Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 12:15 (GMT +7)
Bảo đảm an sinh xã hội vì sự phát triển bền vững
Thứ 7, 20/04/2024 | 07:36:49 [GMT +7] A A
Với quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, “không để ai bị bỏ lại phía sau”, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng chục chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế. Qua đó, góp phần từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền, hướng đến các tiêu chí của “hạnh phúc” mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã nêu lên.
Hướng tới cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân
TX Quảng Yên là địa phương có nhiều khu công nghiệp (KCN) nhất tỉnh. Những năm qua, Quảng Yên triển khai nhiều dự án trọng điểm, khối lượng công việc giải phóng mặt bằng (GPMB) tại địa phương rất lớn. Tính riêng từ năm 2020 đến nay, Quảng Yên đã thu hồi hơn 11.000ha đất của 27.000 hộ dân, tổ chức, để triển khai 139 dự án trọng điểm. Để người dân trong diện di dời được an cư, thị xã luôn cân nhắc, ưu tiên lựa chọn địa điểm xây dựng các khu tái định cư thuận tiện về giao thông, gần khu trung tâm các xã, phường cũng như KCN và được đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật để giúp người dân an tâm sinh sống, làm việc, phát triển sản xuất, đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người dân.
Giai đoạn 2022-2023, TX Quảng Yên đã đầu tư hạ tầng cho 7 khu tái định cư nằm trên địa bàn 5 phường (Yên Hải, Nam Hòa, Yên Giang, Minh Thành, Hà An) và 2 xã (Hiệp Hòa, Sông Khoai) với tổng mức đầu tư trên 368 tỷ đồng. Đến nay, các khu tái định cư này cơ bản hoàn thành, đáp ứng chỗ ở cho những hộ dân phải di dời phục vụ GPMB các dự án trọng điểm ổn định cuộc sống.
Cùng với xây dựng các khu tái định cư, nhằm giúp người dân có sinh kế lâu dài, không bị “bỏ rơi” sau khi Nhà nước thu hồi đất, thị xã đã chủ động, tích cực triển khai Đề án Đào tạo, chuyển đổi nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị ảnh hưởng bởi các dự án phát triển KT-XH và các KCN trên địa bàn TX Quảng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030. Dựa trên kết quả điều tra khảo sát nhu cầu chuyển đổi nghề của lao động bị thu hồi đất, năm 2023, TX Quảng Yên cũng đã tổ chức 5 buổi tập huấn, tư vấn định hướng nghề cho gần 300 lao động thuộc diện bị thu hồi đất; tổ chức đào tạo nghề phi nông nghiệp, nông nghiệp cho 175 lao động; tổ chức 10 buổi kết nối tuyển dụng lao động vào làm việc tại các KCN. Qua đó, đã giới thiệu việc làm cho 4.295 lao động, trong đó có nhiều lao động nữ ở tuổi trung niên (đạt 102,3% kế hoạch giao).
Chị Nguyễn Thị Anh, công nhân Công ty Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên) cho biết: Trước đây gia đình tôi có 1 trang trại nuôi trồng thủy sản, nhưng thu nhập rất bấp bênh. Sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện Dự án KCN, cảng tổng hợp và dịch vụ tại khu vực Đầm Nhà Mạc, tôi được giới thiệu vào làm việc trong KCN. Hiện tại, mức lương của tôi là 14 triệu đồng/tháng, đủ nuôi sống bản thân và gia đình nên tôi rất yên tâm làm việc.
Với phương châm “Tất cả vì hạnh phúc nhân dân”, “Không để ai bị bỏ lại phía sau", huyện Ba Chẽ đặt mục tiêu cuối năm 2024 không còn hộ cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo trung ương; không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 50% so với năm 2023 theo chuẩn của tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, huyện đã huy động sự vào cuộc cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả; huy động nhiều nguồn lực để tạo chuyển biến trên nhiều phương diện như: Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thông qua các chính sách tín dụng ưu đãi; hỗ trợ nhà ở; đào tạo nghề, tạo việc làm cho lao động nông thôn; nâng cao chất lượng các dịch vụ xã hội như y tế, giáo dục, BHYT…
Theo bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ: Huyện luôn xác định an sinh xã hội, đặc biệt công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, cần có sự chỉ đạo quyết liệt của chính quyền và ban chỉ đạo giảm nghèo các cấp; huy động sự vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, đoàn viên, hội viên; sự chung tay của các doanh nghiệp; đồng thời phát huy vai trò chủ thể của nhân dân thực hiện công tác giảm nghèo. Công tác giảm nghèo phải đảm bảo chất lượng, bền vững, không chạy theo thành tích; đảm bảo cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên, tránh tái nghèo và phát sinh nghèo. Huyện đang phát huy tối đa sức mạnh nội lực và huy động tốt các nguồn lực cho phát triển sản xuất, đầu tư kết cấu hạ tầng; thu hút đầu tư để tạo việc làm, thu nhập cho các hộ dân; ưu tiên hỗ trợ cho hộ nghèo, hộ cận nghèo có ý chí, điều kiện và khả năng thoát nghèo, tự nguyện đăng ký thoát nghèo. Từ đó góp phần giảm nghèo bền vững và nâng cao đời sống nhân dân.
