Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 21:10 (GMT +7)
Bắt nhịp xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt
Thứ 6, 22/07/2022 | 10:23:48 [GMT +7] A A
Thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán điện tử là xu hướng phát triển chủ đạo tại hầu hết các quốc gia trên thế giới, nhất là trong bối cảnh số hóa sâu rộng các ngành, lĩnh vực và sự nổi lên của các hoạt động gắn liền với nền kinh tế số. Tại Quảng Ninh, việc ứng dụng các nền tảng số, các dịch vụ ngân hàng đã tạo điều kiện thuận lợi để người dân chủ động thanh toán không dùng tiền mặt.
Gần hai năm nay, chị Hồ Thị Thu Hằng (phường Hà Tu, TP Hạ Long) duy trì hình thức thanh toán trực tuyến thông qua chuyển khoản ngân hàng hoặc dùng ví điện tử để thanh toán tiền điện, đóng tiền học cho con, mua sắm trực tuyến ở các sàn thương mại điện tử... Lúc đầu, chị Hằng sử dụng dịch vụ này để hạn chế tiếp xúc khi dịch Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp và giờ thực hiện như một thói quen. Theo chị Hằng, việc mua hàng và thanh toán không tiền mặt thường xuyên rất thuận lợi. Đặc biệt, các ngân hàng, ví điện tử, sàn thương mại điện tử thường xuyên có các chương trình khuyến mãi hoàn tiền hay các dịch vụ cộng thêm như miễn phí vận chuyển, ưu đãi giảm giá... cho các giao dịch không tiền mặt. Điều này rất có lợi cho người dùng, giúp mỗi người tiết kiệm thêm khoản chi phí không nhỏ.
Với nhiều người dân, nhất là những người trẻ, việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày. Theo nghiên cứu về thái độ thanh toán của người tiêu dùng được Công ty VISA công bố đầu tháng 6/2022 cho thấy, người tiêu dùng Việt Nam đã nhanh chóng đón nhận hàng loạt các phương thức thanh toán kỹ thuật số và có sự thay đổi rõ rệt trong thói quen thanh toán. Cụ thể, 65% người tiêu dùng Việt mang ít tiền mặt hơn trong ví và 32% cho biết họ sẽ ngưng sử dụng tiền mặt sau đại dịch. Cùng với đó là sự tăng trưởng đáng kể của thanh toán không tiền mặt. Trong đó, gần 76% người tiêu dùng hiện tại sử dụng ví điện tử và tỷ lệ người sử dụng thẻ còn cao hơn (82%).
Để đẩy mạnh thanh toán không tiền mặt, thời gian qua, hầu hết các ngân hàng miễn phí dịch vụ chuyển tiền, phối hợp với các đối tác có chương trình ưu đãi cho người dùng. Đồng thời, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp mới vào hoạt động thanh toán nhằm tăng tốc độ thanh toán, tăng cường an toàn, bảo mật dịch vụ, gia tăng trải nghiệm và sự hài lòng của khách hàng như xác thực sinh trắc học (vân tay, khuôn mặt); thanh toán qua mã QR mang lại trải nghiệm mới cho khách hàng. Các ngân hàng còn triển khai ứng dụng thanh toán di động, ví điện tử, cổng thanh toán..., tạo thuận lợi cho khách hàng ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa được tiếp cận dịch vụ tài chính. Để đẩy mạnh triển khai số hóa trong thanh toán dịch vụ công, hệ thống các ngân hàng cũng liên tục mở rộng hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ ở các lĩnh vực khác nhau như: Điện, nước, trường học, bệnh viện, bảo hiểm, các đơn vị hành chính công, thuế, hải quan, kho bạc nhà nước... để đáp ứng tối đa nhu cầu thanh toán không dùng tiền mặt của khách hàng.
Bên cạnh đó, các đơn vị như điện lực, nước, mạng internet... cũng đang đẩy mạnh việc liên kết với các ngân hàng và đơn vị trung gian để mở rộng việc thanh toán không dùng tiền mặt. Trong lĩnh vực thanh toán tiền điện, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã ký hợp đồng hợp tác thu hộ tiền điện với 10 ngân hàng và 8 tổ chức trung gian. Qua đó, khách hàng mua điện có thể thanh toán tiền điện và tiền các chi phí dịch vụ điện mọi lúc, mọi nơi. Cùng với việc triển khai thêm các phương thức thanh toán tiền điện mới mang lại thuận lợi cho khách hàng như QR Code, Mobile Money, từ đó nâng tỷ lệ khách hàng thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt toàn Công ty từ 15% năm 2021 lên 84,05% và tỷ lệ khách hàng thanh toán các dịch vụ điện có phát sinh chi phí không dùng tiền mặt lên 100%.
Cùng với đó, chính quyền địa phương cũng đang tích cực tuyên truyền đến người dân, triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các lĩnh vực của đời sống. Như ở TP Móng Cái, việc triển khai thanh toán không dùng tiền mặt đã và đang được thực hiện tương đối hiệu quả, người dân và các cơ quan, đơn vị, trường học, doanh nghiệp, hộ kinh doanh cung cấp các dịch vụ, du lịch, phí, lệ phí... hưởng ứng tích cực. Theo ông Đỗ Văn Tuấn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Móng Cái, để tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, mở rộng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, thành phố đã chỉ đạo các xã, phường, nhất là 3 phường trung tâm Hòa Lạc, Trần Phú, Ka Long, các chợ, trung tâm thương mại, cửa khẩu, Trung tâm hành chính công, cơ quan, đơn vị, trường học khẩn trương rà soát, thống kê nhu cầu của nhân dân, hộ kinh doanh, cơ sở, đa dạng hóa loại hình cung cấp dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt. Trước mắt, tập trung vào các lĩnh vực kinh doanh dịch vụ, du lịch, phí, lệ phí... Đồng thời, yêu cầu sự vào cuộc của tất cả các ngân hàng trên địa bàn đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu đến người dân những tiện ích, để người dân chủ động lựa chọn dịch vụ, từ đó tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân.
Tháng 3/2022, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Kế hoạch số 97/KH-UBND về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025. Theo đó, tỉnh đặt mục tiêu đến cuối năm 2025, thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; từ 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác. Mục tiêu thanh toán không dùng tiền mặt đối với dịch vụ công như dịch vụ thu ngân sách nhà nước đạt 99%; dịch vụ thu tiền điện đạt 95% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình...; dịch vụ thu tiền nước đạt 90% số doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, hộ gia đình...; dịch vụ hành chính công đạt 100% số tiền phí dịch vụ cấp tỉnh, 70% số tiền dịch vụ cấp huyện...
Để hoàn thành các chỉ tiêu trên, UBND tỉnh đã đưa ra các giải pháp, trong đó, đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, đào tạo và bảo vệ người tiêu dùng trong thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai đồng bộ cơ chế, chính sách về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; nâng cấp hạ tầng thanh toán hiện đại, hoạt động an toàn, hiệu quả và có khả năng kết nối, tích hợp các hệ thống khác, phát triển các dịch vụ thanh toán hiện đại, ứng dụng thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0; tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán...
Hoàng Quỳnh
Liên kết website
Ý kiến ()