Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 00:58 (GMT +7)
Ứng dụng triệt để, hiệu quả nền tảng công nghệ trong phòng, chống dịch
Chủ nhật, 03/10/2021 | 17:49:30 [GMT +7] A A
Ngày 3/10, Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 tổ chức họp trực tuyến với Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch cấp huyện, xã và các đơn vị liên quan để kiểm điểm tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, nhiệm vụ thời gian tới và phương án, kế hoạch tiêm nhắc lại mũi 2 trên địa bàn toàn tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 chủ trì.
Báo cáo tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, theo Ban cán sự Đảng UBND tỉnh, bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tuần qua, Quảng Ninh tiếp tục quyết liệt thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Trong đó, siết chặt quản lý bên ngoài, kiểm soát mọi nguy cơ mầm bệnh xâm nhập vào địa bàn để giữ bên trong ổn định trong trạng thái bình thường mới; mở lại một số hoạt động và loại hình kinh doanh dịch vụ với yêu cầu tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch; hướng dẫn tạm thời xét nghiệm SARS-CoV-2 đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh và việc kiểm soát người về từ vùng dịch định kỳ 2 tuần/lần. Đồng thời, điều chỉnh thời gian xét nghiệm đối với người ra, vào địa bàn tỉnh; chỉ đạo Sở Y tế ban hành hướng dẫn mô hình, chức năng nhiệm vụ của Trạm Y tế lưu động phù hợp với đặc thù phân bố dân cư, điều kiện phát triển KT-XH…
Đến nay, đã 96 ngày (từ ngày 28/6), Quảng Ninh không phát hiện ca nhiễm thứ phát trong cộng đồng. Tỉnh đã tổ chức tiêm chủng toàn dân cho hơn 1,1 triệu người, trong đó 172.106 người đã tiêm đủ 2 mũi. UBND tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch triển khai Tiêm chủng diện rộng vắc xin phòng Covid-19 mũi 2 cho toàn dân trên địa bàn tỉnh, mục tiêu cơ bản đến 30/10/2021, tỉnh sẽ hoàn thành tiêm mũi 2 cho toàn bộ đối tượng tiêm chủng.
Tuy nhiên, nguy cơ dịch bệnh xâm nhập vào địa bàn vẫn rất cao; đặc biệt tại các chợ đầu mối, lái xe vận chuyển hàng hóa, học sinh, sinh viên; vẫn tái diễn tình trạng mở dịch vụ nhưng nhiều người, nhiều cơ sở không tuân thủ các biện pháp giãn cách, không đeo khẩu trang tại một số khu vực công cộng…
Cuộc họp đã nghe đồng chí Vũ Văn Tấn, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia dân cư, Cục cảnh sát QLHC về TTXH, Bộ Công an giới thiệu về phần mềm quản lý công dân vùng dịch, mô hình áp dụng giấy đi đường bằng mã QR Code được tích hợp các biện pháp phòng chống dịch, truy vết đầy đủ. Theo đó, phần mềm được thiết kế trên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, ứng dụng ngay trên toàn quốc, giúp xác minh nhanh chóng thông tin công dân, đặc biệt là công dân tạm trú, lưu trú, lang thang cơ nhỡ thuộc diện hỗ trợ nếu kê khai đều được hỗ trợ tại nơi cư trú... Đặc biệt, phần mềm sẽ tiết kiệm chi phí trong phòng chống dịch, dữ liệu công dân được bảo mật.
Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia dân cư cũng đã thông tin một số biện pháp áp dụng đối với người chưa được cấp căn cước công dân, trẻ em, thông qua việc sẽ tích hợp thông tin, đảm bảo luồng xanh an toàn khi di chuyển. Ngoài các tiện ích trên, công dân có thể dễ dàng đăng ký điểm checkpoint cho nơi ở hoặc dán trên các trụ sở, cơ quan, doanh nghiệp, siêu thị hoặc nơi công cộng. Chức năng quản lý điểm checkpoint giúp doanh nghiệp, tổ chức theo dõi, quản lý về nguy cơ lây nhiễm Covid-19 của cán bộ, nhân viên và khách ra/vào trụ sở cơ quan mình. Từ đó, chủ động đưa ra các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, kịp thời.
Tại cuộc họp, Thường trực Tỉnh ủy, BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 đã tập trung làm rõ một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ trong kiểm soát, phòng, chống dịch; công tác tầm soát của ngành y tế trong khai báo; triển khai Trạm Y tế lưu động; duy trì nghiêm ngặt các chốt kiểm soát; hiệu quả việc triển khai quét QR code…
Thống nhất với các ý kiến tham gia, kết luận cuộc họp, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐNĐ tỉnh, Trưởng BCĐ cấp tỉnh về phòng, chống dịch Covid-19 nhấn mạnh: Xuyên suốt gần hai năm chống dịch và qua bốn làn sóng bùng phát dịch Covid-19 trên cả nước, mọi phương án, biện pháp phòng chống dịch của tỉnh Quảng Ninh được đưa ra, dựa trên 3 câu hỏi lớn, đó là: Có đúng với các định hướng, chỉ đạo của Trung ương hay không? Sức khỏe người dân có được chăm lo, bảo vệ hay không? Kinh tế - xã hội có được phát triển hay không? Và thực tế đã minh chứng cho tính hiệu quả, đúng đắn của những quyết sách chính xác, sáng tạo, kịp thời, linh hoạt, táo bạo, đầy bản lĩnh của BCĐ phòng, chống dịch cấp tỉnh dựa trên vận dụng đúng đắn các chủ trương của Trung ương, các bằng chứng khoa học, kinh nghiệm và từ thực tiễn của tỉnh.
