Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 02/01/2025 20:48 (GMT +7)
Lễ hội cầu an đầu năm của người Sán Dìu
Chủ nhật, 06/03/2016 | 08:35:09 [GMT +7] A A
Đình làng của người Kinh chỉ thờ thành hoàng làng (thần). Đình làng của người Sán Dìu không chỉ thờ thành hoàng làng, mà còn phối thờ cả Phật và tổ sư. Nơi đây diễn ra nhiều hoạt động tín ngưỡng dân gian phong phú, trong đó có lễ cầu an đầu năm.
Nhóm thầy cúng thực hiện nghi lễ cầu an. |
Lễ hội cầu an đầu năm của người Sán Dìu gắn bó chặt chẽ với phong tục thờ thành hoàng làng ở đình. Họ quan niệm rằng, thờ thành hoàng làng để thần phù hộ cho mưa thuận, gió hoà, mùa màng bội thu, đời sống no ấm. Và thành hoàng làng có mặt ở nhiều nơi trong làng bản nhưng chỉ về nghỉ ngơi ở nơi có thế đất đẹp, cao rộng, thoáng đãng nhất trong làng. Chỗ ấy bà con thường xây đình để thờ thành hoàng, sau này phối thờ cúng chư Phật và tổ sư, để làm nơi diễn ra các hoạt động tín ngưỡng tổ chức trong năm.
Lễ cầu an thường được tổ chức vào đầu xuân, không ấn định một ngày cụ thể nào, mà thường là trước rằm tháng Giêng. Thầy cúng sẽ xem ngày và chọn một ngày đẹp nhất để dân làng tổ chức lễ cầu an. Cùng với lễ lên đồng được tổ chức vào ngày 14-7 âm lịch (còn gọi là Tết Mười Tư) để rửa cày bừa và lễ đại phan thì lễ cầu an đầu năm là một trong những lễ hội quan trọng bậc nhất của người Sán Dìu ở Quảng Ninh.
Riêng ở phường Hà Phong (TP Hạ Long), lễ cầu an diễn ra vào đầu xuân, cứ hai năm tổ chức một lần và thường vào các năm chẵn kết hợp với tổ chức hội xuân tại đình làng. Ngày tổ chức thường nhằm vào khoảng từ mùng 5 Tết đến rằm tháng Giêng với ước vọng cầu cho quốc thái dân an. Lễ hội cầu an của người Sán Dìu là hoạt động tín ngưỡng dân gian mang đậm tính chất tâm linh. Trước ngày khai lễ, dân làng sẽ làm rạp, dựng bàn thờ ở sân đình để thầy cúng mời thần, Phật về chứng giám cho công việc của làng.
Trong lễ cầu an, thầy cúng mời thần linh trấn ải một số vị trí quan trọng, đặt phù bùa để ngăn không cho tà ma, dịch bệnh đến quấy phá, lây lan làm ảnh hưởng xấu đến đời sống của dân làng. Lễ cầu an cũng thỉnh cầu thần, Phật phù hộ độ trì cho dịch bệnh lùi xa, tai qua nạn khỏi, giao thông thuận tiện, khoa cử học hành thông suốt hanh thông, mùa màng được tốt tươi.
Ông Trương Đình Minh, Phó Ban Tổ chức lễ hội cầu an đình Lộ Phong (phường Hà Phong) cho biết, vì trước đây đời sống dân làng còn khó khăn nên tổ chức lễ cầu an 2 năm một lần cho thật long trọng. Theo lệ đó, dân làng cứ duy trì lễ cầu nhiều đời nay với những nghi thức rất riêng. Cũng theo ông Minh, trong những năm tới đây, lễ hội cầu an của bà con Sán Dìu phường Hà Phong sẽ ngày càng đi vào quy củ, vui tươi lành mạnh và long trọng hơn nữa.
Trong lễ hội cầu an của đồng bào Sán Dìu, nghi thức cúng tế thần linh là quan trọng nhất. Cụ Lam Văn Ỉnh, thầy cúng làm chủ tế ở lễ hội cầu an đầu năm của người Sán Dìu ở phường Hà Phong, cho biết: Nghi thức cúng cầu an được thực hiện kéo dài từ sáng sớm đến khoảng 3 giờ chiều mới kết thúc. Nghi lễ bao gồm cúng thỉnh chư vị thần linh, trấn ải 4 phương, 8 hướng để xua đuổi tà ma và điềm xấu không được đến với xóm làng, cúng xin giết lợn giết gà để hiến sinh, lễ cúng tế thần, các dòng họ dẫn lễ tế...
Trong ngày lễ này, mỗi dòng họ trong làng bản đều cử một thành viên đến đình xin lộc cầu an, lễ vật mang theo lễ vật bao gồm: Gà, rượu, xôi, bánh các loại. Khi họ dâng lễ lên đầy đủ thì ông chủ tế sẽ trịnh trọng đọc bài văn cúng. Khi ông đọc hết khoa cúng lễ, lần lượt từng dòng họ sẽ tiến về bàn thờ gieo quẻ xin đài âm dương. Khi được đài (một đồng tiền sấp, một đồng ngửa) thì buổi lễ dừng lại.
Trong lễ cầu an, bà con Sán Dìu chuẩn bị lá dong, gạo nếp, đỗ xanh, vừng, lạc để gói các loại bánh truyền thống như bánh chưng, bánh bạc đầu và bánh tà-loòng-ệt làm lễ vật để cúng thần. Bánh chưng của người Sán Dìu không có hình vuông, mà giống như bánh tét ở miền Nam, bà con gọi là bánh chưng gù.
Khi phần lễ kết thúc, già trẻ, gái trai người Sán Dìu xưa thường tổ chức hát soọng cô chia sẻ tâm tư tình cảm, kết giao bằng hữu, kết duyên đôi lứa. Sau đó khi lễ hội kết thúc thì mọi người hạ lễ và cùng liên hoan một bữa tại sân đình.
Huỳnh Đăng
Liên kết website
Ý kiến ()