Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 03:18 (GMT +7)
Bảo vệ sức khỏe phụ nữ khi mang thai
Thứ 6, 03/11/2023 | 08:00:04 [GMT +7] A A
Chăm sóc sức khỏe người mẹ khi mang thai là một việc làm rất quan trọng. Việc quản lý thai sản sẽ giúp cho người mẹ và cả em bé đảm bảo được sức khỏe, tránh được những tai biến sản khoa.
Trung tâm Y tế huyện Tiên Yên mới thực hiện phẫu thuật nội soi thành công cho sản phụ mang song thai hiếm gặp: Một thai trong tử cung và một thai ngoài tử cung. Sản phụ là chị T.T.L, 36 tuổi, thường trú tại huyện Đầm Hà, mang song thai nhờ IVF (thụ tinh nhân tạo). Rạng sáng 19/9/2023, chị thấy đau bụng đột ngột, buồn nôn nhưng không nôn được, nên người nhà đưa vào Trung tâm Y tế huyện cấp cứu.
Các bác sĩ đã nhanh chóng thực hiện thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng. Kết quả siêu âm cho thấy, chị L mang song thai nhưng 2 thai nằm ở 2 vị trí khác nhau: Một thai nằm gọn trong buồng tử cung phát triển bình thường; thai còn lại nằm ngoài buồng tử cung, phát triển ở eo vòi tử cung bên phải, có hiện tượng vỡ. Nhận thấy tình trạng nguy cấp, các bác sĩ đã hội chẩn, nhanh chóng phẫu thuật nội soi cấp cứu loại bỏ khối chửa ngoài tử cung cho bệnh nhân.
Việc cùng lúc mang thai thai đôi trong đó 1 thai ngoài, 1 thai trong tử cung là đặc biệt hiếm gặp. Trường hợp phát hiện muộn, không can thiệp kịp thời, thai ngoài tử cung có thể dẫn đến các biến chứng vỡ, chảy máu ồ ạt, đe dọa sức khỏe cho cả mẹ và thai còn lại. Đặc biệt, thai ngoài tử cung là nguyên nhân gây tử vong cao nhất trong các tai biến sản khoa ở 3 tháng đầu thai kỳ. Tuy nhiên tình trạng này có thể dễ dàng phát hiện qua siêu âm.
Theo các chuyên gia y tế, quản lý thai sản đặc biệt quan trọng, nhằm theo dõi, chăm sóc sức khỏe của thai phụ từ khi mang thai và chăm sóc cho cả mẹ lẫn con an toàn trong khi sinh. Trong quá trình mang thai, nếu các bà mẹ có kế hoạch khám, quản lý thai nghén ngay từ sớm sẽ giúp nắm bắt rõ quá trình thai phát triển khỏe mạnh, qua đó bác sĩ sẽ nắm chắc tình trạng sức khỏe bà mẹ và thai nhi, để tiên lượng và chuẩn bị tốt việc sinh con, đề phòng những nguy cơ khi chuyển dạ.
Theo quy định của Bộ Y tế, thai phụ tối thiểu phải khám thai 4 lần trong quá trình mang thai. Lần khám thứ nhất khi có thai trong 3 tháng đầu; lần khám thứ 2 vào 3 tháng giữa; 2 lần khám tiếp theo vào 3 tháng cuối. Ngoài 4 lần khám kể trên, bà mẹ phải đi khám thêm bất kỳ lúc nào nếu có triệu chứng bất thường, như đau bụng, ra máu, ra nước âm đạo, phù, nhức đầu, chóng mặt, mờ mắt...
Trong các lần khám thai, thai phụ còn có thể cần kiểm tra sức khỏe bằng các xét nghiệm: Công thức máu, sinh hóa máu, miễn dịch (HIV, viêm gan B), nước tiểu, siêu âm, monitoring sản khoa...; theo dõi về cân nặng của mẹ, đo tim mẹ, tim thai, huyếp áp mẹ, bề cao tử cung và vòng bụng để theo dõi sự phát triển và sức khỏe thai nhi.
Việc khám thai phải thực hiện đúng quy trình chuẩn với các bước cơ bản như: Hỏi, khám toàn thân, khám sản khoa, thử nước tiểu, vệ sinh thai nghén, tiêm chủng phòng ngừa bệnh, siêu âm thai… Thực tế có một số ít phụ nữ mang thai ít đi khám thai định kỳ, chỉ kiểm tra khi thấy có vấn đề, dấu hiệu bất thường và đến bệnh viện khi có cơn chuyển dạ. Điều này rất nguy hiểm, việc xử trí các bệnh lý của sản phụ và bác sĩ sẽ khó tiên lượng tình trạng sức khỏe của sản phụ và thai nhi trong quá trình sinh nở.
Hiện việc khám thai định kỳ và quản lý thai nghén đã được nhiều chị em quan tâm. Tuy nhiên cũng có một số người chưa nhận biết được đầy đủ quy trình khám thai ở những mốc quan trọng, vì thế rất khó có thể tầm soát được những nguy cơ từ mẹ và bé. Đã có nhiều trường hợp bị lưu thai ở tuần thứ 38, 39 của thai kỳ do không được phát hiện những bất thường kịp thời.
Cùng với khám thai định kỳ, phụ nữ khi mang thai cần tuân theo các tư vấn của bác sĩ sản khoa về dinh dưỡng, bổ sung các vitamin, khoáng chất. Đồng thời cần thực hiện lối sống, sinh hoạt lành mạnh nhằm bảo đảm sức khỏe cho bản thân và thai nhi trong suốt quá trình mang thai.
Vân Anh
Liên kết website
Ý kiến ()