Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 16/12/2024 09:36 (GMT +7)
Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em
Thứ 2, 16/12/2024 | 07:42:30 [GMT +7] A A
Là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em, các cấp Hội phụ nữ trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đã nỗ lực triển khai nhiều kế hoạch, chương trình vì phụ nữ và trẻ em; từ đó chống bất bình đẳng giới, bạo lực gia đình, xây dựng môi trường phát triển an toàn, lành mạnh cho phụ nữ và trẻ em.
Trước thực trạng bạo lực gia đình, xâm hại trẻ em còn tồn tại và có diễn biến phức tạp, xác định trách nhiệm của tổ chức Hội trong việc đấu tranh, từng bước xóa bỏ vấn nạn bạo lực gia đình, Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các cấp hội căn cứ vào điều kiện của địa phương, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục cho hội viên phụ nữ về các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, như: Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Phòng chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Trẻ em.
Bên cạnh đó, vận động phụ nữ thực hiện nội dung 4 chuẩn mực xây dựng gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” và cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng về đời sống gia đình, nuôi dạy con theo phương pháp khoa học; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới và sự xâm nhập của tệ nạn xã hội vào gia đình…
Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 78 lớp tập huấn, 20 hội nghị truyền thông, hội thảo về các nội dung về phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống mại dâm, tai nạn thương tích, phòng chống dịch bệnh… với trên 8.000 lượt người tham dự. Cùng với đó, Hội cũng thành lập và ra mắt 16 mô hình “Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ” tại 16 xã của 7 địa phương thuộc địa bàn thực hiện Đề án dinh dưỡng; thành lập thêm 2 mô hình “Cha mẹ chăm sóc và giáo dục phát triển toàn diện trẻ thơ” tại Đầm Hà, Tiên Yên, nâng tổng số mô hình toàn tỉnh hiện nay là 5 mô hình.
Đặc biệt sau 3 năm triển khai Dự án “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (Dự án 8) đã mang lại những kết quả tích cực, nhất là hỗ trợ, giúp đỡ hội viên, phụ nữ, trẻ em yếu thế tự tin làm chủ cuộc sống, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em vùng đồng bào DTTS, miền núi.
Hội LHPN huyện Đầm Hà là một trong những điểm sáng về thực hiện Dự án 8. Các nội dung, nhiệm vụ, chỉ tiêu của Dự án 8 được triển khai đảm bảo tiến độ. Các mô hình, hoạt động của dự án được người dân ủng hộ, được chính quyền địa phương quan tâm, phối hợp cùng thực hiện kịp thời.
Tại 2 xã Quảng An, Quảng Lâm, mô hình “Chăm sóc giáo dục trẻ thơ” đã trở thành địa chỉ tin cậy giúp cha mẹ, ông bà trong việc nuôi dạy, giáo dục con cái. Mô hình nhằm tạo điều kiện để các bà mẹ, người nuôi dưỡng trẻ từ 5 tuổi trở xuống tham gia sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ, cập nhật, nâng cao kiến thức, kỹ năng về chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ khoa học.
Chị Nguyễn Thị Tám, Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng An (huyện Đầm Hà), chia sẻ: Đối với khu vực miền núi, việc chăm sóc, giáo dục con cái còn khá hạn chế. Vì vậy, mô hình được thành lập đã đáp ứng được nhu cầu đó. Với sự tích cực tuyên truyền của cán bộ Hội, chị em đã bỏ qua sự e ngại ban đầu, thoải mái hơn trong việc cập nhật những kiến thức mới, chia sẻ kinh nghiệm để nuôi dạy con cái tốt hơn.
Các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho phụ nữ và trẻ em yếu thế trên địa bàn toàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp ghi nhận, đánh giá cao sự sáng tạo, lựa chọn hành động thiết thực của các cấp hội phụ nữ. Từ đó, giúp phụ nữ, trẻ em có được môi trường an toàn và điều kiện phát triển toàn diện, đóng góp nhiều hơn cho sự ổn định và phát triển của tỉnh, địa phương.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()