn tỉnh Quảng Ninh nói riêng.
Ý kiến ()