
“Thực hành phong cách làm việc khoa học, tập thể, dân chủ, gần dân, trọng dân, hiểu dân, vì dân, bám sát thực tiễn, khiêm tốn học hỏi, nói đi đôi với làm, bằng hành động thực tế theo việc đến cùng, dứt điểm, đo đếm được kết quả, hiệu quả; lấy sự hài lòng của Nhân dân làm thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, uy tín và kết quả công tác của từng người trên mỗi cương vị được giao”. – Đó là phương châm làm việc đang được cả hệ thống chính trị của tỉnh Quảng Ninh thực hiện và kiên trì làm được, làm đến cùng.
Giữ vững thành quả trong khát vọng và niềm tự hào
Liên tục đổi mới, sáng tạo, với khát vọng phát triển, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua những tác động tiêu cực chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, 3 năm qua tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tạo ra những đột phá mới, lập nên những kỳ tích mới rất đỗi tự hào. Những giá trị lần đầu tiên tiếp tục được tạo lập không chỉ củng cố vị thế của Quảng Ninh trong sự phát triển của cả nước, quốc tế, mà nhân lên niềm tự nào, niềm tin để khơi thông mạnh mẽ hơn nguồn lực xã hội, nguồn lực lòng người trong hành trình khát vọng mới.
Tính đến hết năm 2023 dự kiến quy mô nền kinh tế của Quảng Ninh sẽ đạt 312.420 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người 9.469 USD (năm 2022 đạt 8.291 USD cao nhất khu vực phía Bắc). Năm 2022, Quảng Ninh đứng thứ nhất trong danh sách địa phương có chỉ số cơ sở hạ tầng tốt nhất Việt Nam, với số km đường cao tốc đang lớn nhất cả nước hiện nay.
Đồng chí Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư:
Quảng Ninh đột phá trong bài bản, ngăn nắp, quy củ.
Năm 2012, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu trong công tác lập quy hoạch trên cả nước. 7 quy hoạch chiến lược được lập dưới sự tư vấn của các đơn vị tư vấn hàng đầu thế giới trở thành căn cứ khoa học để chính quyền các cấp sử dụng để chỉ đạo, điều hành, quản lý quy hoạch tạo động lực phát triển, từng bước thay đổi diện mạo tỉnh Quảng Ninh.

Gần 1 thập kỷ kiên định theo đuổi mục tiêu, có sự kế thừa trong từng giai đoạn, bổ sung nhận thức mới, 7 quy hoạch chiến lược đã tạo ra cơ sở, nền tảng để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, khơi thông các tiềm năng, khai thác thế mạnh của tỉnh và thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư, đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.

Chính quy hoạch bài bản và bền vững từ hạ tầng đồng bộ đến các sản phẩm du lịch đã tạo đà cho du lịch Quảng Ninh bứt phá trong những năm qua, đóng góp chính vào tăng trưởng của địa phương. Quy hoạch về hạ tầng, đặc biệt là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, Hạ Long - Vân Đồn, Hải Phòng - Hạ Long, hệ thống sân bay quốc tế, cảng tàu thủy quốc tế… đóng vai trò là đòn bẩy cho chiến lược phát triển từ nâu sang xanh của Quảng Ninh. Đây là mô hình chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phát triển kinh tế xanh và tuần hoàn rất thành công mà các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, các bộ ngành đánh giá rất cao, với chính sách đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư.

Bảo đảm tính kế thừa, đổi mới, phát triển của các quy hoạch kỳ trước, phù hợp định hướng phát triển của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV, chúng tôi đã tham gia cùng đơn vị tư vấn thực hiện xây dựng Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 với hàng trăm cuộc làm việc trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, lấy được hơn 1.500 ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học trong và ngoài nước. Quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với nội dung quan trọng nhất là tiếp tục thể hiện chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh với tổ chức không gian, các mục tiêu và giải pháp cụ thể để định hướng và xây dựng Quảng Ninh đến năm 2030 là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm du lịch, kinh tế biển, là cửa ngõ vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước; là đô thị phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, là khu vực hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế. Quy hoạch này không chỉ nói đến phát triển mà còn nói đến cải thiện bố trí không gian hiện tại, tính toán cho cả hiện tại và tương lai, tạo ra những mục tiêu rõ ràng, các tiêu chí ở mức cao hơn, mang tầm quốc gia, quốc tế.


