Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 20:47 (GMT +7)
Bệnh liên cầu lợn trên người
Thứ 4, 29/03/2023 | 07:59:59 [GMT +7] A A
Trong những năm gần đây, bệnh liên cầu lợn xuất hiện khá nhiều. Bệnh lây truyền từ động vật sang người, thường có triệu chứng lâm sàng nặng, thời gian điều trị dài, chi phí lớn, để lại biến chứng không hồi phục sau khỏi, có thể gây tử vong.
Đầu tháng 3/2023, Bệnh viện Bãi Cháy tiếp nhận điều trị cho một bệnh nhân bị nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não do liên cầu khuẩn lợn, thoát nguy cơ tử vong. Đây là bệnh nhân người Trung Quốc (52 tuổi) được chuyển từ Trung tâm Y tế TP Móng Cái đến Bệnh viện Bãi Cháy. Thạc sĩ, bác sĩ Hoàng Thị Nhung, Khoa Quốc tế và điều trị theo yêu cầu (Bệnh viện Bãi Cháy), cho biết: Trường hợp này là điển hình của viêm màng não do liên cầu lợn sau khi có yếu tố dịch tễ là ăn thịt lợn chứa vi khuẩn. Sau 12 ngày điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, xét nghiệm chỉ số nhiễm trùng cải thiện, không để lại di chứng của viêm màng não.
Năm 2022, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí tiếp nhận một nữ bệnh nhân 64 tuổi ở TP Uông Bí với biểu hiện viêm khớp khuỷu tay phải. Người bệnh được chẩn đoán nhiễm khuẩn huyết do liên cầu lợn. Người bệnh làm nghề mổ lợn nhiều năm. Trước khi nhập viện 2 ngày, người bệnh trong quá trình làm việc bị đứt tay, sau đó thấy có hiện tượng sưng nóng và đau nhức dữ dội khớp khuỷu tay phải, kèm theo sốt nóng. Người bệnh được nhập viện điều trị tích cực bằng kháng sinh theo phác đồ, sau 13 ngày điều trị đã hết sưng nóng khớp khuỷu tay, được ra viện.
Bệnh liên cầu lợn có thể lây truyền trực tiếp cho người thông qua việc ăn thịt lợn và các sản phẩm từ lợn bệnh hay lợn mang mầm bệnh chưa được nấu chín (tiết canh, nem chua, nem chạo…). Việc lây nhiễm bệnh còn do sự tiếp xúc với mầm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da. Những người tham gia giết mổ, chăn nuôi, vệ sinh chuồng trại cũng có nguy cơ mắc bệnh. Ngoài ra, phân, chất độn chuồng, các loại thức ăn và nước uống trong chuồng nuôi cũng có thể trở thành nguồn bệnh thứ cấp.
Đặc biệt, người dân thường có quan điểm sai lầm khi cho rằng, lợn do gia đình nuôi, lợn chăn nuôi dân dã, thả rông là lợn sạch, an toàn và có thể ăn tiết canh. Tuy nhiên, vi khuẩn liên cầu lợn lưu hành ở quần thể lợn, nên kể cả loại tự nuôi vẫn có thể truyền bệnh. Vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú ở vùng họng của lợn, ít gây bệnh cho con vật. Bệnh chỉ phát ra ở những con lợn có sức miễn dịch yếu.
Hằng năm, các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh tiếp nhận cấp cứu, điều trị cho nhiều trường hợp mắc liên cầu khuẩn lợn. Biểu hiện của bệnh thường sau vài tiếng đồng hồ đến 4-5 ngày, có trường hợp ủ bệnh tới 14 ngày, tùy cơ địa mỗi người. Những triệu chứng ban đầu có thể nhẹ, không đặc trưng, như: Đau bụng, sốt, buồn nôn, nôn và đi ngoài phân lỏng… dễ khiến nhiều người chủ quan là các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường, nên đến bệnh viện chậm trễ.
Các trường hợp nặng hơn với biểu hiện đau đầu, sốt cao, nôn, suy giảm ý thức, tri giác lơ mơ, xuất hiện ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ vi khuẩn liên cầu lợn. Một số trường hợp nguy kịch có diễn biến nhanh và nặng với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, rối loạn đông máu… Chi phí điều trị bệnh này tốn kém, thời gian điều trị kéo dài, di chứng để lại thường nặng nề, nguy cơ tử vong khi đã biến chứng rất cao. Bệnh nhân đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn vẫn có thể mắc lại. Chưa có vắc-xin phòng bệnh, chỉ điều trị bằng kháng sinh thời gian dài, kết hợp lọc máu, hỗ trợ hô hấp và tuần hoàn.
Các bác sĩ khuyến cáo, vi khuẩn liên cầu lợn có thể bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm nấu chín kỹ. Đây là bệnh mà người dân có thể chủ động phòng tránh được bằng cách: Không ăn sản phẩm từ lợn chưa được nấu chín hoặc từ lợn ốm, chết, đặc biệt không ăn tiết canh lợn; có biện pháp bảo hộ lao động, như đeo găng tay, khẩu trang cho những người chăn nuôi, tiếp xúc, giết mổ, buôn bán gia súc... Người dân không được mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn bệnh, chết; cần tiêu hủy lợn bệnh, chết theo đúng quy định. Khi có các triệu chứng của bệnh, người dân cần đến ngay các cơ sở y tế khám để phát hiện và điều trị kịp thời.
Nguyễn Hoa
Liên kết website
Ý kiến ()