Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 28/12/2024 21:22 (GMT +7)
Bảo vệ tài nguyên nước bền vững
Thứ 2, 22/03/2021 | 06:04:34 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh đô thị hóa và biến đổi khí hậu hiện nay, thì việc bảo vệ tài nguyên nước càng được xem là vấn đề cấp bách. Sự nỗ lực, quan tâm từ các cấp, các ngành cũng như ý thức giữ gìn, bảo vệ tài nguyên nước của người dân sẽ góp phần quản lý nguồn tài nguyên quý giá này trong lộ trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương ngày càng bền vững.
Sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên nước
Quảng Ninh được đánh giá có trữ lượng ở mức trung bình cao so với cả nước. Trên địa bàn tỉnh hiện có 67 sông, suối có chiều dài trên 10km. Ngoài ra, còn có 186 hồ chứa nước mặt với tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3 phục vụ cấp nước sinh hoạt và nông nghiệp. Đối với nước dưới đất toàn tỉnh có 9 tầng chứa nước với trữ lượng khoảng 373.000m3/ngày đêm.
Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Miền Đông vận hành trạm bơm nước. |
Có thể khẳng định, không chỉ đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của con người, nước còn là yếu tố quan trọng trong việc bảo đảm an ninh lương thực, năng lượng và sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tài nguyên nước đã đóng góp không nhỏ vào bức tranh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tính bình quân, lượng nước sử dụng cho nông nghiệp chiếm 82%, nước cho công nghiệp chiếm 3,7%; nước cho sinh hoạt 3% và nước cho thuỷ sản 11%.
Hiện nay, hầu hết các đô thị của tỉnh đều có hệ thống cấp nước tập trung. Tổng công suất thiết kế các nhà máy nước ở các khu vực đô thị đạt khoảng 215.000m3/ngày, khu vực nông thôn đã có những công trình cấp nước tự chảy, cấp nước tập trung để phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Nguồn cấp nước cho sinh hoạt, vệ sinh của người dân ở nhiều đô thị và phần lớn khu vực nông thôn là từ nguồn nước mặt sông, hồ. Đối với sản xuất công nghiệp đã phân bổ nước đảm bảo số lượng, chất lượng cho các hoạt động sản xuất. Đặc biệt, một số ngành công nghiệp (khai thác than, KCN, các nhà máy nhiệt điện, xi măng...) đã áp dụng các biện pháp tuần hoàn, tái sử dụng nước thải sau xử lý để phục vụ nhu cầu sản xuất, tiết giảm nhu cầu sử dụng nước.
Thực tế hiện nay, Quảng Ninh đã và đang hình thành nhiều dự án trọng điểm, làm thay đổi lớn về nhu cầu sử dụng tài nguyên nước, một số địa bàn được dự báo trong quy hoạch tài nguyên nước sẽ tăng nhanh về nhu cầu nước là Hải Hà, Hạ Long, Vân Đồn, Quảng Yên, đến năm 2025 tăng vượt quá 2 lần so với nhu cầu của giai đoạn 2010-2020. Cụ thể, KCN Texhong Hải Hà, nhu cầu cấp nước đến năm 2025 lên tới khoảng 400.000m3/ngày đêm, vượt quá 2 lần so với lượng nước đã được phân bổ cho cả vùng 208.000m3/ngày đêm; hoặc TX Quảng Yên có nhu cầu sử dụng nước đến năm 2030, tăng đến 2,6 lần so với hiện trạng... Do đó cần giải pháp đồng bộ để quản lý, bảo vệ tài nguyên nước bền vững.
Tăng cường công tác quản lý
Từ năm 2018 Sở TN&MT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quy định vùng cấm, hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, với mục tiêu rõ ràng không cấp mới các công trình khai thác nước dưới đất ở những khu vực có nguồn nước mặt, khu vực có hệ thống cấp nước tập trung đô thị, tập trung nông thôn; hiện nay nguồn nước ngầm của tỉnh mới đang khai thác sử dụng chiếm 11% tổng trữ lượng đã được điều tra đánh giá, thấp hơn nhiều so với tỷ lệ sử dụng nước ngầm của nhiều tỉnh, thành phố.
Mặt khác, Sở TN&MT đang phối hợp với các địa phương rà soát để kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng nước dưới đất kể cả các công trình nhỏ, quy mô hộ gia đình để nắm được thực trạng sử dụng nước dưới đất hiện nay và đề xuất các biện pháp quản lý. Tỉnh còn ban hành một số quy định khác, đây là công cụ hữu hiệu nhằm mục tiêu quản lý môi trường nước như điều chỉnh mạng điểm quan trắc môi trường nước của tỉnh (theo đó đã tăng tần suất, vị trí quan trắc đối với nguồn nước cấp sinh hoạt, ví dụ như hồ Yên Lập vị trí tăng từ 1 lên 9, tần suất từ 3 tháng lên 1 tháng/lần…).
Hồ Yên Lập có lưu vực và phạm vi cung cấp nước rộng lớn của tỉnh. Ảnh: Hằng Ngần |
Đến nay, công tác quản lý nhà nước về tài nguyên nước đã đi vào nền nếp, hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước quy mô cấp phép về cơ bản đã được quản lý, kiểm soát, phân bổ hài hòa tài nguyên nước cho các ngành, lĩnh vực, các địa phương và không để bị động trong phân bổ nguồn nước. Tuy nhiên, về nước ngầm tình trạng khoan giếng trong quy mô nhỏ hộ gia đình, cá nhân để phục vụ sinh hoạt vẫn còn diễn ra; hoạt động khoan giếng trái phép để khai thác nước ngầm nuôi tôm nước lợ trong vùng nước ngọt tại một số địa phương còn tái diễn, chưa được xử lý triệt để.
Theo ông Trần Như Long, Giám đốc Sở TN&MT, để quản lý, khai thác, sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên nước thời gian tới cần tập trung những giải pháp như: Thực hiện phân bổ nguồn nước hài hòa, hợp lý cho các ngành, lĩnh vực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, hoàn thiện Đề án khai thác sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, ứng phó với biến đổi khí hậu; Đề án An ninh nguồn nước tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030...
Thu Trang
Liên kết website
Ý kiến ()