Đồng chí Hoàng Quang Hải, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải:
Chủ động đi trước, làm trước, kết nối liên vùng thể hiện vị thế của Quảng Ninh.
Trong giai đoạn 2021-2023 tổng vốn đầu tư toàn xã hội của tỉnh Quảng Ninh đạt 294.059 tỷ đồng. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể, góp phần quan trọng vào việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Đến nay trên địa bàn tỉnh đã hình thành và đang hoạt động đủ 5 phương thức vận tải là đường bộ, đường sắt, đường biển, đường thủy nội địa và đường hàng không. Đặc biệt hệ thống giao thông đường bộ hiện có 6.787km đường các loại, trong đó có đường cao tốc Hải Phòng – Hạ Long – Móng Cái dài 176km, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước; 7 tuyến quốc lộ dài 480 km; 25 tuyến đường tỉnh dài 466 km và 5.664 km đường cấp huyện, xã, thôn.

Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước.
Quảng Ninh là địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước.
Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng các công trình giao thông trọng điểm như đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái; đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, đường nối KCN Cái Lân qua KCN Việt Hưng đến được cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, đường từ Cảng hàng không quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn với tổng chiều dài 130km; Cảng khách quốc tế Ao Tiên;… với tổng vốn đầu tư khoảng 21.000 tỷ đồng. Hiện đang tiếp tục đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp 49 công trình (11 công trình cấp tỉnh và 38 công trình do cấp huyện làm chủ đầu tư, tổng kinh phí 25.000 tỷ đồng). Sau khi hoàn thành sẽ hình thành 383 km đường tiêu chuẩn đưa vào khai thác như: Cầu Cửa Lục 3, dự án đường ven sông kết nối từ đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều; dự án đường nối từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến đường tỉnh 338; đường dẫn cầu Bến Rừng; cải tạo nâng cấp đường 342 kết nối Lạng Sơn đoạn địa phận Ba Chẽ và các tuyến đường huyện quản lý như: Đường Húc Động – Đồng Văn, Cao Ba Lanh đến Quốc lộ 18C; cầu nối đường tỉnh 330 với trung tâm thị trấn Ba Chẽ… Tỉnh Quảng Ninh đã chủ động phối hợp với các tỉnh, thành phố lân cận triển khai đầu tư hoàn thành cầu Triều và đường dẫn nối Quốc lộ 18 với tỉnh lộ 389, dự án cầu Lại Xuân và tuyến đường hai đầu cầu…

Cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy, nối 2 địa phương TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) và TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào cuối năm 2021. Ảnh: Thu Trang (CTV)
Cầu Triều bắc qua sông Kinh Thầy, nối 2 địa phương TX Đông Triều (tỉnh Quảng Ninh) và TX Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) vào cuối năm 2021. Ảnh: Thu Trang (CTV)
Với sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư, tổng thể hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, nội vùng tỉnh cơ bản đã đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và tạo bước đột phá mới của nhiệm kỳ 2020-2025 về phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực rất to lớn gắn với định hình rõ nét các hành lang kinh tế, hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”.

Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả khánh thành đưa vào sử dụng tháng 4/2023.
Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả khánh thành đưa vào sử dụng tháng 4/2023.


Đồng chí Lê Ngọc Hân, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông:
“Xây dựng một Quảng Ninh phát triển bền vững, giàu mạnh bằng con đường chuyển đổi số”
Ngay từ năm 2020, tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV đã xác định: Quảng Ninh thực hiện chuyển đổi số toàn diện. Đây là sự đi trước, đón đầu với tầm nhìn chiến lược từ xa, từ sớm. Bởi từ đầu năm 2023, Chính phủ, Ủy ban Quốc gia Chuyển đổi số mới bắt đầu đề cập đến chuyển đổi số toàn diện. Theo đó, cùng với 14 Đề án, chương trình lớn, trọng điểm, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 15 đã đặt ra nhiệm vụ xây dựng Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trên cơ sở Đề án, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09/NQ-BTV ngày 5/2/2022 về Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long hướng dẫn công dân thanh toán phí qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Cán bộ Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long hướng dẫn công dân thanh toán phí qua Cổng Dịch vụ công quốc gia.

