Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 05:11 (GMT +7)
Bảo tàng Quảng Ninh - "Trường học" ngoài nhà trường
Chủ nhật, 26/05/2024 | 17:59:51 [GMT +7] A A
Bảo tàng Quảng Ninh không chỉ cung cấp kiến thức lịch sử, văn hóa ứng xử với di sản cho giới trẻ khi đến tham quan mà còn như một trường học ở ngoài nhà trường.
Bảo tàng Quảng Ninh tiền thân là Bảo tàng Lịch sử và Cách mạng khu Hồng Quảng. Khi khu Hồng Quảng hợp nhất với tỉnh Hải Ninh thành tỉnh Quảng Ninh, Bảo tàng đổi tên thành Bảo tàng Quảng Ninh với nhiệm vụ chính là “Tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân Vùng mỏ và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh”. Như thế, chức năng tuyên truyền, giáo dục của bảo tàng được coi trọng ngay từ đầu.
Bảo tàng Quảng Ninh là không gian giáo dục di sản rất tốt, khi lưu giữ đến 60.000 hiện vật, trong đó có 12 bảo vật Quốc gia. Hệ thống hiện vật được trưng bày theo chủ đề, mang đậm màu sắc văn hóa vùng miền: Không gian của biển cả và thiên nhiên, những hiện vật về lịch sử tỉnh Quảng Ninh trải dài từ thời kỳ tiền sử đến hết kháng chiến chống đế quốc Mỹ với các không gian văn hóa tiền Hạ Long, văn hóa Hạ Long, thời đại kim khí, thời kỳ sơ sử, kỷ nguyên Đại Việt, khu trưng bày chuyên đề Yên Tử - Nhà Trần. Và còn không gian trưng bày lịch sử ngành khai thác than, không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Quảng Ninh, không gian Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Quảng Ninh.
Những hoạt động tại Bảo tàng đã cung cấp thêm kiến thức từ thực tế, mang lại những thay đổi tích cực về nhận thức cho học sinh, sinh viên. Để làm tốt hơn điều đó, căn cứ vào những nội dung trưng bày, thuyết minh viên sẽ biên soạn một cách linh hoạt, phù hợp với từng đối tượng tham quan. Đơn cử như học sinh tiểu học sẽ trải nghiệm chủ đề “Nghề truyền thống” theo hình thức hỏi - đáp, trải nghiệm vẽ tranh trên gốm sứ góp phần phát triển kỹ năng sống, phát huy năng lực, sở trường trong học tập và tham gia các hoạt động tập thể, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Các hoạt động trải nghiệm của Bảo tàng Quảng Ninh luôn được đổi mới, sáng tạo, đa dạng về nội dung, hướng đến việc không còn tiếp nhận kiến thức một chiều kiểu cho - nhận mà là sự tương tác với khách tham quan. Những trải nghiệm thực tế còn phát huy sự sáng tạo trong tiếp cận với lịch sử, địa lý văn hoá, góp phần thực hiện nội dung giáo dục di sản, hình thành ý thức bảo vệ, gìn giữ và phát huy những giá trị của di sản văn hóa địa phương.
Nhờ làm tốt vấn đề này, thời gian qua, Bảo tàng Quảng Ninh đã đón hàng nghìn lượt học sinh từ các trường học trong cả nước nói chung và của tỉnh đến tham quan, học tập, trải nghiệm. Nhiều trường coi bảo tàng là kho tài nguyên trực quan cho các hoạt động ngoại khoá để truyền dạy kiến thức và các kỹ năng, khơi dậy niềm hứng thú với lịch sử, văn hóa địa phương của học sinh.
Ông Đỗ Quyết Tiến, Giám đốc Bảo tàng Quảng Ninh, cho biết: Thời gian tới, Bảo tàng sẽ đổi mới nội dung, hình thức trưng bày và giới thiệu di sản văn hóa, trong đó, làm tốt công tác sưu tầm, xây dựng các bộ sưu tập hiện vật gốc có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, khoa học, thẩm mỹ, mang tính độc đáo, đậm đà bản sắc của con người Quảng Ninh; nghiên cứu, đổi mới nội dung trong trưng bày cố định, trưng bày chuyên đề gắn với ứng dụng tiến bộ KHCN trong hoạt động trưng bày; đa dạng hóa các chương trình giáo dục trải nghiệm gắn với đẩy mạnh đổi mới các phương thức tuyên truyền và nâng cao hơn nữa chất lượng các chương trình giáo dục dành cho đối tượng học sinh, sinh viên; chú trọng hơn sự kết nối chặt chẽ giữa các nhà trường, các trường đại học với Bảo tàng, qua đó tạo sức hút và lợi thế cạnh tranh so với các bảo tàng khác trên cả nước.
Phạm Học
Liên kết website
Ý kiến ()