
“Người Nga có câu ngạn ngữ thắng lợi không phải tự nhiên mà đến, tự nó không thể đến, thành tích tự nó không thể đến, thành công tự nó không thể đến được mà phải bằng sự nỗ lực chủ quan. Tỉnh ta có tiềm năng rất lớn, tài nguyên, khoáng sản nhiều, được sở hữu những thứ vô cùng quý giá mà nơi khác mơ ước như có vịnh Hạ Long, có các cửa khẩu quốc tế cả trên bộ và trên biển với đất nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay. Vì vậy, trong rất nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh luôn được Trung ương xác định rõ là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc và tỉnh cũng đã thực hiện rất xuất sắc vai trò này, hơn thế nữa còn là một trong những địa phương dẫn dắt cho nhiều đổi mới, đột phá trong khu vực Đông Bắc bộ”. – Đồng chí Hà Văn Hiền, Nguyên Bí thư Tỉnh uỷ chia sẻ.
Giữ vai trò một cực tăng trưởng

Trên trục tuyến tính thời gian tính từ sau Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV (2016-2020) đến nay, trong 8 năm liên tiếp (2016-2023), tỉnh Quảng Ninh đã giữ vững được đà tăng trưởng cao, ổn định trên 2 con số. Nhất là trong khoảng thời gian nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của BCH Đảng bộ tỉnh, vượt qua những khó khăn, thách thức chưa từng có, quy mô kinh tế của tỉnh Quảng Ninh tiếp tục tăng nhanh, với mức đạt đến năm 2022 là 270.000 tỷ đồng (chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng), ước năm 2023 đạt 312.000 tỷ đồng, tăng 1,5 lần so với năm 2020.
Từng bước định hình hệ giá trị địa phương Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”... Quảng Ninh đã chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn thách thức chưa từng có, đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng trong và sau đại dịch. GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt 8.291 USD, gấp đôi bình quân chung của cả nước (cao nhất ở khu vực phía Bắc), ước năm 2023 đạt 9.469 USD, gấp 1,4 lần so với năm 2020. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, hiện đại bảo đảm tính liên thông, tổng thể.
Tỉnh đã kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, đặc biệt sau khi khánh thành và đưa vào khai thác cao tốc Vân Đồn- Móng Cái, đường ven biển Hạ Long- Cẩm Phả tạo ra bước đột phá trong tư duy tổ chức lại không gian phát triển, kiến tạo các hành lang phát triển mới theo hướng bền vững hơn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, phát huy tốt hơn các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô ...mở ra nhiều cơ hội cho người dân và doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế thương mại, du lịch dịch vụ, công nghiệp và nông nghiệp, kinh tế biển.
Đặc biệt,sau 12 năm kể từ khởi động đầu tiên năm 2010 đến hết năm 2022, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới ở cả 3 cấp và về đích trước 3 năm chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao cả về đời sống vật chất, tinh thần và các dịch vụ xã hội như: y tế, giáo dục, thông tin truyền thông chất lượng cao, nhất là ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy, nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo và có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra tình huống bị động, bất ngờ.
Đồng chí Ngô Thị Vân, Phó Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết:
Trong 3 năm (2021- 2023) cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực, tăng cả khu vực 2 và 3. Trong đó, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng từ 49,1% (năm 2020) lên 49,8% (năm 2023). Khu vực này tạo ra bình quân 3 năm (2021-2023) là 17,79 nghìn tỷ đồng/năm, chiếm 51,18% tổng GRDP theo giá hiện hành bình quân của 3 năm. Do GRDP của khu vực này tạo ra lớn đã thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế Quảng Ninh theo chiều hướng phát triển công nghiệp.
Điều đặc biệt trong vận hành định hướng phát triển xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ là những giải pháp phục hồi phát triển sau đại dịch đã ngay lập tức tạo hiệu ứng rất tích cực đối với với khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm. Tính trong 3 năm (2020-2023) khu vực dịch vụ và thuế sản phẩm có sự dịch chuyển nhiều nhất từ 44,3% lên 45,5%. Khu vực này tạo ra GRDP bình quân theo giá hiện hành là 16,62 nghìn tỷ đồng/năm (thấp hơn khu vực công nghiệp xây dựng 1,17 nghìn tỷ đồng). Đạt tốc độ tăng bình quân quy mô 15,49%/năm, cao hơn tốc độ tăng bình quân của khu vực công nghiệp xây dựng, tác động làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế của khu vực này nhanh hơn. Chỉ tính từ quý 2/2022 sau khi dịch bệnh Covid-19 được khống chế, hoạt động sản xuất trở lại bình thường thì khu vực dịch vụ được phục hồi đã tạo ra một lương GRDP rất lớn, năm 2022 là 118,18 nghìn tỷ đồng, năm 2023 là 142,15 nghìn tỷ đồng.