Chúng ta cũng cần khẳng định, trước cả khi ban hành Nghị quyết 09, Quảng Ninh đã có những bước đi đầu tiên trong hành trình chuyển đổi số. Đó chính là việc xây dựng Chính quyền chính quyền điện tử; ứng dụng công nghệ thông tin mạnh mẽ trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để kiến tạo một chính quyền liêm chính, nền hành chính minh bạch, lấy mục tiêu phục vụ người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Kết quả và thứ hạng đứng đầu 7 năm liên tiếp của Quảng Ninh về chỉ số PCI và 2 năm liên tiếp đứng đầu 4 chỉ số đo lường quốc gia gồm cải cách hành chính, sự hài lòng của người dân, hiệu quả quản trị hành chính công, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh có sự đóng góp của việc xây dựng chính quyền điện tử, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ trong ứng dụng công nghệ thông tin. Đây chính là nền tảng thuận lợi để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh ở cả 3 trụ cột gồm chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.

Quảng Ninh xếp hạng 3 mức độ chuyển đổi số năm 2022.
Quảng Ninh xếp hạng 3 mức độ chuyển đổi số năm 2022.
Để có sự bứt phá trong nửa chặng đường còn lại, hoàn thành các mục tiêu về chuyển đổi số được đưa ra trong Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết chuyên đề số 09 về chuyển đổi số toàn diện, trong đó đáng chú ý là mục tiêu phát triển kinh tế số đạt tỷ trọng 35% trong tổng GRDP được đưa ra tại Chương trình hành động số 26 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về phát triển KTXH và đảm bảo an ninh quốc phòng vùng Đồng bằng sông Hồng thì chắc chắn cần phải có sự đột phá, bứt tốc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, toàn bộ nhân dân trên địa bàn và cộng đồng doanh nghiệp. Không có con đường nhanh hơn, hiệu quả hơn trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa để xây dựng một Quảng Ninh phát triển bền vững, giàu mạnh bằng con đường chuyển đổi số.

Đồng chí Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo:
“Chất lượng giáo dục của Quảng Ninh đã có bước phát triển vượt bậc”
Mục tiêu quan trọng, xuyên suốt của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh là tiếp tục phát triển giáo dục đào tạo làm nền tảng để nâng cao chất lượng nguồn lực cho tỉnh. Thực hiện mục tiêu này, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, dành sự quan tâm đầu tư cho giáo dục từ ngân sách để ưu tiên phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển đội ngũ, ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích giáo viên, học sinh thi đua dạy tốt, học tốt. Nhờ vậy, giáo dục Quảng Ninh đã bứt phá mạnh mẽ, xây dựng được một hệ thống trường lớp đến tận các khe bản, vùng sâu, vùng xa, theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa về thiết bị dạy học. Nhiều trường học được bố trí ở những vị trí đẹp nhất ở các khu vực trung tâm, thuận tiện cho học sinh đến trường. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt gần 90%, tỷ lệ phòng học kiên cố hoá đạt trên 90%. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục được quan tâm, nâng dần về chất lượng, đáp ứng yêu cầu phổ cập giáo dục, đổi mới và phát triển các cấp học và trình độ đào tạo.

Phòng tự học Trường Đại học Hạ Long hiện đại, có trang bị máy tính, công cụ tìm kiếm phục vụ nhu cầu tra cứu của sinh viên.
Phòng tự học Trường Đại học Hạ Long hiện đại, có trang bị máy tính, công cụ tìm kiếm phục vụ nhu cầu tra cứu của sinh viên.


