Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:56 (GMT +7)
TP Hạ Long: Mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt
Thứ 2, 18/07/2022 | 08:47:54 [GMT +7] A A
Xu hướng thanh toán số, không sử dụng tiền mặt ngày càng phát triển rộng rãi bởi tính bảo mật an toàn và sự tiện dụng khi thanh toán cho người sử dụng. Hướng tới phát triển kinh tế số, tạo nền móng vững chắc cho việc chuyển đổi số toàn diện, TP Hạ Long đang chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh các hình thức thanh toán điện tử hiện đại này.
Tháng 4/2022, Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long đã tổ chức hướng dẫn, hỗ trợ công dân thực hiện giao dịch thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Chỉ sau chưa đầy 3 tháng triển khai, tính đến hết ngày 14/7 cán bộ Trung tâm đã hướng dẫn cho trên 1.400 công dân thực hiện thanh toán nộp thuế, lệ phí trước bạ với tổng số tiền gần 17 tỷ đồng (chiếm 84% giao dịch của tỉnh Quảng Ninh trên Cổng dịch vụ công quốc gia).
Anh Trần Thế Hùng, phường Cao Thắng, TP Hạ Long, cho biết: Dịch vụ này cho phép người dân thực hiện nghĩa vụ tài chính (thuế, lệ phí trước bạ) trực tuyến trong thực hiện thủ tục hành chính về đất đai, giúp cắt giảm tối thiểu thời gian, chi phí đi lại, liên hệ để thực hiện thủ tục hành chính với các cơ quan. Trước đây tôi phải đến Trung tâm để nhận thông báo nghĩa vụ tài chính, sau đó đến Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng để nộp tiền, rồi quay lại Trung tâm để nộp giấy tờ chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Một số lần khi đóng tiền xong là hết giờ làm việc, phải sang ngày hôm sau mới đi nộp lại được phiếu đã đóng tiền. Vì vậy, từ khi được Trung tâm Hành chính công thành phố hướng dẫn giao dịch thanh toán nghĩa vụ tài chính đất đai trên Cổng dịch vụ công quốc gia tôi thấy rất thuận tiện.
Theo đánh giá của người dân, việc thanh toán trực tuyến dịch vụ công đã giúp cho rất nhiều người khi tới giao dịch tại Trung tâm Hành chính công thành phố có thêm sự lựa chọn về hình thức thanh toán, góp phần giảm số lần đi lại của người dân khi thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai, tiết kiệm chi phí cho người dân và xã hội cũng như tăng cường việc thanh toán không dùng tiền mặt.
Để khuyến khích khách hàng sử dụng các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, Agribank Chi nhánh Quảng Ninh đã thực hiện chương trình miễn phí chuyển tiền trong nước qua các kênh giao dịch tại quầy, dịch vụ ngân hàng điện tử, phát hành thẻ ATM miễn phí cho khách hàng… Đặc biệt, thực hiện các kế hoạch chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND TP Hạ Long về chuyển đổi số, ngay từ những ngày đầu tháng 4/2022, các chi nhánh loại II trực thuộc ngân hàng đã phối hợp với chính quyền địa phương triển khai phủ sóng đặt mã thanh toán VietQR tại các hộ kinh doanh. Đến hết tháng 5/2022, Agribank chi nhánh Quảng Ninh đã triển khai thành công 291 điểm đặt mã thanh toán VietQR của Agribank trên địa bàn TP Hạ Long. Trong tháng 6 vừa qua, ngân hàng cũng đã bắt đầu triển khai đặt mã thanh toán VietQR tại Trung tâm Hành chính công tỉnh; phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh mở tài khoản công đoàn cho khách hàng tổ chức để cấp trả kinh phí công đoàn vào tài khoản.
Về phía Viettel Quảng Ninh, đơn vị này cũng đã xây dựng kế hoạch triển khai việc thanh toán không dùng tiền mặt cho các tiểu thương tại chợ Hạ Long I và Hạ Long II theo mô hình “Chợ công nghệ mới - chợ 4.0”. Để chương trình chuyển đổi số được diễn ra đồng bộ và hiệu quả cao, Viettel Quảng Ninh sẽ tiếp cận đồng thời tất cả các nhóm đối tượng hình thành nên hệ sinh thái tài chính số. Cụ thể, toàn bộ các tiểu thương ở 2 chợ sẽ chấp nhận thanh toán bằng hình thức số qua Viettel Money như là một hình thức thanh toán nhanh và nhiều tiện ích (thanh toán qua số điện thoại, thanh toán QR, chuyển khoản...); thanh toán các loại phí dịch vụ sử dụng tại chợ bằng chuyển khoản QR thông qua tài khoản Viettel Money (tiền điện, nước, phí vệ sinh môi trường...); thanh toán cho các tiểu thương khác trong chợ khi thực hiện các hoạt động mua bán với nhau. Đối với người dân khi đi chợ sẽ thanh toán số cho các hoạt động mua sắm, phí dịch vụ tại chợ. Ban quản lý chợ sẽ thanh toán số các khoản phí thu tại chợ.
Ông Lê Việt Hà, Phó Giám đốc Viettel Quảng Ninh, cho biết: Để đạt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ thanh toán điện tử đạt 50% theo chỉ đạo của Chính phủ thì việc thanh toán số cần được đi vào từng giao dịch trong cuộc sống thường nhật, từ thành thị đến nông thôn, đặc biệt là phục vụ được cho các hoạt động thanh toán hằng ngày. Do đó, việc triển khai số hóa thanh toán tại chợ là một trong những giải pháp để có thể đạt được mục tiêu này một cách bền vững. Hiện đơn vị đã sẵn sàng các nền tảng và nhân lực để phối hợp cùng với TP Hạ Long triển khai ứng dụng không dùng tiền mặt. Việc triển khai mô hình “Chợ công nghệ mới - chợ 4.0” sẽ được chúng tôi triển khai ngay trong tháng 7 này.
Được biết, tháng 4/2022, TP Hạ Long cũng đã ban hành Kế hoạch về việc triển khai Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2022-2025. Theo đề án, đến năm 2025, thành phố phấn đấu có từ 90% người dân từ đủ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 50%; tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng và giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt từ 20-25%/năm; 99% số thu ngân sách nhà nước; 100% số tiền học phí của cơ sở giáo dục và trường học trên địa bàn được thanh toán bằng phương thức không dùng tiền mặt…
Với việc các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đang đẩy mạnh các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt sẽ giúp TP Hạ Long có thể sớm đạt được mục tiêu đặt ra, đưa xu hướng thanh toán số, không sử dụng tiền mặt ngày càng phát triển rộng rãi trên địa bàn.
Hoàng Nga
Liên kết website
Ý kiến ()