Tất cả chuyên mục

Huyện Đầm Hà đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp nâng cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ môi trường (BVMT)). Các mô hình xã, thôn, vườn kiểu mẫu, mô hình phân loại rác tại nguồn, ứng dụng mô hình xử lý rác thải hữu cơ được duy trì, nhân rộng, cảnh quan, môi trường đường làng ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn.
Huyện lồng ghép BVMT vào các chương trình giáo dục và hoạt động ngoại khóa của các nhà trường thông qua dạy học tích hợp nội dung ứng phó với biến đổi khí hậu; quản lý tài nguyên và BVMT vào chương trình giáo dục các cấp học. Huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo các nguy cơ, rủi ro thiên tai, các giải pháp phòng ngừa, thích ứng với biến đổi khí hậu đến từng hộ gia đình, người dân để giảm tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra; thu hút đầu tư thực hiện có hiệu quả các mục tiêu tăng trưởng xanh.
Huyện đẩy mạnh cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với thực hiện phong trào “Ngày chủ nhật xanh” và các mô hình BVMT nông thôn. Huyện trang bị hơn 5.530 thùng phân loại rác đặt tại các tuyến đường khu dân cư để người dân thực hiện phân loại rác tại nguồn. Trong đó thực hiện thí điểm mô hình phân loại rác tại nguồn và mô hình xử lý rác thải hữu cơ có sử dụng vi sinh Emuniv tại hộ gia đình ở các xã Đầm Hà, Quảng Tân, Dực Yên, Tân Bình, Tân Lập, Quảng An, với 47 mô hình “Tổ phụ nữ thu gom rác thải”, 2 mô hình “Câu lạc bộ sống xanh”, 76 mô hình “Biến rác thành tiền”, 600 hộ thực hiện mô hình ủ phân hữu cơ thành phân vi sinh.
Đối với hoạt động SXKD, huyện đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật, các quy định về công tác BVMT nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội về môi trường của các doanh nghiệp; nâng cao nhận thức, hiểu biết về kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; xây dựng các mô hình tiên tiến, điển hình về BVMT trong các cơ sở SXKD, dịch vụ. Các cơ sở SXKD, doanh nghiệp triển khai nhiều biện pháp xử lý nước thải trước khi xả ra môi trường, áp dụng công nghệ mới vào sản xuất, như: Công ty TNHH Việt - Úc Quảng Ninh đưa công trình Nhà máy xử lý nước và phòng xét nghiệm tại Khu phức hợp sản xuất tôm chất lượng cao đi vào hoạt động; Công ty TNHH Thanh Lâm triển khai Dự án sản xuất viên đốt hữu cơ; Công ty TNHH Vật liệu không nung Đầm Hà sản xuất gạch không nung...
100% cơ sở SXKD, nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi trên địa bàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký cam kết BVMT (10 cơ sở, tổ chức, doanh nghiệp SXKD, dịch vụ được UBND tỉnh phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, Sở TN&MT xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường; 591 cơ sở SXKD, dịch vụ được UBND huyện cấp giấy xác nhận, thông báo chấp nhận bản cam kết BVMT, kế hoạch BVMT); 100% trang trại chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ sinh học: Men vi sinh bổ sung vào thức ăn; đệm lót sinh học; xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi…
Lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn huyện hiện khoảng 24 tấn/ngày, được 45 tổ thu gom của các xã với 77 thành viên, thu gom bằng xe đẩy tay chuyên dụng và Công ty TNHH Dịch vụ xây dựng Bảo Linh thu gom, vận chuyển, xử lý bằng công nghệ đốt tại bãi rác tập trung thôn Đồng Tâm (xã Dực Yên). Huyện hiện có 525 bể thu gom bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, xây tại các cánh đồng, được UBND các xã ký hợp đồng vận chuyển, xử lý với Công ty TNHH sản xuất dịch vụ thương mại Môi trường xanh (tỉnh Hải Dương); đầu tư công trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung tại khu vực trung tâm huyện. Tỷ lệ hộ nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 99,8%; nhà tắm hợp vệ sinh đạt 99,8%; bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch đạt 98,2%; dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó sử dụng nước sạch đạt trên 70%.
Ý kiến ()