Chất lượng giáo dục của Quảng Ninh đã có bước phát triển vượt bậc, toàn diện ở tất cả các cấp học, bậc học, ở tất cả các cấp học, bậc học. Trong vòng 3 năm, kết quả thi tốt nghiệp THPT từ vị trí thứ 52 lên vị trí 31, tăng 21 bậc so với năm 2019. Kết quả giáo chất lượng giáo dục mũi nhọn có sự tiến bộ vượt bậc. Học sinh Quảng Ninh tham dự các Kỳ thi, Cuộc thi, Hội thi đạt kết quả tốt. Chỉ tính riêng năm học 2022-2023, số học sinh của tỉnh đoạt giải tại các kỳ thi học sinh giỏi Quốc gia chiếm 65,56% số thí sinh dự thi, cao nhất trong 5 năm qua. Tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 13/69 đơn vị dự thi với tổng số 59 giải. tăng 11 giải so với năm học trước; trong đó có 5 học sinh được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển Olympic quốc tế, có 3 đội tuyển có 100% số học sinh dự thi đoạt giải; 7/11 đội tuyển có trên 50% thí sinh đoạt giải. Tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp Quốc gia năm học 2022 - 2023, tỉnh Quảng Ninh có 4 đội tham gia và cả 4/4 đội đều đoạt giải với 2 giải Nhì, 2 giải Ba, tăng 3 giải so với năm học 2021 – 2022. Đó thực sự là những kết quả đáng tự hào, xứng đáng với sự kỳ vọng mong mỏi, sự quan tâm đầu tư của tỉnh.

Lễ ra quân các đội tuyển tỉnh Quảng Ninh dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Cuộc thi KHKT quốc gia năm học 2022-2023, tháng 2/2023. Ảnh: Thu Phương
Lễ ra quân các đội tuyển tỉnh Quảng Ninh dự thi chọn học sinh giỏi quốc gia và Cuộc thi KHKT quốc gia năm học 2022-2023, tháng 2/2023. Ảnh: Thu Phương

Đồng chí Hoàng Trung Kiên, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế:
“Đột phá trong thu hút đầu tư FDI vào các KCN, KKT”
Để Quảng Ninh phát triển kinh tế nhanh, bền vững, tạo ra những đột phá mới, thì nhiệm vụ cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, nâng cao hiệu quả hiệu quả công tác đầu tư, nhất là thu hút đầu tư vào các KCN, KKT, chú trọng phát triển một số ngành công nghiệp có hàm lượng khoa học - công nghệ và giá trị gia tăng cao... vừa là nhiệm vụ chính trị hàng đầu, vừa là giải pháp mang tính đột phá mà tỉnh Quảng Ninh ưu tiên tập trung triển khai trong nửa nhiệm kỳ qua.

Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Parts Seiko Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD. Ảnh: Dương Trường
Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Parts Seiko Việt Nam với tổng vốn đầu tư hơn 10 triệu USD. Ảnh: Dương Trường
Tinh đã đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN và hệ thống giao thông kết nối đồng bộ. Cùng với đó, xây dựng các giải pháp, chiến lược xúc tiến đầu tư, nhất là ưu tiên thu hút đối với các tập đoàn kinh tế lớn, có thương hiệu và uy tín; tổ chức đón tiếp và làm việc với các tập đoàn, nhà đầu tư đến tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh. Trong năm 2023, tỉnh ban hành kế hoạch tổng thể về thu hút FDI vào trong các KCN, KKT; thu hút đầu tư có chọn lọc nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới vào các khu công nghiệp (KCN), khu kinh tế (KKT), trọng điểm là KKT ven biển Quảng Yên, KKT cửa khẩu Móng Cái, trong đó ưu tiên các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, thân thiện môi trường, suất vốn đầu tư cao, đóng góp lớn cho ngân sách; tích cực đồng hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các nhà đầu tư đã được hoàn thành các thủ tục cấp phép đầu tư để sớm đi vào đầu tư, xây dựng và hoàn thành đưa nhà máy vào sản xuất.

