Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:05 (GMT +7)
Bảo tồn văn hóa dân tộc tốt hơn từ những ngôi nhà cộng đồng
Thứ 5, 18/01/2024 | 11:21:11 [GMT +7] A A
Hiện nay, phần lớn các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở tỉnh ta đều xây dựng nhà văn hóa cộng đồng cho đồng bào dân tộc, như nhà văn hóa dân tộc Dao, nhà văn hóa dân tộc Tày, nhà văn hóa dân tộc Sán Chỉ... Nhà văn hóa cộng đồng là nơi để người dân vui chơi, để các đơn vị chức năng tuyên truyền về pháp luật, các kỹ thuật nuôi trồng... để xây dựng và phát triển đời sống.
Từ năm 2016, đồng hành với chương trình xây dựng nông thôn mới, xã Thượng Yên Công (TP Uông Bí) đã xây dựng công trình Nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại thôn Khe Sú 2 quy mô, vừa là nơi sinh hoạt của bà con lại vừa là điểm du lịch và nơi bảo tồn, phát huy những bản sắc dân tộc vốn có của xã. Tại đây những người già, người trẻ đều có điều kiện gắn bó với nhau, chăm sóc lẫn nhau, cùng nhau trò chuyện và truyền cho nhau những kinh nghiệm bản thân, hay văn hóa của dân tộc mình mà người già không muốn con cháu làm mai một.
Bà Trương Thị Bích, đã 80 tuổi, thôn Khe Sú 2, tuy tuổi đã cao nhưng vẫn đến sinh hoạt đều đặn tại Nhà văn hóa cộng đồng thôn Khe Sú 2, có khi một lần/tuần, nhưng cũng có khi hằng ngày vì lý do mưa kéo dài, bà con người Dao không lên rừng hay ra đồng được và họ lại hẹn nhau ra nhà văn hóa cộng đồng để cùng sinh hoạt.
Bà Bích rất vui, vì tại nhà văn hóa cộng đồng, bà có nhiều cơ hội để truyền dạy cho con cháu cách dệt những chiếc thắt lưng thổ cẩm sao cho đúng với những hoa văn của người Dao, rồi lại giải thích với con cháu về ý nghĩa của những hoa văn này. Bà Bích giải thích rằng, những hoa văn đó vừa là để trang trí nhưng cũng vừa là để nhắc nhở con cháu một thời gian khó của người Dao, quả trám để ăn với cơm, con rùa luôn gắn bó với người nông dân dưới đồng ruộng mà người Dao có điệu múa Rùa rất độc đáo.
Ở xã Đại Dực huyện Tiên Yên đã xây dựng nhà văn hóa cộng đồng từ năm 2006, là xã có nhà văn hóa cộng đồng đầu tiên của huyện Tiên Yên. Tuy nhiên, sau 16 năm xây dựng công trình đã không đáp ứng được nhu cầu phát triển mạnh mẽ về văn hoá xã hội của xã. Năm 2022, công trình Trung tâm Văn hóa thể thao dân tộc Sán Chỉ huyện Tiên Yên được ra đời. Ngôi nhà chung đó được người dân trong xã đón nhận vui vẻ. Già làng, Nghệ nhân dân gian Lỷ A Sáng (xã Đại Dực) là người vui vẻ hơn cả. Đã nhiều năm nay, ông Sáng luôn nỗ lực trong việc bảo tồn hát Soóng cọ ở xã. Người dân ở Đại Dực hát Soóng cọ thường phải có đông người cùng hát mới vui, nên họ rất cần có ngôi nhà chung che mưa che nắng, hay có ánh sáng điện về ban đêm để sinh hoạt đông người.
Ông Sáng bảo: Người Sán Chỉ chúng tôi cũng rất thích sự sum vầy của cộng đồng. Đây là nơi để người già truyền lại cho con cháu những truyền thống tốt đẹp của cha ông xưa và tuyên truyền việc xây dựng đời sống pháp luật. Chính vì thế mà ở Đại Dực có rất ít người vi phạm pháp luật hay sa đà vào các tệ nạn xã hội.
Năm 2020, huyện Ba Chẽ đã xây dựng và khánh thành Nhà truyền thống cộng đồng người Dao ở thôn Sơn Hải (xã Nam Sơn). Đây là ngôi nhà thờ tổ chung của người Dao, có tổng diện tích 1.600m2, trong đó diện tích nhà 707,1m2 gồm 2 tầng. Ngôi nhà không chỉ là nơi tìm đến của người Dao trong tỉnh mà cả người Dao từ nhiều tỉnh thành khác, nhất là dịp Lễ hội Bàn Vương, người Dao đến từ các xã của Ba Chẽ và từ các địa phương khác trong và ngoài tỉnh. Ông Triệu Chăn Hồng, thôn Làng Cổng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) bày tỏ: “Ngôi nhà cũng là sân chơi và là niềm tự hào của người Dao chúng tôi. Chúng tôi rất an tâm vì nhà văn hóa đã nói hộ những điều mà chúng tôi muốn nói với con cháu nhiều thế hệ sau, để cho văn hóa người Dao không bị mai một.
Ở huyện Bình Liêu các xã đều có nhà văn hóa cộng đồng được xây dựng quy mô hiện đại. Ngoài những lễ hội được tổ chức nơi đây hằng năm, ở các nhà văn hóa buổi chiều còn diễn ra các trận đấu bóng nữ Sán Chỉ, Dao. Từ việc chị em mặc nguyên váy áo dân tộc mình đá bóng, giúp cho chị em thêm yêu hơn trang phục của dân tộc mình, để từ đó việc bảo tồn văn hóa dân tộc tốt hơn rất nhiều.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()