Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 05/11/2024 05:44 (GMT +7)
Bệnh quai bị gây nhiều biến chứng nguy hiểm
Thứ 2, 23/09/2013 | 09:55:07 [GMT +7] A A
Hỏi: Bác sĩ cho cháu hỏi: bây giờ cháu đã 22 tuổi rồi, hiện đang học đại học, cháu chưa mắc bệnh quai bị bao giờ, nhưng mà cháu đi làm có thấy con chủ quán bị quai bị, thỉnh thoảng có nói chuyện thì cháu có mắc bệnh không ? Cháu cảm ơn (VũPhong, svkh2010.info@gmail.com)
Trả lời:
Bạn chưa mắc bệnh quai bị bao giờ nhưng nếu đã được tiêm phòng vacxin quai bị thì bạn đã được miễn dịch có thể không mắc bệnh. Nếu bạn chưa được tiêm phòng vác xin quai bị mà có tiếp xúc với người mắc quai bị không có phương tiện bảo vệ thì rất có thể sẽ bị lây nhiễm.
Quai bị là một bệnh nhẹ do virut Paramyxo gây nên, rất dễ lây truyền qua tiếp xúc trực tiếp với nước bọt của bệnh nhân. Bệnh thường xuất hiện nhiều nhất là vào mùa xuân, hè. Bệnh thường hay gặp ở trẻ nhỏ 5-8 tuổi, cả trẻ lớn chưa được tiêm phòng quai bị và lứa tuổi vị thành niên chưa có miễn dịch quai bị, người lớn cũng có thể mắc nhưng tỷ lệ thấp hơn. Đây là một bệnh nhẹ nhưng có thể gây những biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm màng não, đặc biệt là vô sinh, hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để điều trị.
Nguyên nhân gây bệnh quai bị
- Do Paramyxovirus lây truyền qua đường hô hấp và đường ăn uống, qua những giọt nước bọt khi bệnh nhân nói, ho, hắt hơi.
- Virus quai bị có khả năng tồn tại trong nước tiểu khoảng 2-3 tuần, nên các nhà nghiên cứu đang nghi ngờ bệnh quai bị có thể lây qua đường phân và nước tiểu.
Triệu chứng quai bị
- Khi mới nhiễm virut quai bị bệnh nhân thấy khó chịu, sợ gió, nhức đầu, đau trước tai, khó nhai và thường xuất hiện khoảng 1-2 ngày đầu.
- Bệnh nhân bị sốt cao có thể lên đến 39 – 40OC trong 3 – 4 ngày, kèm theo chảy nước bọt.
- Một bên má (tuyến mang tai) bắt đầu sưng to, sau một vài ngày lan sang bên kia hoặc có thể sưng cả hai bên cùng một lúc gây đau khi nuốt nước bọt.
- Không có tấy đỏ tại nơi sưng; vùng da vùng sưng bóng lên, ấn không lún, không hoá mủ, họng hơi đỏ, lỗ ống nước mặt Stenon hơi tấy đỏ lên.
Cách phòng và điều trị bệnh quai bị
Phòng bệnh quai bị
Cách tốt nhất là tiêm vacxin phòng bệnh quai bị, bắt đầu từ 12 tháng tuổi trở lên có thể tiêm phòng bệnh quai bị, để cơ thể miễn dịch với bệnh quai bị trong một thời gian dài hoặc có thể suốt đời. Người mắc bệnh quai bị cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác phòng tránh lây nhiễm bệnh cho người những người xung quanh. Duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, giữ gìn vệ sinh thân thể, đặc biệt đường hô hấp trên.
Ảnh khu khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện đa khoa tỉnh Quảng Ninh |
Điều trị bệnh quai bị
- Nên cách li 2 tuần tính từ lúc phát hiện mắc bệnh, để phòng tránh lây lan cho người khác nhất là trẻ nhỏ không nên cho cháu tới học.
- Bệnh nhân cần nghỉ ngơi tại chỗ, hạn chế vận động.
- Nếu có sốt cao trên 39 độ cần hạ nhiệt cho người bệnh bằng khăn mát và thuốc hạ sốt như paracetamol với chỉ định và liều dùng cần tham khảo ý kiến thấy thuốc.
- Vệ sinh răng miệng và súc miệng bằng nước muối sinh lý hay các dung dịch súc miệng khác như T-B, Listerin...
- Ăn thức ăn mềm, đủ chất, dễ nuốt, dễ tiêu.
- Khi xuất hiện thấy các biểu hiện của biến chứng như đau đầu, nôn, lơ mơ, sốt cao, tinh hoàn sưng to, đau; nữ thấy tức bụng và đau khi sờ nắn cần đến bệnh viện ngay.
Các biến chứng có thể gặp do quai bị
- Viêm não, viêm màng não.
- Viêm tinh hoàn và mào tinh hoàn.
- Viêm buồng trứng.
- Vô sinh.
- Ngoài ra còn có các biến chứng khác như viêm cơ tim, viêm tuyến giáp, viêm tuyến lệ nhưng ít gặp hơn.
Chúc bạn không mắc bệnh và thành công trong cuộc sống !
Ths.Bs. Trịnh Văn Mạnh
Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
Mọi thắc mắc của độc giả về vấn đề sức khỏe có thể gửi vào địa chỉ email: baoquangninh@gmail.com hoặc trinhmanhqnsyt@gmail.com
Độc giả cũng có thể liên hệ trực tiếp theo số điện thoại 0333.829235 để được giải đáp.
Liên kết website
Ý kiến ()