Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 19:27 (GMT +7)
Bảo đảm đủ điện và xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng
Thứ 3, 04/07/2023 | 21:37:58 [GMT +7] A A
Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Ngày 4/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương và phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023.
Nhận định khó khăn, thách thức vẫn còn nhiều, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, trong đó, ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Chính phủ; các thành viên Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương đã tập trung thảo luận thẳng thắn, trách nhiệm, sát thực tế về: tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu và 6 tháng đầu năm 2023, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm 6 tháng cuối năm; tình hình thực hiện Nghị quyết 01 năm 2023 của Chính phủ; tình hình triển khai chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; tình hình phân bổ, giải ngân vốn đầu tư công; triển khai ba chương trình mục tiêu quốc gia.
Đặc biệt, các đại biểu cũng thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo Nghị quyết chuyên đề về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương...
Tháng sau khởi sắc hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước
Sau khi nghe ý kiến phát biểu của các bộ, ngành, địa phương, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, trong tháng Sáu và 6 tháng đầu năm, Chính phủ đã bám sát và tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; tổ chức 11 hội nghị, phiên họp Chính phủ, trong đó có 5 phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; ban hành 66 văn bản quy phạm, 106 nghị quyết của Chính phủ, 829 quyết định cá biệt, 41 công điện, 22 chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ; chuẩn bị chu đáo, phục vụ tốt Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ và Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, trong đó, trình Quốc hội thông qua 8 luật, cho ý kiến 9 dự án luật và quyết nghị nhiều chủ trương, chính sách quan trọng về đất đai, đấu thầu, giảm thuế giá trị gia tăng, xuất nhập cảnh…
Chính phủ thường xuyên tổ chức các cuộc họp, hội nghị, các chuyến công tác, hoạt động đối ngoại, tham vấn ý kiến chuyên gia, nhà khoa học; tập trung rà soát, hoàn thiện quy định pháp luật, cơ chế, chính sách để tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập 25 tổ công tác do các thành viên Chính phủ làm việc trực tiếp với các địa phương; đã xử lý 300/1.000 nghìn kiến nghị và đang tiếp tục xem xét, xử lý đối với trên 700 kiến nghị còn lại.
“Trước tình hình quốc tế, trong nước rất khó khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành và đề xuất nhiều cơ chế, chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh. Nhìn chung, các nhiệm vụ, giải pháp đề ra khá đồng bộ, toàn diện, đúng và trúng, sát thực tiễn, được nhân dân, doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế đánh giá cao và đã có hiệu quả rõ nét với nhiều số liệu tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau hiệu quả hơn quý trước," Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, trong bối cảnh quốc tế, trong nước rất khó khăn, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế-xã hội tháng Sáu tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 5 và 5 tháng đầu năm, quý 2 nhìn chung tốt hơn quý 1, đóng góp vào kết quả chung của 6 tháng đầu năm 2023.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, bội chi ngân sách nhà nước được kiểm soát tốt theo nghị quyết của Quốc hội giao.
Lạm phát tiếp tục xu hướng giảm dần. Tăng trưởng phục hồi. Thị trường tiền tệ, tỷ giá cơ bản ổn định. Xuất, nhập khẩu có xu hướng tăng trở lại. Thu ngân sách nhà nước bảo đảm tiến độ.
Các ngành, lĩnh vực chủ yếu phục hồi tốt, đặc biệt là lĩnh vực công nghiệp tiếp tục tăng trở lại. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tiếp tục tăng, quý 2 cao hơn quý 1, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Phát triển doanh nghiệp có xu hướng tích cực hơn. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện. Tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.
“Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục dự báo Việt Nam là một trong những nước tăng trưởng cao của khu vực, thế giới; các tổ chức xếp hạng tín nhiệm uy tín thế giới duy trì và nâng hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam," Thủ tướng cho biết.
Thủ tướng Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức như: Tốc độ tăng trưởng GDP thấp hơn so với kịch bản đề ra, 6 tháng đạt 3,72% so với kịch bản 6,2%; tình hình thị trường quốc tế còn rất khó khăn; dư nợ tín dụng tăng thấp, nhiều doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận tín dụng mới, mặt bằng lãi suất cho vay thực tế vẫn còn cao; thu ngân sách nhà nước có xu hướng giảm; ngành công nghiệp phục hồi chậm; vốn FDI đăng ký tăng thêm tiếp tục bị ảnh hưởng, giảm 57,1% so với cùng kỳ; những bất cập, vướng mắc của các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bảo hiểm, bất động sản mới chỉ được xử lý bước đầu, chưa được giải quyết một cách căn cơ, bền vững, hiệu quả; thủ tục hành chính một số lĩnh vực, địa bàn còn nặng nề, chưa thông thoáng; đời sống một bộ phận người dân còn khó khăn; tình hình an ninh trật tự ở một số địa bàn, lĩnh vực tiềm ẩn nguy cơ...
Ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh
Nêu những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức, các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình, bối cảnh trong nước, quốc tế, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháng Bảy, quý 3 và thời gian tới nhằm quyết tâm giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo đó, kiên định, kiên trì tập trung thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng XIII, các nghị quyết, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ.
Trước mắt, ưu tiên tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đặc biệt là phải ưu tiên cho tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm đời sống nhân dân; tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, nới lỏng, kịp thời, hiệu quả hơn; phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, nhanh chóng, dứt khoát; tập trung nâng cao năng lực sản xuất của nền kinh tế.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành chủ động, tích cực giải quyết khó khăn, vướng mắc tại các địa phương tổng hợp từ báo cáo của 26 tổ công tác của Chính phủ.
Các tổ công tác này tiếp tục hoạt động hằng tháng nhằm thực hiện “mục tiêu kép;” vừa kiểm điểm, đánh giá việc xử lý các kiến nghị trước đó; vừa kịp thời giải quyết những vấn đề mới phát sinh.
Các bộ, ngành, địa phương nắm chắc tình hình, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn để chủ động ứng phó, giải quyết kịp thời, hiệu quả; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt lưu ý không được đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, nhũng nhiễu, tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm (nếu có).
Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ 3 động lực tăng trưởng là đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu; tập trung tháo gỡ khó khăn, khắc phục ngay tình trạng sản xuất trì trệ, khôi phục và tìm kiếm thị trường, đơn hàng mới; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, việc làm và đời sống nhân dân; thúc đẩy các lĩnh vực văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chuyển đổi năng lượng, tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn; tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; giữ vững ổn định chính trị-xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; đẩy mạnh đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Chuẩn bị kỹ, phục vụ tốt các cuộc họp của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhất là Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội vào cuối năm.
Đặc biệt, tập trung giải quyết kịp thời, hiệu quả những vấn đề quan trọng, cấp bách hoặc mới phát sinh trong công tác quy hoạch; sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã; bảo đảm đủ điện, xăng dầu phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; xử lý tình trạng mất cân đối cung cầu lao động tại một số địa phương; giải quyết các khiếu nại, khiếu kiện; phản hồi ý kiến, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp, chú trọng phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm…
Bên cạnh đó, làm tốt công tác thông tin truyền thông, đặc biệt là truyền thông chính sách, góp phần tạo đồng thuận xã hội; cương quyết đấu tranh với các thông tin xuyên tạc, xấu, độc, vu khống...
Thủ tướng Chính phủ giao các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể cho từng bộ, ngành, địa phương. Theo đó, Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tập trung chủ động thực hiện tốt công tác quy hoạch; giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, ba chương trình mục tiêu quốc gia; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính; rà soát, có biện pháp cụ thể thúc đẩy thực hiện các dự án công nghiệp, xây dựng, bất động sản, thương mại; phối hợp xử lý vấn đề trái phiếu doanh nghiệp trên địa bàn; nghiên cứu, chủ động có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống người lao động phù hợp.
“Các tỉnh, thành phố phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xử lý nghiêm, thay thế kịp thời các trường hợp cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm và các vi phạm pháp luật," Thủ tướng nhắc nhở.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay; tăng tín dụng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng cho nền kinh tế; tăng khả năng tiếp cận tín dụng.
Bộ Tài chính thực hiện hiệu quả các chính sách gia hạn, giảm thuế, phí, lệ phí đã ban hành; đẩy nhanh hoàn thuế VAT.
Bộ Xây dựng thực hiện nghiêm Nghị quyết 33 của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; cùng Bộ Công an, các bộ, ngành, khẩn trương tháo gỡ vướng mắc về phòng cháy, chữa cháy.
Bộ Giao thông vận tải tập trung chỉ đạo triển khai các dự án giao thông trọng điểm, nhất là các dự án cao tốc, chọn được nhà thầu xây dựng sân bay Long Thành. Bộ Công Thương tập trung phát triển mạnh thị trường trong nước; kích cầu tiêu dùng; mở rộng thị trường xuất khẩu, thúc đẩy đàm phán, ký kết các FTA mới.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài nguyên và Môi trường tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về quy hoạch đất đai, các thủ tục hành chính; khẩn trương xử lý các kiến nghị, vướng mắc của địa phương, doanh nghiệp về đất đai, môi trường.
Bộ Y tế tập trung tháo gỡ khó khăn, giải quyết dứt điểm vướng mắc trong mua sắm, đầu thầu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế. Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai tốt tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2023; tổ chức đấu thầu công khai in sách giáo khoa.
Các tập đoàn, tổng công ty thực hiện tốt kế hoạch sản xuất, kinh doanh, tập trung giải ngân vốn đầu tư; đẩy mạnh đầu tư phát triển các dự án mới quy mô lớn, hiệu quả ngay trong nửa cuối năm 2023…
Đối với kiến nghị của các địa phương, bộ, ngành yêu cầu các bộ, ngành liên quan chủ động, tích cực xử lý theo thẩm quyền và báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với trường hợp vượt thẩm quyền./.
Theo TTXVN/Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()