Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 27/12/2024 11:59 (GMT +7)
Bảo vệ trẻ em trong đại dịch: Cần sớm tiêm vaccine COVID-19
Thứ 4, 08/09/2021 | 16:59:08 [GMT +7] A A
Đại dịch khiến trẻ em đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng, học trực tuyến kéo dài, nhiều trẻ rơi vào tình trạng không có người chăm sóc.
Để bảo vệ trẻ em, nhiều địa phương đã đề xuất sớm tiêm vaccine phòng COVID-19. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng phải có giải pháp đảm bảo mọi trẻ em đều được học tập trong đại dịch đồng thời bảo vệ trẻ em khi học, giải trí trên Internet.
Đây là thông tin được đưa ra tại Hội nghị trực tuyến để đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại địch COVID-19 đến trẻ em do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cùng Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 8/9.
Gần 40.000 trẻ em là F0 và F1
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết tính hết 31/8, cả nước có gần 40.000 trẻ em là F0, F1. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số trẻ em là F0, F1 cao nhất với khoảng 2.500/40.000 bệnh nhân đang điều trị (tính đến ngày 1/9).
Đặc biệt, trong đợt dịch lần thứ 4 này tại Thành phố Hồ Chí Minh có gần 250 trẻ em bị mồ côi cha mẹ hoặc cha hoặc mẹ...
Tại Hà Nội, theo Bộ Y tế, có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi (tính từ ngày 5/7 đến ngày 30/7).
Đại dịch đã khiến trẻ em bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng. Nhiều trẻ rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19.
Trước thực trạng dịch bệnh bắt đầu xâm nhập vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung, ông Đặng Hoa Nam đề xuất Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố ưu tiên chăm sóc, điều trị các trường hợp trẻ em F0, F1; ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em, cán bộ quản lý, người chăm sóc trẻ em của các cơ sở bảo trợ xã hội, cơ sở chăm sóc trẻ em tập trung.
Tiến sỹ Annie Chu, Điều phối viên Nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO tại Việt Nam cho hay: “Các bằng chứng hiện có cho thấy trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do nhiễm COVID-19 so với các nhóm tuổi khác. Tuy nhiên, điều quan trọng là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay."
Đảm bảo hỗ trợ kịp thời cho trẻ em
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cho biết hiện nay các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Đã có trên 108.000 người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỷ đồng.
Từ thực tiễn công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở địa phương nơi dịch COVID-19 đang diễn biến hết sức phức tạp, ông Trần Ngọc Sơn, Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ: “Cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn thành phố để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo địa phương xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn trong khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời.”
Theo ông Trần Ngọc Sơn, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh đã xây dựng các giải pháp, mã QR Code trên mạng xã hội để hỗ trợ trẻ em khó khăn do COVID-19, cung cấp dịch vụ bảo vệ chăm sóc trẻ em, đưa hơn những hộ có phụ nữ mang thai về quê sinh con…
Để đảm bảo mọi trẻ em đều được học tập trong đại dịch, phó giáo sư, tiến sỹ Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay: “Ngành giáo dục đã có chỉ đạo trong việc cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ em không đến trường nhưng không ngừng việc học và các hoạt động giáo dục khác đồng thời đề xuất cần có hướng dẫn bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học trong điều kiện dịch COVID-19 còn kéo dài, hướng dẫn quy trình xử lý khi phát sinh các tình huống về dịch bệnh.”
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà cho biết thêm, ngay từ tháng 4/2020, 13 đầu tài liệu, 200.000 ấn phẩm truyền thông được biên soạn và phát hành đến các khu cách ly tập trung, gia đình và cộng đồng; hàng trăm bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về bảo vệ chăm sóc và giáo dục trẻ em được đăng tải, phát sóng; hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em sớm được quan tâm triển khai…
Hoan nghênh và ủng hộ hướng dẫn của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về bảo vệ trẻ em và phụ nữ khỏi bạo lực trong cách ly tại cơ sở và tại nhà cùng việc Bộ Y tế ban hành Quyết định số 7020/BYT-MT hướng dẫn về cách ly tại nhà và phòng, chống COVID-19 cho trẻ em, bà Lesley Miller, Phó trưởng Đại diện UNICEF khuyến nghị: “Các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng tại Việt Nam cần được tiếp tục. Cán bộ, nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với trẻ em cần được trang bị khẩn cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em."
Thứ trưởng Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh Bộ Lao động-thương binh và xã hội tiếp tục phối hợp các bên liên quan để hỗ trợ trẻ em khó khăn như có chính sách đặc thù, gói hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ thiết bị học tập, đề xuất Chính phủ chủ trương, nghiên cứu vaccine cho trẻ em, bố trí tiêm phòng vaccine cho trẻ em khi có đủ điều kiện.
Theo Vietnam+
Liên kết website
Ý kiến ()