Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 16/11/2024 08:19 (GMT +7)
Bảo vệ chim di cư
Thứ 2, 28/11/2022 | 11:15:19 [GMT +7] A A
Thời gian qua, mặc dù các bộ, ban, ngành liên quan từ Trung ương đến địa phương đã ban hành nhiều quy định, văn bản chú trọng bảo vệ các loài chim hoang dã, di cư. Nhiều loài chim hoang dã, di cư được đưa vào danh mục để quản lý, bảo vệ theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, tình trạng săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư vẫn đang diễn ra tại nhiều địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường và việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học.
Hằng năm, cứ từ tháng 9 trở đi, khi thời tiết bắt đầu thay đổi, cũng là thời điểm nhiều loài chim di cư tìm nơi trú ẩn an toàn. Lợi dụng điều này, các đối tượng tổ chức săn bắt chim tự nhiên trái phép, tận diệt, đã dẫn đến làm thay đổi môi trường sống và hệ sinh thái, làm suy giảm số lượng, thành phần các loài chim hoang dã, di cư, một số loài chim di cư đã không còn xuất hiện trong các mùa chim di cư.
Như ở TP Móng Cái, thời gian qua, các lực lượng chức năng đã tăng cường tổ chức tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm xảy ra tình trạng bẫy bắt chim di cư trên địa bàn các xã, phường Quảng Nghĩa, Hải Tiến, Hải Đông, Hải Yên, Hải Hòa, Hải Xuân, Vạn Ninh, Trà Cổ, Vĩnh Trung, Vĩnh Thực…, qua đó đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Trong đó, từ đầu tháng 9/2022 đến nay, Hạt Kiểm lâm TP Móng Cái đã phối hợp với các cơ quan liên quan, xã, phường tổ chức 14 cuộc kiểm tra, qua đó lập biên bản, tiến hành tháo dỡ, tiêu hủy trên 8.000m lưới bắt chim, nhổ 435 cọc tre, phá dỡ 2 lều bạt, thu giữ 1 bộ loa đài; lập biên bản xử lý 1 vụ mua bán trái phép chim hoang dã, phạt tiền 3 triệu đồng. Cùng với tổ chức tuyên truyền đến người dân nhằm nâng cao ý thức cộng đồng trong việc bảo vệ các loài chim di cư, không săn bắt, buôn bán, vận chuyển, tiêu thụ chim di cư.
Còn tại TX Quảng Yên – vùng trọng điểm thường xuyên xảy ra săn bắt chim tự nhiên, từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm phối hợp với địa phương thu giữ gần 9.500 mét lưới, 293 cọc tre, 7 loa, 3 bình ắc quy; bắt giữ và xử lý 3 vụ liên quan đến hoạt động săn bắt chim trời và động vật hoang dã. Hiện lực lượng chức năng vẫn thường xuyên tuần tra, kiểm soát, kịp thời phát hiện tháo dỡ, thu hồi triệt để các phương tiện, dụng cụ bẫy, bắt trái phép các loài chim tự nhiên, xử lý các đối tượng vi phạm.
Để bảo vệ đàn chim di cư, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, tỉnh, hiện 13 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh đều đã thành lập tổ công tác liên ngành cấp xã, phường, thị trấn thường xuyên kiểm tra, ngăn chặn tình trạng săn, bắt, mua, bán, vận chuyển trái phép. Từ đầu năm 2022 đến nay, các địa phương đã tổ chức 76 lượt kiểm tra, truy quét thu giữ 87 cá thể chim hoang dã, tiêu hủy hơn 26.000 mét lưới các loại để bắt chim; phá hủy tại chỗ hơn 1.000 cọc tre, gỗ; 16 loa phát tín hiệu gọi chim... Những địa phương thường xuyên xảy ra vi phạm là Quảng Yên, Hải Hà, Móng Cái, Tiên Yên…
Trước tình trạng săn bắt chim di cư còn xảy ra, thực hiện Chỉ thị số 04/CT-TTg ngày 17/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp cấp bách quản lý động vật hoang dã, bảo tồn các loài chim hoang dã, di cư tại Việt Nam, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, chính quyền các địa phương, đơn vị liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát, ngăn chặn, bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư; đẩy mạnh công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về bảo vệ động vật hoang dã, đặc biệt là các loài chim hoang dã, di cư; tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân không tham gia các hoạt động săn, bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ trái pháp luật các loài chim hoang dã, di cư và các sản phẩm của chúng. Đồng thời phát hiện, kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về săn bắt, giết, nuôi, nhốt, vận chuyển, kinh doanh, chế biến, tàng trữ, tiêu thụ chim hoang dã, di cư; các đường dây mua bán, tàng trữ, vận chuyển trái phép các loài chim hoang dã.
Bảo vệ các loài chim tự nhiên, chim di cư hoang dã góp phần bảo vệ sự đa dạng sinh học, cân bằng hệ sinh thái môi trường. Để làm được điều này thì rất cần sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ban, ngành chức năng liên quan, chính quyền địa phương, nhất là chính quyền cơ sở và sự chung tay, góp sức, nâng cao ý thức bảo vệ các loài chim di cư của mỗi người dân.
Thái Bình
Liên kết website
Ý kiến ()