Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 03/11/2024 04:20 (GMT +7)
Miếu Vua Bà
Thứ 7, 21/10/2017 | 07:27:26 [GMT +7] A A
Nằm bên cạnh dòng sông Bạch Đằng thơ mộng, di tích miếu Vua Bà và cây quếch là địa danh thu hút được nhiều du khách đến tham quan nhất trong quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (TX Quảng Yên).
Di tích miếu Vua Bà. |
Theo như tấm bia ghi ở trước cửa miếu Vua Bà, thì nơi đây xưa kia là một bến đò rừng, bên cạnh cây quếch trên bến đò có một bà bán hàng nước phục vụ khách qua sông. Vào khoảng đầu năm Mậu Tý (năm 1288), Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã đến bến đò này nghiên cứu địa hình, chuẩn bị thế trận tiêu diệt đạo thủy binh quân xâm lược Nguyên – Mông.
Tại đây, ông đã được bà bán hàng nước thưa tỉ mỉ, chính xác lịch con nước và địa thế dòng sông, giúp bố trí trận địa cọc và chọn thời điểm quyết chiến. Chiến trận Bạch Đằng đại thắng, Hưng Đạo Vương trở lại bến đò tìm bà để tạ ơn, nhưng không thấy, chỉ thấy đống mối đùn lên rất to nơi bà ngồi. Cảm kích trước tấm lòng yêu nước của bà, Hưng Đạo Vương đã tâu với vua Trần phong bà làm “Vua Bà” và cho lập miếu thờ tại nơi bà bán hàng bên gốc cây quếch này.
Ngày trước, miếu Vua Bà có quy mô rất nhỏ. Sau này, được xây dựng lại khang trang to đẹp hơn. Theo ông Ngô Đình Dũng, Phó Trưởng Phòng VH-TT TX Quảng Yên, cho biết: Miếu Vua Bà được trùng tu xây dựng lại từ năm 2001, miếu quay mặt về hướng Tây, gồm bái đường và hậu cung. Phía ngoài mặt sân, trước nhà bái đường có một bàn thờ bằng đá chạm rồng miệng ngậm chữ “Thọ”. Trên mặt bàn thờ là một lư hương lớn bằng đá chạm khắc lưỡng long chầu nguyệt, hai bên khắc hoa văn hình sóng nước và ống cắm hương lớn bằng đồng. Nhà bái đường có diện tích khoảng 80m2, trang trí đơn giản, đầu đao góc mái và đầu kìm ngậm bờ nóc gồm ba gian hai chái. Hai chái trổ cửa sổ tròn lỗ hoa, ba gian giữa có cửa thượng song hạ bản. Gian giữa nhà bái đường là tượng Tam tòa Thánh Mẫu, có đặt một bát hương công đồng lớn. Gian phải thờ Chầu Cô gồm ba bức tượng. Hậu cung của miếu có diện tích khoảng 30m2, trong hậu cung có một bệ thờ bằng đá cao 119cm, dài 231cm, rộng 110cm. Trên bệ thờ đặt khám thờ Vua Bà.
Tượng vua bà trong hậu cung. |
Miếu Vua Bà, là nơi được nhân dân đến tham quan nhiều. Đặc biệt là những ngày tháng 3 âm lịch, gắn liền với tục thờ mẫu ở Việt Nam. Cho đến nay, chưa có tư liệu nào ghi rõ, cụ thể bà cụ bán hàng nước năm xưa ở bến đò cổ, giúp Hưng Đạo Vương dẹp giặc Nguyên - Mông này nhà ở đâu, họ cụ thể, tuổi tác bao nhiêu. Nhưng trong tâm thức của mỗi du khách đều coi bà bán hàng nước đó là một vị thần hóa thân thành một bà lão hiền từ, bán hàng nước bên bến đò cổ giúp nhân dân đánh giặc.
Năm 1995, Đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm quan miếu Vua Bà và có nói: “Sáng kiến của một người dân bình thường cũng có thể làm nên sự nghiệp lớn. Hưng Đạo Vương đã chắt chiu sáng kiến của nhân dân để làm nên sự nghiệp lớn cho dân tộc”.
Thế mới biết trong lịch sử dân tộc Việt Nam, đã có rất nhiều các bậc nữ sĩ quên mình, giết giặc bảo vệ đất nước. Tất cả họ, đều là những người phụ nữ được coi là “chân yếu tay mềm” nhưng mỗi khi tổ quốc bị xâm lăng, đều biết tham gia đánh giặc.
Cây quếch hàng trăm năm tuổi trước miếu Vua Bà. |
Cây quếch nơi bà bán hàng nước năm xưa giúp Hưng Đạo Vương đánh giặc giành thắng lợi không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử giáo dục truyền thống dân tộc, tạo sự thư thái cho du khách mỗi khi tới chiêm bái.
Chị Nguyễn Thị Trà My, phường Quảng Yên, chia sẻ: Tôi đến miếu Vua Bà rất nhiều lần. Mỗi lần đến chiêm bái, vãn cảnh miếu và thăm bến đò cổ, tôi lại có một cảm giác khác nhau. Trong miếu bố trí khoa học, hợp lý. Du khách nhiều nơi rất thích đến đây chiêm bái miếu Vua Bà.
Hiện tại, miếu Vua Bà nằm trong quần thể di tích quốc gia đặc biệt, gần đây, đã có nhiều đoàn khách nước ngoài tới tham quan. Đến đây vào ngày lễ, du khách sẽ được thưởng thức các nghệ nhân biểu diễn hầu đồng trong miếu. Hy vọng, trong tương lai miếu Vua Bà sẽ là một trong những di tích lịch sử tạo điểm nhấn cho du lịch Quảng Yên.
Long Vũ (CTV)
Liên kết website
Ý kiến ()