Bằng những nỗ lực, quyết tâm, quyết liệt, phương châm “3 trước” và “4 tại chỗ”, chủ động từ xa từ sớm, từ cơ sở, lấy phòng dịch là ưu tiên, Quảng Ninh đã kiên cường vượt qua các làn sóng dịch. Đến nay, tỉnh vẫn cơ bản kiểm soát được tình hình, với 96 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong cộng đồng, giữ vững vùng “xanh” an toàn, địa bàn "An toàn - Ổn định" trong trạng thái bình thường mới; cơ bản hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 mũi 1 cho 100% người dân có chỉ định, đảm bảo tuyệt đối an toàn, hiệu quả, nhanh nhất theo mô hình “cuốn chiếu”.
Bên cạnh đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế GRDP 9 tháng ước tăng 8,6%, cao hơn nhiều lần so với trung bình cả nước... Thành quả này trước hết thuộc về nhân dân Quảng Ninh luôn dành tình cảm, trách nhiệm của mình và luôn đồng thuận, ủng hộ, thực hiện những quyết sách mà BCĐ phòng, chống dịch các cấp đang triển khai. Cùng với đó là tinh thần làm việc bền bỉ, kiên cường của lực lượng tuyến đầu như y tế, công an, quân đội, truyền thông… trong suốt thời gian qua.
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Mục tiêu của tỉnh là tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh, giữ vững vùng “xanh” an toàn, địa bàn ổn định trong trạng thái bình thường mới để tập trung triển khai thành công, an toàn tiêm chủng vắc xin mũi nhắc lại mũi 2 cho 100% người dân có chỉ định tiêm, phấn đấu cơ bản hoàn thành trong tháng 10 này.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện chiến lược “phòng là cơ bản, là lâu dài, là quyết định; chống là quan trọng, là thường xuyên, quyết liệt và thần tốc; xét nghiệm là then chốt, vắc xin là chiến lược để thích ứng an toàn có kiểm soát; triển khai đồng bộ, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch của Trung ương, của tỉnh; khẩn trương xây dựng phương án, kế hoạch, chuẩn bị các điều kiện bảo đảm chuyển sang chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” mà Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo.
Trong đó, vai trò chủ thể của người dân là đặc biệt quan trọng. Người dân phải được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết nhất để chủ động bảo vệ bản thân mình, gia đình mình, cộng đồng xung quanh; có thể tự lấy mẫu xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên. Các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phải chuẩn bị phương án, kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt; đồng thời nâng cao trách nhiệm trong việc duy trì thực hiện xét nghiệm tầm soát ở chính đơn vị mình với quy mô hợp lý nhưng có tính đại diện cao để ngăn ngừa các nguy cơ mầm bệnh cho cơ sở mình.
Đồng chí lưu ý, chủ trương của tỉnh đã có, nhưng quan trọng nhất vẫn ở khâu tổ chức thực hiện. Hằng ngày, Bí thư cấp ủy, Chủ tịch UBND cấp huyện phải tự đánh giá mức độ nguy cơ dịch bệnh trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý để quyết định các biện pháp phù hợp với tình hình, điều kiện thực tiễn của địa phương, đảm bảo yêu cầu chung về phòng, chống dịch và chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, BCĐ cấp tỉnh về các quyết định của mình.
Riêng với ba địa phương biên giới là Bình Liêu, Hải Hà, TP Móng Cái căn cứ vào yêu cầu phòng dịch của phía bạn, áp dụng các biện pháp phù hợp tương ứng để đảm bảo sự thông thương hàng hóa. Ngoài ra, phải tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng ngừa dịch xâm nhập; vận hành hoạt động các chốt trạm kiểm soát người và phương tiện ra vào tỉnh một cách linh hoạt, phù hợp với tình hình mới để quản lý, kiểm soát có hiệu quả người, phương tiện đi về, đi ra từ vùng có dịch bảo đảm lưu thông hàng hóa, con người thông suốt, thuận lợi, không gây ách tắc, không làm gián đoạn chuỗi cung ứng.
Cần củng cố năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, trong đó nghiên cứu triển khai thí điểm ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI tại chốt kiểm soát Bạch Đằng, nhân rộng nếu hoạt động hiệu quả. Đẩy mạnh việc thiết lập các điểm kiểm soát dịch bằng mã QR tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, điểm kinh doanh; yêu cầu người dân thực hiện quét mã QR khi đi đến các điểm nêu trên để kiểm soát chặt chẽ quá trình di chuyển, phục vụ công tác quản lý khi cần thiết. Tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện đồng bộ từ tỉnh tới cơ sở giải pháp tích hợp ứng dụng trên nền tảng cơ sở dữ liệu Quốc gia về dân cư, không chỉ phục vụ yêu cầu xây dựng chính quyền số, kinh tế số và xã hội số, mà còn phục vụ đắc lực cho yêu cầu phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Trước mắt, cùng với hoàn thành tiêm mũi 2 cho 100% người dân có chỉ định, các ngành y tế, công an và các địa phương phải chuẩn hóa dữ liệu “sạch”, kết nối đồng bộ, đảm bảo tích hợp mọi thông tin. Quảng Ninh phải là địa phương đi đầu trong thực hiện nội dung này.
Cùng với phòng chống dịch, trong quý IV, giai đoạn nước rút của cả năm, các cấp, các ngành, các địa phương cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả kịch bản tăng trưởng kinh tế của tỉnh, phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GRDP trên 10% và tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 51.000 tỷ đồng năm 2021, hoàn thành mục tiêu kép, góp phần vào thúc đẩy tăng trưởng kinh tế chung cả nước.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()