Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 12:35 (GMT +7)
Bệnh Marburg nguy hiểm như thế nào?
Thứ 3, 21/03/2023 | 08:38:56 [GMT +7] A A
Bệnh Marburg là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây ra. Đây là căn bệnh đặc biệt nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao (50%-88%) và không có triệu chứng lâm sàng cụ thể.
Bệnh do virus Marburg là gì?
Marburg được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1967. Marburg gây sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt ở Đức và Belgrade – ngày nay là Serbia. Trong đó có các trường hợp có liên quan đến khỉ xanh châu Phi nhập khẩu từ Uganda. Các trường hợp khác được phát hiện ở Angola, Cộng hòa dân chủ Congo, Kenya, Nam Phi và Uganda, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).
Các chuyên gia y tế cho biết hiện không có vaccine đặc trị hoặc phương pháp điều trị kháng virus cho căn bệnh này, nhưng việc cung cấp nước cho bệnh nhân và điều trị các triệu chứng cụ thể của người bệnh có thể cải thiện cơ hội sống sót.
Các triệu chứng của bệnh do virus Marburg
Giống Ebola, Marburg có thể gây ra chứng sốt xuất huyết do virus rất nghiêm trọng, cản trở khả năng đông máu. Theo WHO, thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày và các triệu chứng bắt đầu đột ngột với sốt cao, nhức đầu dữ dội kèm theo cảm giác bải hoải, mệt mỏi khó chịu. Các triệu chứng khác có thể có như đau cơ, tiêu chảy, buồn nôn, thờ ơ chán chường, chảy máu qua chất nôn, phân và từ các bộ phận cơ thể khác.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, Marburg không lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh. Đáng lo ngại, bệnh Marburg có thể gây tử vong thường sau 7-8 ngày khởi phát bệnh do mất máu hay sốc. Các triệu chứng diễn tiến nặng bao gồm vàng da, viêm tụy, suy gan, suy đa cơ quan và xuất huyết nặng.
Tiến sĩ John Amuasi, người đứng đầu nhóm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và sức khỏe toàn cầu tại Trung tâm Hợp tác Nghiên cứu Y học Nhiệt đới Kumasi ở Kumasi, Ghana cho biết: "Tỷ lệ tử vong của bệnh là rất cao" và "Không có dấu hiệu lâm sàng cụ thể cho bệnh Marburg". Điều đó có nghĩa rằng một bệnh nhân chỉ có thể được xác định mắc bệnh Marburg thông qua xét nghiệm kháng thể, kháng nguyên và chuỗi phản ứng polymerase.
Các con đường lây truyền virus Marburg
Virus Marburg có đường lây truyền đa dạng. Theo WHO, dơi ăn quả được coi là vật chủ của virus để lây truyền sang người, mặc dù vậy dơi không bị nhiễm bệnh. Bệnh có thể lây lan qua nhiều cơ chế khác nhau, cụ thể:
Tiếp xúc lâu dài với phân hay chất tiết của dơi trong hầm mỏ. Một người bị nhiễm virus nếu tiếp xúc trực tiếp (vết thương hở) với máu, chất tiết, tạng hay tiếp xúc gián tiếp dịch cơ thể ngay cả trên bề mặt hay dụng cụ (quần áo, ga trải giường) bị lây nhiễm dịch tiết, hay tiếp xúc bề mặt với thực phẩm nhiễm virus.
Virus Marburg có thể lây truyền qua đường tình dục (quan hệ tình dục bằng miệng, âm đạo hoặc hậu môn) thông qua việc tiếp xúc với tinh dịch của người đã khỏi bệnh – WHO khuyến cáo, người đã khỏi bệnh cần đợi ít nhất 12 tháng mới nên quan hệ tình dụng an toàn, trừ khi xét nghiệm tinh dịch cho kết quả âm tính trong 2 lần khác nhau.
Virus Marburg có thể dây truyền cho thai nhi qua nhau thai. Ở phụ nữ mang thai, virus Marburg có thể tồn tại trong nhau thai và nước ối. Đối với phụ nữ đang cho con bú, nếu bị nhiễm Marburg, virus có thể tồn tại trong sữa mẹ.
Phương pháp phòng ngừa nhiễm virus Marburg
Theo các chuyên gia y tế, cách phòng ngừa tốt nhất ở thời điểm hiện tại là ngăn chặn sự lây truyền trực tiếp từ người sang người cũng như hạn chế sự lây lan virus từ vật chủ hoặc động vật bị nhiễm sang người.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()