Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:55 (GMT +7)
Bảo vệ môi trường ở Vườn quốc gia Bái Tử Long
Chủ nhật, 04/12/2022 | 14:29:55 [GMT +7] A A
Từ các hoạt động khác nhau, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã bảo vệ môi trường rừng và biển nơi đây khá hiệu quả.
Vườn quốc gia Bái Tử Long có diện tích 15.783ha, bao gồm diện tích biển và các đảo nổi, tạo ra quần thể tổ hợp các hệ sinh thái khá độc đáo của hệ thống vườn quốc gia Việt Nam cũng như trên thế giới. Một số hệ sinh thái còn khá nguyên vẹn như: Hệ sinh thái trên núi đất, Hệ sinh thái trên núi đá vôi, Hệ sinh thái thung áng, Hệ sinh thái cỏ biển, Hệ sinh thái rừng ngập mặn và Hệ sinh thái rạn san hô. Các hệ sinh thái này là ngôi nhà chung của 2.235 loài động, thực vật quý hiếm và đặc hữu. Trong đó, quần thể thực vật gồm các cây thuộc họ sồi và dẻ, long não, lim xanh, kim giao núi đất… Động vật có các loài thú móng guốc phát triển như: Lợn rừng, hoẵng, nhím, don, báo gấm, nhiều loại rùa… Đặc biệt, đây là nơi tồn tại của quần thể nai vàng duy nhất trong vùng Đông Bắc Việt Nam. Năm 2017, Tổ chức ASEAN đã chính thức công nhận Vườn quốc gia Bái Tử Long là Vườn Di sản ASEAN.
Để bảo vệ các nguồn động, thực vật quý giá này, Ban quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long đã có nhiều hoạt động về môi trường. Gần đây nhất, ngày 25/11, các cán bộ của đơn vị đã thành công trong việc phối hợp với UBND xã Minh Châu và một số ban, ngành của huyện Vân Đồn, vận động 5 chủ cơ sở chế biến sứa ký vào văn bản, chấp nhận tháo dỡ các xưởng sứa xây dựng không phép từ nhiều năm trước ngày 15/12/2022, do vi phạm vào diện tích của Vườn quốc gia Bái Tử Long, để trả lại môi trường trong sạch biển rừng.
Trước đó, vào đầu tháng 11/2022, nhằm thực hiện thoả thuận hợp tác giữa Ban Quản lý Vườn quốc gia Bái Tử Long và Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN Việt Nam), về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng các ngày lễ môi trường năm 2022, đơn vị đã chủ trì, phối hợp với Hạt Kiểm lâm huyện Vân Đồn và UBND xã Minh Châu, tiến hành giám sát rác thải nhựa tại các bãi biển ở xã Minh Châu, như: Bãi Rùa Đẻ, bãi tắm Minh Châu và bãi Sá Sùng theo vị trí cố định và cùng Đoàn thanh niên xã Minh Châu dọn rác, vệ sinh môi trường các bãi biển này.
Đây là một hoạt động được thực hiện từ năm 2019 đến nay và qua các đợt giám sát, các thành viên Đoàn giám sát đã có thêm nhiều kinh nghiệm, có sự phối hợp nhịp nhàng với chính quyền và người dân địa phương. Qua đó, góp phần cải thiện môi trường địa phương và nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm trong phòng chống rác thải nhựa. Số liệu giám sát sẽ tiếp tục được phân tích, đánh giá để so sánh sự biến động theo mùa và theo chu kỳ hàng năm nhằm mục tiêu khuyến cáo với các bên liên quan để đưa ra các giải pháp quản lý, giảm thiểu ô nhiễm rác thải biển, để vùng biển ngày càng trong sạch hơn.
Do diện tích rừng biển nhiều, lực lượng kiểm lâm mỏng, tiền chi phí xăng dầu cho mỗi lần tuần tra cao, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng kiểm lâm chưa đủ. Do vậy, các cán bộ Vườn quốc gia Bái Tử Long đã đưa ra biện pháp dựa vào cộng đồng dân cư để bảo vệ rừng. Đơn vị đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện nhân rộng các mô hình sinh kế bền vững thân thiện với môi trường phát triển du lịch ở các xã Minh Châu, Quan Lạn, hợp tác với IUCN hoàn thành chương trình bảo tồn rùa biển. Từ nguồn của Chính phủ, đơn vị đã chọn ra 22 thôn của 5 xã nằm ở vùng lõi và vùng đệm của Vườn quốc gia Bái Tử Long, từ đó đầu tư giúp người dân phát triển sản xuất. Người dân sau khi nhận hỗ trợ phải ký cam kết không phá hoại rừng, biển và tham gia ngăn chặn các hoạt động phá hoại ảnh hưởng đến Vườn quốc gia Bái Tử Long. Công việc này đã mang lại hiệu quả cao, người dân trở thành tai, mắt giúp kiểm lâm ngăn chặn các hoạt động của lâm tặc, ngư tặc.
Từ năm 2014, “Phương án chia sẻ lợi ích trong quản lý khai thác và phát triển bền vững nguồn lợi nhuyễn thể tự nhiên trên vùng đất ngập nước Vườn quốc gia Bái Tử Long” đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 113/QĐ-UBND cho phép hoạt động. Người dân được lựa chọn tham gia nhóm chia sẻ lợi ích, họ được bàn giao khu vực nuôi ốc. Sau khi thu hoạch, họ chia lại 6% sản phẩm cho Vườn quốc gia Bái Tử Long để phục vụ công tác bảo tồn, còn lại người bắt ốc được hưởng. Cùng với đó, họ phải cam kết khai thác các loài thủy sản đúng đăng ký về chủng loại, kích thước, mùa vụ, khu vực, sử dụng công cụ và biện pháp khai thác không làm ảnh hưởng xấu tới môi trường và các loài sinh vật khác. Ngoài ra, họ còn đảm nhiệm việc trông coi liên tục tại hiện trường, nhằm phát hiện đối tượng lạ vào trong khu vực, ngăn chặn và báo với lực lượng kiểm lâm của Vườn quốc gia Bái Tử Long đến giải quyết.
Với nhiều giải pháp bảo tồn, các loài động, thực vật ở Vườn quốc gia Bái Tử Long không những được bảo tồn nguyên vẹn mà từ các hoạt động cứu hộ động vật hoang dã hàng năm còn giúp cho động vật thêm sinh sôi. Đơn vị đã phối hợp với một số ban, ngành chăm sóc và thả hàng trăm cá thể động vật rừng sống tự nhiên lên đảo Ba Mùn. Ngư dân và người dân các xã sau khi được tuyên truyền cũng thả nhiều cá thể rùa biển bị mắc cạn về tự nhiên, góp phần tạo sự cân bằng môi trường sinh thái cho Vườn quốc gia Bái Tử Long.
Công Thành
Liên kết website
Ý kiến ()