Liên doanh Công ty Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) tổ chức khởi công dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên).
Liên doanh Công ty Indochina Capital và Tập đoàn Kajima (Nhật Bản) tổ chức khởi công dự án Core5 Quảng Ninh tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên).
Với sự vào cuộc quyết liệt đó, nửa nhiệm kỳ qua, tổng thu hút đầu tư ngoài ngân sách vào Quảng Ninh đạt 430.736 tỷ đồng, trong đó thu hút FDI đạt trên 3,6 tỷ USD, gấp 3,6 lần so với cùng kỳ. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm số dự án FDI được cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư là 17 dự án, cao gấp 2,5 lần cùng kỳ, chủ yếu thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trong đó có 2 dự án quy mô lớn với vốn đầu tư trên 100 triệu USD thực hiện tại địa bàn các KCN, KKT. Bên cạnh việc tiếp tục thu hút FDI từ các nhà đầu tư thuộc thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh đón nhận dòng vốn của nhà đầu tư đến từ Thụy Điển, góp phần làm đa dạng đối tác đầu tư của tỉnh, nâng tổng số đối tác đầu tư vào tỉnh Quảng Ninh từ 19 lên 20 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Đoàn doanh nghiệp logistics khảo sát tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.
Đoàn doanh nghiệp logistics khảo sát tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Hài hoà vật chất – tinh thần theo chỉ dẫn hạnh phúc
Gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hoá, con người, xây dựng nền văn hoá giàu bản sắc Quảng Ninh, giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hoá gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển kinh tế nông thôn, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, chênh lệch vùng miền, bảm đảm an sinh xã hội, phúc lợi, tiến bộ, công bằng xã hội…. Tất cả những nhiệm vụ này được tỉnh thực hiện bằng chỉ dẫn là nâng cao chất lượng sống mọi mặt của nhân dân, bảo đảm hài hoà giữa đời sống vật chất và đời sống văn hoá tinh thần theo các tiêu của chí của “hạnh phúc”.
Đồng chí Nguyễn Việt Dũng, Bí thư Huyện uỷ Cô Tô:
“Người dân ở các tuyến đảo không còn xa đất liền”
Quảng Ninh một tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc. Đây là nhận định hoàn toàn chính xác. Tỉnh đi lên, các địa phương trong tỉnh cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Với Cô Tô, từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, đến nay Cô Tô đã có điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao từ 15 đến 16%/năm, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên. Thu ngân sách địa phương tăng bình quân năm là 33,3%/năm (vượt chỉ tiêu nghị quyết đại hội VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra là 10%/năm). Nhiều chỉ tiêu phát triển sản xuất như sản lượng lương thực, khai thác thủy sản đạt mức tăng trưởng cao so với nghị quyết.

Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM.
Cô Tô là huyện đảo đầu tiên trong cả nước đạt chuẩn NTM.


Đặc biệt, Cô Tô đã phát huy tiềm năng thế mạnh, đưa ngành dịch vụ - du lịch trở thành ngành kinh tế chủ lực, phát triển nhanh, bền vững, chiếm 65% tăng trưởng kinh tế của huyện. Hiện nay từ Hà Nội di chuyển ra Cô Tô chỉ mất 4,5 tiếng cả đường bộ và đường biển; vào những ngày cao điểm Cô Tô đón trên 12.000 khách, từ đầu tháng 4 đến nay, trung bình mỗi ngày đón khoảng 8.000 lượt khách. Theo con số thống kê, tính từ đầu nhiệm kỳ 2020-2025 đến nay, huyện Cô Tô đón gần 450.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 1.000 tỷ đồng. Cùng với đó, công tác cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được nâng lên. An sinh xã hội được quan tâm, chế độ cho các đối tượng chính sách xã hội, hỗ trợ cận nghèo được kịp thời, GRDP bình quân đầu người trong 2,5 năm đạt 106,1 triệu đồng/người/huyện không còn hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều. Nhiều hoạt động văn hóa xã hội nổi bật đã góp phần mang lại ấn tượng tốt đẹp và quảng bá hình ảnh Cô Tô trong mắt các du khách trong và ngoài nước.

Đường bay thương mại tuyến Tuần Châu - Cô Tô bằng thuỷ phi cơ đã được đưa vào hoạt động.
Đường bay thương mại tuyến Tuần Châu - Cô Tô bằng thuỷ phi cơ đã được đưa vào hoạt động.

Đồng chí Đỗ Thị Ninh Hường, Bí thư Huyện ủy Đầm Hà:
“Ưu tiên dành nguồn lực cho vùng khó”
Với Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KTXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với việc bảo vệ vững chắc quốc phòng an ninh cùng với các Nghị quyết liên quan đã và đang tạo lực đẩy rất mạnh để thúc đẩy phát triển KT-XH vùng khó khăn và bảo vệ môi trường. Tỉnh đã chỉ đạo, thể chế hóa bằng các cơ chế, chính sách, giải pháp rất cụ thể đảm bảo đồng bộ từ Nghị quyết của cấp ủy đến các nghị quyết, đề án, chương trình của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh để tổ chức triển khai thực hiện.

Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Đầm Hà ngày càng được đầu tư khang trang hơn, tạo diện mạo mới cho huyện.
Cơ sở hạ tầng trên địa bàn huyện Đầm Hà ngày càng được đầu tư khang trang hơn, tạo diện mạo mới cho huyện.
Tỉnh cũng đã tập trung ưu tiên nguồn lực từ ngân sách và từ đầu tư xã hội cho việc thực hiện các tiêu quốc gia, đặc ra mục tiêu, kế hoạch nhiệm vụ cho từng năm và chỉ đạo quyết liệt bằng được các mục tiêu đề ra; xác định địa bàn và lĩnh vực nhiệm vụ trọng tâm trọng điểm để có giải pháp thực hiện với những cách làm sáng tạo. Đến nay 100% địa phương cấp huyện và tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, hoàn thành sớm 3 năm so với Nghị quyết Đại hội đề ra, cơ bản xóa hộ nghèo theo tiêu chí quốc gia để chuyển sang xây dựng tiêu chí hộ nghèo của địa phương, góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Hạ tầng giao thông, hạ tầng kinh tế xã hội được đầu tư đồng bộ, nhất là hệ thống giao thông kết nối vùng và đầu tư cho các trường học cũng như xóa khoảng cách giữa đô thị và nông thôn, gắn phát triển công nghiệp với nông nghiệp. Đặc biệt, nhân dân khu vực miền Đông vui mừng và phấn khởi khi đường cao tốc Vân Đồn – Móng Cái được thi công xây dựng và đưa vào khai thác cũng đã mở ra cơ hội mới tạo động lực cho sự phát triển của các địa phương khu vực miền Đông của tỉnh và đặc biệt tỉnh cũng quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn như đường liên thôn, liên xã. Thu nhập của người dân và diện mạo nông thôn được cải thiện đáng kể. Đời sống nhân dân được nâng lên rõ nét.

Tuyến đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đến xã Quảng An hoàn thành cuối năm 2022 đã làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Tuyến đường từ trung tâm huyện Đầm Hà đến xã Quảng An hoàn thành cuối năm 2022 đã làm thay đổi diện mạo nông thôn.
Đối với huyện Đầm Hà, bám sát chủ trương của tỉnh, huyện cũng đã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dụng NTM và giảm nghèo bền vững xóa đói, giảm nghèo, tạo thêm việc làm cho người lao động. Đến nay, toàn bộ 8 xã của huyện đã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới; 6/8 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao; 2/8 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Đầm Hà đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020; đang triển khai xây dựng, hoàn thiện hồ sơ đề nghị được công nhận huyện nông thôn mới nâng cao năm 2022, và phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện giảm xuống còn 0,16%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 3.450 USD/người, tăng 1,32 lần so với năm 2020.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện Đầm Hà tiếp tục được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn huyện Đầm Hà tiếp tục được quan tâm giữ gìn, bảo tồn và phát huy.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh:
“Củng cố vững chắc niềm tin của người dân, doanh nghiệp”
Với quan điểm sự thành công, phát triển của doanh nghiệp cũng là sự thành công, phát triển của tỉnh, trong suốt quá trình phát triển những năm qua Quảng Ninh luôn cho thấy được tinh thần luôn đồng hành, hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Chúng tôi thấy được những cam kết được tỉnh cụ thể hóa bằng các hành động từ việc triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp đến việc đầu tư cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được chú trọng, đẩy mạnh. Trong bối cảnh khó khăn bởi dịch Covid-19 gây ra, tỉnh có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp ổn định hoạt động, phục hồi sau đại dịch.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi, trò chuyện với các doanh nhân tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022.
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh trao đổi, trò chuyện với các doanh nhân tại Hội nghị gặp mặt doanh nghiệp lần thứ nhất năm 2022.
Chúng tôi cũng đánh giá cao Quảng Ninh trong việc duy trì hội nghị gặp mặt doanh nghiệp, vì hiện ở nhiều địa phương khác trong nước, hoạt động này không được duy trì thường xuyên như trước. Thông qua hội nghị, Quảng Ninh đã và đang tạo thêm nhiều động lực cho môi trường đầu tư của tỉnh, của doanh nghiệp. Chính việc giải quyết kiến nghị và lắng nghe nhu cầu của doanh nghiệp đã giúp doanh nghiệp đo đếm được sự điều hành của chính quyền địa phương.

