Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 25/11/2024 01:53 (GMT +7)
Bên Người những sáng tháng 5…
Thứ 6, 17/05/2024 | 08:48:00 [GMT +7] A A
Tháng 5, dòng người hội tụ về cụm di tích lịch sử Ba Đình luôn đông hơn thường lệ. Với người dân Việt Nam, dù ở phương trời nào, trong hành trình về với Thủ đô, được vào Lăng viếng Bác, thăm nơi Bác ở và làm việc những năm tháng cuối đời, nghe những câu chuyện cảm động từ những kỷ vật được bảo quản trong không gian đặc biệt, luôn là mong mỏi thiết tha.
Còn với nhiều du khách quốc tế tới Việt Nam, tiếp xúc với người dân bản địa và trải nghiệm những điều này, họ đã lý giải được, vì sao người Việt Nam mến yêu Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thế, vì sao họ luôn gọi vị lãnh tụ của mình thật thân thương hai tiếng Bác Hồ.
Di tích, hiện vật “kể” chuyện
Một buổi sáng, ngoài trời đổ mưa, nhiều đoàn khách tham quan, đủ mọi lứa tuổi, trong nước và nước ngoài vẫn nhẹ bước vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, tới thăm Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch và đến với Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Trong khuôn viên Khu di tích, mỗi địa điểm, con đường, mỗi nhành cây, ngọn cỏ đều gợi nhớ những kỷ niệm sâu sắc về Người.
Dừng bên đường Xoài, trong tán cây rợp mát, chuyện kể của thuyết minh viên Nguyễn Thị Lệ Thủy về cuộc gặp gỡ cảm động giữa Bác Hồ với đoàn đại biểu anh hùng, dũng sĩ miền nam ra thăm miền bắc năm 1965, làm sống lại khung cảnh đường Xoài của buổi sáng cách đây gần 60 năm.
Ngay tại con đường nhỏ này, Bác đã ân cần hỏi thăm nữ Anh hùng Tạ Thị Kiều đến từ Mỏ Cày, Bến Tre; Anh hùng Hồ Vai, đại diện tiêu biểu của đồng bào Pa Kô kiên cường, bất khuất và nhiều người con ưu tú của miền nam.
Tình cảm Bác dành cho các đại biểu như người Cha đón những đứa con thân yêu lâu ngày trở về. Bức ảnh chụp Bác Hồ bình dị giữa đoàn đại biểu anh hùng, chiến sĩ miền nam trên đường Xoài hôm đó, đã trở thành kỷ vật, ghi lại khoảnh khắc đẹp, làm xúc động hàng triệu trái tim đồng bào miền nam hướng về miền bắc.
Những ngày này, khi tham quan triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ-Bản hùng ca bất diệt” đang trưng bày tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, du khách cảm nhận sinh động và sâu sắc về trận quyết chiến chiến lược, làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Ở đó, nhiều kỷ vật quý giá đã theo Bác khắp nẻo đường Việt Bắc, được giữ gìn, bảo quản gần như nguyên trạng, gợi lên hình ảnh vị lãnh tụ vĩ đại mà khiêm nhường, giản dị và gần gũi biết bao.
Đứng lặng hồi lâu trước chiếc võng và mũ cát đã ngả màu Bác đã dùng ở chiến khu, ba người lính già đến từ Hội Cựu chiến binh xã Tứ Cường, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương cảm thấy vinh dự, tự hào được là người lính Cụ Hồ. Ông Vũ Đức Nhan cho biết, ông cùng hai đồng đội chọn dịp tháng 5 để lên Hà Nội, vào Lăng viếng Bác.
Sau gần 40 năm trở lại nơi này, ông và đồng đội vẫn vẹn nguyên cảm xúc như lần đầu tiên được cúi đầu trước anh linh của Người. Nhìn những vật dụng đơn sơ của Bác, ông xúc động nhớ lại những năm tháng chiến đấu ở chiến trường để tự hứa với lòng mình, dù cuộc sống, cảnh vật có đổi thay nhưng tấm lòng sắt son hướng về Người, về sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước không bao giờ thay đổi…
Tìm hiểu về những tư liệu, hiện vật trưng bày trong Bảo tàng, ông Tống Văn Sao, đến từ xã Đông Quan, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình ngắm nghía rất lâu bộ lễ phục mà Bác đã sử dụng trong chuyến thăm Cộng hòa Pháp năm 1946.
Theo cán bộ Bảo tàng, hiện vật này được Văn phòng Phủ Chủ tịch lưu giữ đến năm 1970, sau đó giao lại cho Bảo tàng Hồ Chí Minh tiếp tục bảo quản và phát huy giá trị. Đây là lần đầu tiên bộ lễ phục được trưng bày phục vụ công chúng.
