Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 18:45 (GMT +7)
Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Nhiều kỹ thuật mới trong điều trị chấn thương chỉnh hình
Thứ 2, 09/03/2020 | 08:27:21 [GMT +7] A A
Những năm gần đây, nhờ chương trình chuyển giao kỹ thuật, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, phẫu thuật thành công nhiều ca khó.
Ca phẫu thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời do các y bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện. |
Từ tháng 10/2019, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, đã ghi thêm vào danh mục các kỹ thuật cao được triển khai tại bệnh viện, đó là kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời. Đây là một trong những kỹ thuật rất phức tạp mà trước đây chỉ thực hiện tại các bệnh viện tuyến Trung ương. Bệnh viện Đa khoa tỉnh hiện là đơn vị đầu tiên trên địa bàn thực hiện thành công kỹ thuật nối vi phẫu chi thể đứt lìa.
Sau hơn 5 tháng triển khai, Khoa đã phẫu thuật thành công cho hơn chục trường hợp. Đơn cử như trường hợp anh Trần Văn T (TP Cẩm Phả) bị tai nạn lao động đứt rời đốt tay út ở bàn tay trái được đưa vào cấp cứu tại Khoa Chấn thương chỉnh hình, ngày 14/2/2020. Ngay sau khi tiếp nhận, các bác sĩ nhanh chóng hội chẩn đánh giá tình trạng tổn thương và quyết định nối lại đốt ngón tay đứt rời bằng kỹ thuật vi phẫu cho bệnh nhân. Kết quả là chỉ sau hơn 3 tiếng đồng hồ với kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời, các bác sĩ đã nối lại thành công mạch máu, thần kinh, gân cơ, xương đốt ngón tay út, trả lại bàn tay nguyên vẹn cho người bệnh. Ngón tay của bệnh nhân đã cử động được nhẹ nhàng, phần nối phản hồi mao mạch tốt.
Vi phẫu được hiểu là kỹ thuật khâu nối các mạch máu nhỏ trong phạm vi dưới 1mm đường kính bằng những sợi chỉ 15-42 micron (khoảng 1/10 đường kính của sợi tóc) dưới kính hiển vi phẫu thuật phóng đại 10-20 lần. Những phần cơ thể bị đứt lìa có thể là phần vận động (các chi thể) hoặc các bộ phận khác như mũi, tai, môi... Mạch máu ở những khu vực này rất nhỏ, nên cần có kỹ thuật vi phẫu mới thực hiện được.
Bác sĩ Lương Toàn Thắng, Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình cùng bác sĩ Nguyễn Văn Năng là những người được cử đi đào tạo về kỹ thuật vi phẫu nối chi đứt rời từ các chuyên gia đầu ngành của Bệnh viện Quân đội Trung ương 108 (Hà Nội). Bác sĩ Lương Toàn Thắng cho biết: Việc tiến hành một cuộc vi phẫu là rất phức tạp, nhưng nhờ được đào tạo bài bản, cùng với Bệnh viện đầu tư hoàn chỉnh các trang thiết bị hiện đại như kính hiển vi phẫu thuật, dụng cụ vi phẫu, chỉ vi phẫu... đến nay chúng tôi đã tự tin triển khai thành công kỹ thuật vi phẫu nối chi thể đứt rời tại bệnh viện. Trước đây, khi chưa triển khai kỹ thuật này thì trường hợp của bệnh nhân T thường được sơ cứu ban đầu và chuyển tuyến trung ương hoặc sẽ cắt bỏ phần chi bị đứt, tạo mỏm cụt nếu các mô đứt lìa bị hoại tử.
Các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình thực hiện phẫu thuật thay khớp háng nhân tạo cho người bệnh. |
Ngoài thực hiện kỹ thuật vi phẫu, Khoa Chấn thương chỉnh hình còn điều trị và phẫu thuật thành công nhiều kỹ thuật khó, như: Phẫu thuật nội soi khớp vai, khớp gối; thay khớp gối, khớp vai bán phần và toàn phần; phẫu thuật chỉnh hình các dị dạng bẩm sinh; phẫu thuật sọ não, lấy u não dưới hệ thống định vị Navigation, thay đốt sống cổ nhân tạo, phẫu thuật gù vẹo cột sống, bơm xi măng đốt sống trong điều trị xẹp đốt sống… Đến nay đã có hàng trăm ca phẫu thuật sọ não, cột sống ứng dụng kỹ thuật cao, chuyên sâu được triển khai thành công ngay tỉnh nhà với hiệu quả điều trị tốt, tạo dựng thêm niềm tin vững chắc của người bệnh.
Những kỹ thuật cao được triển khai thành công tại Khoa Chấn thương chỉnh hình nói riêng và Bệnh viện Đa khoa tỉnh nói chung đã tạo nên uy tín, khẳng định chất lượng hoạt động của bệnh viện hàng đầu của Quảng Ninh. Bác sĩ Trịnh Văn Mạnh, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh luôn là nhiệm vụ hàng đầu của Bệnh viện. Bởi vậy, bệnh viện luôn hướng tới lấy người bệnh làm trung tâm để mang lại chất lượng dịch vụ tốt nhất, trong đó ưu tiên thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh; đầu tư trang thiết bị hiện đại, đồng bộ và bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ y tế, đồng thời đổi mới phong cách, thái độ phục vụ người bệnh gắn với cải cách thủ tục hành chính.
Nguyễn Hoa
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()