Sở KH&ĐT tỉnh phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình Cafe doanh nhân gặp gỡ, trao đổi những nội dung mới và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tháng 4/2023. Ảnh: Minh Nguyệt
Sở KH&ĐT tỉnh phối hợp với Ban Xúc tiến và Hỗ trợ Đầu tư tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức Chương trình Cafe doanh nhân gặp gỡ, trao đổi những nội dung mới và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tháng 4/2023. Ảnh: Minh Nguyệt
Tôi xin chúc mừng Quảng Ninh đã gặt hái được nhiều thành quả trong nửa đầu nhiệm kỳ 2020-2025 với con số tăng trưởng trên 2 con số trong bối cảnh cực kỳ khó khăn. Đó là điều mà không phải tình, thành phố nào cũng làm được. Đời sống người dân được nâng lên; hoạt động của các doanh nghiệp đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Quảng Ninh liên tục giữ vị trí quán quân ở tất cả bảng xếp hạng chỉ số cải cách quan trọng là PCI, PAR-Index, SIPAS, PAPI. Kết quả này minh chứng rõ nét cho nỗ lực đổi mới không ngừng trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành cùng doanh nghiệp bằng tư duy đột phá trong quản lý, điều hành của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở.


Bà Đinh Thị Minh Hằng, Phó Giám đốc HTX Vạn Chài Hạ Long:
Tôi rất vui trước những thành tựu về KT-XH tỉnh đã đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là những tín hiệu khởi sắc trở lại của ngành dịch vụ, du lịch. Điều này đã thể hiện được phần nào hiệu quả của những chính sách hỗ trợ tỉnh dành cho cộng đồng doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Chính sự đồng hành của tỉnh với doanh nghiệp ngày càng hiệu quả trở thành động lực để các doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh vượt qua những giai đoạn khó khăn. HTX của chúng tôi cũng như nhiều doanh nghiệp, HTX khác hoạt động trong lĩnh vực du lịch đã từng lâm vào hoàn cảnh lao đao vì đại dịch Covid. Nhưng chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn của tỉnh, địa phương và các sở, ngành, đến nay mọi hoạt động đã nhanh chóng phục hồi trở lại.

Sau 2 năm đầy khó khăn bởi dịch Covid-19, du lịch làng chài trên vịnh Hạ Long đã phục hồi trở lại.
Sau 2 năm đầy khó khăn bởi dịch Covid-19, du lịch làng chài trên vịnh Hạ Long đã phục hồi trở lại.
Tôi mong muốn trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục lắng nghe cũng như có thêm các chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ bởi đều là những doanh nghiệp còn hạn chế về quy mô và tài chính, trình độ quản lý và tỷ suất lợi nhuận thấp, khó tiếp cận được vốn vay. Đứng về góc nhìn từ đơn vị làm du lịch, tôi mong muốn tỉnh có thêm tiếp tục có thêm những quyết sách cụ thể nhằm thể hiện rõ ràng và hiệu quả chủ trương bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống riêng có của Vịnh Hạ Long, nhất là những giá trị văn hóa vô cùng quý giá của các làng chài cổ Cửa Vạn, Vung Viêng; đẩy mạnh hơn nữa việc giữ gìn, bảo vệ môi trường của Vịnh Hạ Long nói riêng và môi trường tự nhiên toàn tỉnh nói chung, tránh để phát sinh những sự cố về môi trường như vấn đề phao xốp nuôi trồng thủy sản thời gian qua…
Ngày xuất bản: 17/7/2023
Tổ chức thực hiện: LAN HƯƠNG
Nội dung: LAN HƯƠNG - THU CHUNG
Trình bày: MẠNH HÀ
“HAI VỮNG” TRÊN HÀNH TRÌNH KHÁT VỌNG MỚI
