Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 10:19 (GMT +7)
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch thương mại điện tử
Thứ 3, 24/08/2021 | 06:59:01 [GMT +7] A A
Hiện nay, thương mại điện tử (TMĐT) ngày càng phát triển mạnh mẽ và trở thành xu thế được người dân ưa chuộng bởi sự nhanh chóng, tiện lợi đồng thời cũng là phương pháp phòng, chống dịch bệnh hiệu quả. Bởi vậy, để đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho người tiêu dùng trong TMĐT, các cơ quan chức năng đã triển khai đồng bộ các giải pháp kịp thời, hiệu quả.
Theo thông tin từ Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, hiện nay ngoài việc người dân mua hàng trực tuyến trên các trang TMĐT bán hàng uy tín như: shopee, lazaza, tiki, posmart… thì trên các trang mạng xã hội cũng đang xuất hiện rất nhiều hình thức bán hàng trực tuyến với các sản phẩm được quảng cáo hạ giá, chất lượng tốt được nhiều người dân quan tâm và đặt mua. Tuy nhiên, khi nhận hàng, cũng đã có không ít trường hợp người tiêu dùng phải nhận “trái đắng” khi hàng không như quảng cáo ban đầu. Hoặc người tiêu dùng nhận được hàng nhái các nhãn hiệu lớn.
Trước thực trạng đó, Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh đã tích cực phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn pháp luật liên quan đến các quyền cơ bản của người tiêu dùng. Hàng năm, hội đều thực hiện tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ kiến thức về tiêu dùng và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho hội viên và doanh nghiệp; tích cực hưởng ứng tham gia cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Đồng thời, tham gia kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước về những chủ trương, chính sách, phương hướng, kế hoạch và biện pháp nhằm đẩy mạnh công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Cùng với đó, để đảm bảo tốt nhất cho việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hiện nay Sở Công thương đã phối hợp cùng với các lực lượng chức năng kịp thời kiểm tra các hoạt động kinh doanh trực tiếp, kinh doanh trực tuyến với tất cả các mặt hàng trên địa bàn tỉnh liên quan đến đảm bảo về ATVSTP, hàng giả, hàng nhái và chấn chỉnh các hoạt động kinh doanh không lành mạnh, đầu cơ, trục lợi...
Từ đầu năm đến nay, Sở đã tổ chức 2 đoàn kiểm tra tại một số địa phương: Bình Liêu, Móng Cái, Hải Hà, Tiên Yên…Qua kiểm tra, đã phát hiện một số cơ sở kinh doanh trực tuyến nhưng chưa đăng ký kinh doanh, một số cơ sở kinh doanh mặt hàng không có nhãn mác, ngày sản xuất…Đoàn đã yêu cầu các chủ cơ sở nhanh chóng hoàn thiện đăng ký và tiến hành lấy mẫu, yêu cầu tịch thu, tiêu hủy số hàng hóa không đảm bảo.
Đặc biệt, để người tiêu dùng có thể yên tâm khi mua hàng, thời gian qua Cục Quản lý thị trường tỉnh đã tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát đối với việc kinh doanh, buôn bán tại các địa phương trên địa bàn tỉnh. Qua đó, nhiều trường hợp bán hàng, kinh doanh không hợp pháp làm ảnh hưởng tới quyền lợi của người tiêu dùng đã được phát hiện kịp thời.
Điển hình như, đầu tháng 6/2021, Đội Quản lý thị trường số 4 (TP Móng Cái) đã kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong kinh doanh hàng hoá bán hàng dưới hình thức livestream đối với ông Ngô Đình Phong, có địa chỉ kinh doanh tại: Km 2, Khu 7, phường Hải Yên ( TPMóng Cái). Qua kiểm tra, đoàn đã phát hiện ông Phong bán hàng hoá giả mạo nhãn hiệu gồm 176 sản phẩm túi xách giả mạo các nhãn hiệu Gucci, Louis Vuitton, Hermes… và không đăng ký thành lập hộ kinh doanh trong những trường hợp phải đăng ký theo quy định. Đoàn kiểm tra đã lập hồ sơ trình Cục QLTT tỉnh ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Ngô Đình Phong số tiền 31,5 triệu đồng. Đồng thời, tịch thu, tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa theo quy định.
Mới đây ngày 12/7, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Quyết định số 1157/QĐ-TTg về Chương trình phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng giai đoạn 2021-2025. Cụ thể, Chương trình sẽ tập trung phát triển các hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo những nội dung: Tuyên truyền, phổ biến pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; kiện toàn hệ thống cơ quan, tổ chức thực hiện công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch thương mại điện tử, kinh tế số và kinh tế chia sẻ; triển khai các chương trình khuyến khích doanh nghiệp thực hiện quy tắc đạo đức ứng xử với người tiêu dùng, tiêu chí, chuẩn mực trong kinh doanh nhằm tối ưu hóa lợi ích của người tiêu dùng.
Trong thời đại kinh doanh, mua bán 4.0 như hiện nay, cùng với sự vào cuộc của các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, thì cũng rất cần có sự chung tay, nâng cao ý thức của chính doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh, buôn bán. Hành vi vi phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng ngày càng tinh vi. Vì vậy, người tiêu dùng cũng cần chủ động tìm hiểu kỹ thông tin, nâng cao ý thức tự bảo vệ mình trước khi thực hiện mua hàng.
Minh Đức
Liên kết website
Ý kiến ()