Cộng hưởng của sự tăng trưởng đã đưa chỉ số phát triển bền vững cấp tỉnh (PSDI) năm 2021 của tỉnh Quảng Ninh xếp thứ 3/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 3 bậc so với năm 2020, sau Đà Nẵng, Hải Phòng) với điểm số đạt 63,1 điểm, cao hơn bình quân chung của vùng Đồng bằng sông Hồng và bình quân chung cả nước.

Và năm 2022 lần đầu tiên bảng xếp hạng chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) được công bố, Quảng Ninh xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tất cả bằng sự nỗ lực chủ quan

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc làm việc với tỉnh ngày 5/4/2022 đã khẳng định:
Quảng Ninh vươn lên, đã và đang trở thành một trong những tỉnh đi đầu trong công cuộc đổi mới sáng tạo của vùng đồng bằng Bắc Bộ, một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc.
Để có được đánh giá này gần 3 năm qua, trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây, bằng những quyết sách khoa học, kịp thời, đúng đắn, hiệu quả, Quảng Ninh đã vượt qua và đạt được những kỳ tích mới rất tự hào. Nổi bật trong đó là chỉ trong nửa nhiệm kỳ, đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục I, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số Km cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay và đang đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành nhiều dự án giao thông động lực, tạo đột phá về hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra không gian phát triển mới và tạo ra nguồn lực mới rất to lớn.
Những kỳ tích đạt được đó bắt nguồn từ những giải pháp thực hiện vô cùng kiên định, khoa học, thực tiễn.

“Những kết quả, thành tựu chủ yếu đã đạt được từ đầu nhiệm kỳ đến nay , có nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan, nhưng quan trọng nhất là các quyết sách của Nghị quyết Đại hội XV đã được thực tế thời gian qua chứng minh là đúng đắn, phù hợp, có tính dự báo cao và có tầm nhìn chiến lược, thể hiện khát vọng phát triển, chọn đúng khâu đột phá, xác định đúng trọng tâm. Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả khâu lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; bao quát toàn diện các nhiệm vụ chính trị, nhưng phải xác định rõ trọng tâm, trọng điểm; rõ người, rõ việc, rõ nguồn lực, rõ kết quả và rõ lộ trình hoàn thành từng công việc. Vừa tập trung vào những vấn đề cấp bách đặt ra, vừa chú trọng các chủ trương lớn mang tính chiến lược, lâu dài trong tầm nhìn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050; chú trọng đổi mới tư duy phát triển, mạnh dạn thí điểm áp dụng thành công nhiều mô hình quản trị mới như mô hình “Dân tin, Đảng cử”; phương châm “5 thật”, “6 dám”; “3 trước”, “4 tại chỗ”, từ xa, từ sớm, từ cơ sở; nội lực là căn bản, ngoại lực là quan trọng, kết hợp chặt chẽ nội lực với ngoại lực tạo ra nguồn lực tổng hợp tối ưu; phát triển tư duy mới về mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”; từng bước định hình hệ giá trị địa phương Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”...” – Đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định.




Ngày xuất bản: 17/7/2023
Tổ chức thực hiện: LAN HƯƠNG
Nội dung: LAN HƯƠNG - THU CHUNG
Trình bày: MẠNH HÀ
“HAI VỮNG” TRÊN HÀNH TRÌNH KHÁT VỌNG MỚI