Nền tảng phát triển bền vững
Thời gian qua, Quảng Ninh đã ban hành nhiều chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho người dân thông qua các nghị quyết của HĐND tỉnh. Các nghị quyết đã được nghiên cứu, xây dựng, ban hành phù hợp với thực tiễn xã hội địa phương. Trên cơ sở đó, từ tỉnh đến các sở, ngành, địa phương đã nhanh chóng thực hiện đồng bộ giải pháp đưa nghị quyết vào cuộc sống, hỗ trợ kịp thời cho đối tượng chính sách, nâng cao mức sống cho người dân, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế đi đôi với thúc đẩy tiến bộ xã hội.
Trong năm 2023, tỉnh đã chi khoảng 1.400 tỷ đồng cho đảm bảo an sinh xã hội, tập trung vào các chính sách việc làm, nhà ở, nước sinh hoạt, đào tạo nghề, giáo dục, y tế, giảm nghèo, đền ơn, đáp nghĩa, bảo hiểm, nâng cao đời sống của người cao tuổi, neo đơn, khuyết tật, trẻ mồ côi...
Cụ thể, trong năm 2023, hơn 23.400 lao động trên địa bàn tỉnh được tạo việc làm tăng thêm, tăng trên 17% so với kế hoạch, trong đó số người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đạt trên 1.200 người, bằng 301% kế hoạch. Kết quả này đạt được là nhờ các địa phương, đơn vị đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 310/2020/NQ-HĐND và Nghị quyết 35/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh, đồng thời tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện công tác thu hút, tuyển dụng lao động; giới thiệu, tham gia tuyển dụng lao động đi làm việc ở nước ngoài... Tỉnh cũng triển khai đầy đủ, kịp thời chế độ, chính sách đối với đối tượng gia đình chính sách, người có công, hộ nghèo không có khả năng lao động, đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, hải đảo. Thực hiện điều dưỡng tập trung cho 5.076 người có công; 100% trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được chăm sóc, trợ giúp; 100% gia đình, người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư nơi cư trú; các đối tượng chính sách xã hội được thụ hưởng kịp thời đầy đủ các chính sách của Nhà nước và của tỉnh...
Tỉnh cũng đã dành khoảng 2.600 tỷ đồng để thực hiện Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, nhằm khuyến khích người nghèo, người dân ở vùng khó khăn phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo và làm giàu, nâng cao khả năng tự bảo đảm an sinh. Huy động mọi nguồn lực xã hội, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, địa phương cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay thực hiện mục tiêu xoá nhà ở tạm, dột nát trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó là thực hiện kịp thời chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi; hỗ trợ chính sách đặc thù cho 6.218 lượt trẻ em theo Nghị quyết 21/2021/NQ-HĐND của HĐND tỉnh với tổng số tiền 9,84 tỷ đồng; thực hiện hỗ trợ cho 2.000 lượt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh; bao phủ BHYT đạt 95,2%; số người tham gia BHXH đạt 43,2% so với lực lượng lao động…
Có thể nói, các cơ chế, chính sách an sinh xã hội đảm bảo nguồn lực cho lĩnh vực này là nền tảng cho tăng trưởng toàn diện và phát triển bền vững. Đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã giảm 165 hộ nghèo (giảm 0,046%) và 1.145 hộ cận nghèo (giảm 0,313%); hiện còn 246 hộ nghèo (tỷ lệ 0,064%) và 3.063 hộ cận nghèo (tỷ lệ 0,797%). Đời sống của người dân được nâng lên. Đặc biệt, thống kê năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của đồng bào đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đạt trên 73,3 triệu đồng, tăng 20,8 triệu đồng so với năm 2021.
Năm 2024, Quảng Ninh đặt mục tiêu không còn hộ nghèo và giảm 50% hộ cận nghèo theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023-2025. Để thực hiện được mục tiêu này, chính sách an sinh xã hội sẽ được tỉnh triển khai đồng bộ trên cả 3 mặt: Giúp các đối tượng thụ hưởng tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ công cộng như y tế, giáo dục, dạy nghề; hỗ trợ sản xuất thông qua các chính sách hỗ trợ vay vốn ưu đãi, hỗ trợ lãi suất, giải quyết việc làm; phát triển kết cấu hạ tầng cho các địa phương.
Có thể thấy, trong những năm đầu của nhiệm kỳ 2020-2025, khi nền kinh tế chịu tác động lớn từ đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai rất nhiều cơ chế, chính sách mới, với mục tiêu hỗ trợ mọi tầng lớp nhân dân ổn định đời sống, phát triển sinh kế lâu dài, bền vững và được bảo vệ an toàn trước dịch bệnh. Đây có thể nói là những chính sách “an dân” và “được lòng dân” của Quảng Ninh trong “cơn bão” dịch Covid-19, bởi được triển khai rất nhanh chóng, kịp thời, đa dạng đối tượng thụ hưởng. Những chủ trương, kế hoạch của Quảng Ninh đã, đang và sẽ góp phần giảm sự chênh lệch giữa các vùng miền, thực hiện thành công mục tiêu mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng xác định: “Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, hội nhập quốc tế; thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an ninh xã hội, an ninh con người, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong quản lý phát triển xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân”…
Hoài Anh
Liên kết website
Ý kiến ()