Bày tỏ ngạc nhiên, sau gần 80 năm, bộ lễ phục Bác mặc cùng đôi giày vẫn được gìn giữ gần như nguyên vẹn, ngoại trừ chiếc cổ áo đã sờn cũ, bạc màu, ông Tống Văn Sao chia sẻ, càng hiểu về Bác, càng kính yêu và trân trọng di sản Bác để lại cho đất nước và nhân dân nhiều hơn.
Từ đó thêm tự hào về truyền thống gia đình, có cha là chiến sĩ tham gia kháng chiến chống Pháp. Bản thân là thương binh từng chiến đấu bảo vệ biên giới phía bắc. Hai con ông hiện đều công tác trong lực lượng vũ trang.
Học và làm theo Bác là sứ mệnh của mỗi người
Điều dễ dàng cảm nhận được qua gặp gỡ và trao đổi với cán bộ, nhân viên làm việc tại Khu Di tích và Bảo tàng Hồ Chí Minh, đó là sự ngưỡng mộ và biết ơn sâu sắc đối với Bác Hồ.
Tình cảm đó được nhân lên cùng năm tháng gắn bó với không gian đặc biệt và công việc đặc biệt của mỗi người. Học và làm theo Bác để làm tốt nhất công tác bảo quản, giữ gìn, phát huy giá trị của di tích, tài liệu, hiện vật cho đời sau là điều họ luôn nhắc nhớ bản thân mỗi ngày.
Phó Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh Phạm Thị Thanh Mai chia sẻ, chị cũng như cán bộ, nhân viên làm việc tại Bảo tàng luôn cảm thấy tự hào được gắn bó với nghề mình đã chọn.
Với lòng kính yêu Bác, tri ân tình cảm của đồng bào trong nước cũng như bạn bè quốc tế hướng về Người, mỗi cán bộ ở từng vị trí khác nhau đều tâm niệm phải làm tốt nhất công việc của mình, góp phần giữ gìn di sản của Người để lại.
Từ thông tin ban đầu, cán bộ sưu tầm nghiên cứu sâu, kỹ về hiện vật, rồi quay trở lại làm phong phú thêm đời sống tinh thần, bổ sung hồ sơ tư liệu hiện vật.
Tất cả khối tài liệu, hiện vật, thước phim, hình ảnh… được sưu tầm, bảo quản, lưu giữ tại đây là minh chứng sinh động về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động trọn vẹn vì dân, vì nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trách nhiệm của cán bộ Bảo tàng là làm sao để những tài liệu, hiện vật sống động trong đời sống, trong lòng nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè quốc tế.
Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là Di tích quốc gia đặc biệt, bao gồm những di tích và di vật nguyên gốc, gắn bó với thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh suốt 15 năm cuối đời (1954-1969).
Theo ông Nguyễn Văn Dương - Phó Giám đốc Khu di tích, mỗi điểm di tích đều ghi dấu những sự kiện quan trọng gắn với từng thời điểm lịch sử quan trọng: Nhà 54 nơi Bác ở 4 năm khi vừa về Thủ đô; Nhà sàn, nơi Bác đã ở suốt 11 năm cuối cùng (1958-1969); Nhà H67, nơi họp Bộ Chính trị từ 1967-1969 cũng là nơi Bác chữa bệnh trong những tháng cuối đời và ra đi từ đây…
Sau ngày Bác đi xa, công tác bảo tồn di tích, các tài liệu, hiện vật trong nhà cũng như ngoài trời, luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, được cán bộ, nhân viên Khu di tích tận tâm, nỗ lực, âm thầm thực hiện trong suốt nhiều thập kỷ qua.
Đang chăm chút, cắt tỉa hàng cây trong khuôn viên Khu di tích, chị Nguyễn Thị Hà, Phó Trưởng phòng Bảo quản môi trường dừng tay để cảm ơn khách tham quan khi họ tấm tắc khen vườn cây sai quả, hàng cây xanh đẹp quá. Làm việc ở đây đã hơn 20 năm, chị luôn được khích lệ như thế.
Tự hào với công việc của mình, chị tâm sự, mỗi nhánh cây, ngọn cỏ nơi đây đều thấm đẫm tình cảm của Bác. Từ câu chuyện “cây đa kiên trì”, kể về việc Bác hướng dẫn anh chị em làm vườn hồi đó, cách kéo rễ đa xuống đất để tạo thành nhánh cây mới, đến cách làm thế nào để trị sâu cho cây bụt mọc… Đó đều là những bài học sâu sắc để mỗi người như chị Hà học và làm theo Bác chăm sóc cây luôn xanh, đơm hoa kết trái bốn mùa.
Với chị Nguyễn Thị Xuân, hơn 30 năm thầm lặng với công việc bảo quản, giữ gìn kỷ vật của Bác. Ngày làm việc thường bắt đầu khoảng 5 giờ sáng, và tiếp tục sau 5 giờ chiều, chị chăm chút, nâng niu từng vật dụng nhỏ trong không gian ngôi nhà sàn của Bác. Mọi công tác bảo quản vệ sinh hiện vật và di tích đều được hoàn tất trước giờ mở cửa đón khách vào tham quan.
