Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:05 (GMT +7)
Bảo vệ sức khỏe trong thời tiết nắng nóng
Thứ 5, 13/06/2024 | 16:54:59 [GMT +7] A A
Thời tiết tại Quảng Ninh đang vào mùa nắng nóng, nhiệt độ dao động ở mức 36-38 độ C. Thời tiết nắng nóng gây ảnh hưởng rất nhiều tới sức khỏe con người, đặc biệt là đối với người già và trẻ nhỏ.
Vào mùa hè, độ ẩm không khí khá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, siêu vi... bùng phát. Trẻ em trở thành đối tượng dễ mắc bệnh vì sức đề kháng còn yếu kém. Bác sĩ CKII Dương Văn Linh (Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh), cho biết: Số trẻ đến khám bệnh do rối loạn tiêu hóa, ho, sốt… tăng cao trong những đợt nắng nóng. Đặc biệt, việc chống nóng bằng cách bật quạt gió mạnh trực tiếp vào người, hoặc để nhiệt độ điều hòa quá thấp có nguy cơ làm khô vùng hầu họng, các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật gây bệnh xâm nhập và phát triển, gây nên các bệnh đường hô hấp ở trẻ. Ngoài ra, mùa hè trẻ cũng dễ mắc siêu vi, viêm màng não, viêm não Nhật Bản, tay chân miệng… Do đó, các bậc phụ huynh cần chủ động tiêm vắc-xin phòng bệnh cho trẻ.
Thời tiết nắng nóng làm ảnh hưởng đến sức khỏe những người mắc các bệnh mãn tính về tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, hen phế quản, đái tháo đường, gan, ung thư... Đồng thời làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử.
Tại Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí, trong những ngày nắng nóng, số lượng bệnh nhân tim mạch đến khám và điều trị tăng khoảng 20%. Theo bác sĩ CKII Nguyễn Đức Hoành (Trưởng khoa Phẫu thuật - Can thiệp tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí), bệnh nhân mắc tim mạch cả cấp tính và mãn tính thường bị ảnh hưởng vào những mùa có thời tiết cực đoan, như quá nóng hoặc quá lạnh, hay khi thời tiết thay đổi đột ngột. Trong đó, nắng nóng làm gia tăng tình trạng mất nước của cơ thể, cô đặc máu, rối loạn điều hòa thân nhiệt, mạch, huyết áp, nước, điện giải, từ đó gây ra sự mất cân bằng khác trong cơ thể, nhất là ở người lớn tuổi hoặc người có các bệnh lý mạn tính sẵn có. Sự mất cân bằng đó có thể tạo áp lực lên hệ tim mạch, làm nặng hơn các bệnh lý tim mạch sẵn có, hoặc làm biểu hiện các bệnh lý tim mạch tiềm ẩn. Vì vậy, đối với nhóm bệnh nhân này, điều đặc biệt quan trọng là cần cố gắng giữ mát cơ thể.
Với người mắc bệnh lý tim mạch, cần lưu ý khi các triệu chứng trở nên nặng hơn như khó thở, đau tức ngực, hồi hộp trống ngực, thậm chí ngất… Do đó, người dân cần đến ngay cơ sở y tế khi có những triệu chứng để kiểm tra và xử trí kịp thời các nguy cơ tai biến có thể xảy ra, tránh để lại hậu quả nặng nề sau này.
Thời tiết nắng nóng kéo dài còn là nguyên nhân gây ra các bệnh về đường tiêu hóa như ngộ độc thực phẩm, tả, lỵ; say nắng; các bệnh về da; một số bệnh truyền nhiễm như sốt xuất huyết, tay chân miệng...
Để bảo vệ sức khỏe trong những ngày nắng nóng kéo dài, bác sĩ khuyến cáo người dân cần uống đủ nước, nên uống thành nhiều lần trong ngày, không nên uống quá nhiều nước trong một lần. Cần hạn chế ra ngoài trời nắng, đặc biệt trong khoảng thời gian 10-16h. Nếu bắt buộc phải ngoài trời thì cần che chắn cơ thể cẩn thận, để hạn chế tiếp xúc với nắng. Những người đang ở trong phòng điều hòa nhiệt độ thấp, không nên đi ra ngoài trời nắng đột ngột. Cần tăng nhiệt độ điều hòa trong phòng, hoặc ngồi nghỉ trong bóng mát trước khi đi ra ngoài trời. Bên cạnh đó, người dân nên tăng cường ăn các loại rau xanh và hoa quả, nên có món canh trong bữa ăn hằng ngày, uống đủ nước, song song với rèn luyện thể dục để nâng cao sức đề kháng.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()