Chị chia sẻ rằng, ngày nào cũng từng ấy công việc, nhưng chị luôn cảm thấy mỗi ngày là một ngày mới! Với chị, làm tốt công việc là làm sao để mỗi du khách đến thăm ngôi nhà sàn đều cảm nhận như Bác mới chỉ đi đâu vắng vài hôm, trang sách để ngỏ vẫn ở đó chờ Người.
Lan tỏa giá trị Di sản Hồ Chí Minh
Những cống hiến thầm lặng của mỗi người đã góp phần bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác, nhân lên giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong lòng du khách trong nước cũng như quốc tế. Họ đã đến, cảm nhận và để lại những tình cảm, sự ngưỡng mộ vị lãnh tụ kính yêu của nhân dân Việt Nam.
Một du khách Canada, vào ngày 3/5/2018 đã ghi trong Sổ lưu niệm tại Khu Di tích: “Tôi ngưỡng mộ và kính trọng dân tộc Việt Nam. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao họ lại tốt đẹp và đáng được tôn trọng như vậy. Đó chính là vì có một vị lãnh tụ như Hồ Chí Minh, người đã cống hiến trọn đời vì dân tộc Việt Nam. Các nhà lãnh đạo chính phủ cần học tập từ con người vĩ đại này”.
“Xin kính cẩn nghiêng mình trước vị lãnh tụ vĩ đại Hồ Chí Minh. Một con người quả cảm và khát vọng được nhìn thấy nhân dân và đất nước phát triển thành một quốc gia ngang tầm thế giới, nơi mà mọi người dân đều được chăm sóc… Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Việt Nam chính là Mahatma Gandhi đối với Ấn Độ. Chúng tôi cầu chúc may mắn và hạnh phúc tốt lành tới mọi người dân Việt Nam. Tình hữu nghị Việt Nam-Ấn Độ muôn năm” - Tổng Tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, Đại tướng Bipin Rowat, đã viết.
Và biết bao thế hệ người Việt Nam, từ mọi miền Tổ quốc, là người Việt Nam xa xứ đã tụ hội về đây, với tấm lòng thành kính dâng Người, tri ân Người đã dành trọn đời tận tụy với nước, với dân, và nguyện hứa, tiếp tục sự nghiệp của Người, phấn đấu trọn nghĩa, vẹn tình, xây dựng Đảng vững mạnh, đất nước phát triển, phồn vinh như Bác hằng mong ước.
Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, nhiều hoạt động phong phú đã phát huy, lan tỏa giá trị di sản Người để lại. Bảo tàng phối hợp nhiều tổ chức, cơ quan, đơn vị, trường học tổ chức tham quan, trải nghiệm không gian văn hóa Hồ Chí Minh.
Nhiều tổ chức đảng lựa chọn Bảo tàng là địa chỉ sinh hoạt chuyên đề. Sự giáo dục trực quan kết hợp những câu chuyện cảm động về hành trình của kỷ vật sẽ khắc sâu hơn giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Việc ứng dụng công nghệ để trưng bày 3D, trưng bày online, trưng bày 360 độ các hiện vật giúp công chúng có cách tiếp cận mới nhất, có thể nhìn thấy những chi tiết nhỏ nhất mà mắt thường không thể thấy được, góp phần tăng hiệu ứng trong cảm nhận đa chiều cả không gian, thời gian và độ sâu cảm xúc.
Nhằm đa dạng hóa hình thức giáo dục, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, nhiều năm qua, Phòng Giáo dục, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã xây dựng và triển khai các chương trình giáo dục trải nghiệm như: “Một ngày hoạt động của em tại Bảo tàng Hồ Chí Minh”, “Chủ tịch Hồ Chí Minh với không gian văn hóa xứ Nghệ”, “80 mùa hoa-Đội ta tiến lên”,... tiếp nối thành công của những chương trình trước, chương trình giáo dục trải nghiệm “Lời ru từ người mẹ Làng Sen” là một trong những chương trình gây ấn tượng và ý nghĩa đối với lứa tuổi học trò.
Theo Phó Giám đốc Phạm Thị Thanh Mai, với sứ mệnh là bảo tàng lưu niệm danh nhân hàng đầu ở Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn đi đầu trong công tác nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và trưng bày, giáo dục, quảng bá, phát huy lâu dài giá trị di sản văn hóa, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Hồ Chí Minh phấn đấu trở thành điểm đến hấp dẫn thu hút ngày càng đông đảo công chúng đến nghiên cứu, tìm hiểu, khám phá, trải nghiệm và hưởng thụ không gian văn hóa về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Theo Nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()