Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 15:35 (GMT +7)
Chế độ ăn uống cho người bệnh sỏi mật
Chủ nhật, 05/05/2024 | 12:48:45 [GMT +7] A A
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng đối với người bệnh sỏi mật (sỏi túi mật) vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình hình thành và phát triển sỏi mật. Người bệnh cần có chế độ dinh dưỡng phù hợp để kiểm soát triệu chứng của bệnh.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh sỏi mật
NỘI DUNG
- 1. Tầm quan trọng của chế độ ăn cho người bệnh sỏi mật
- 2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh sỏi mật
- 3. Một số thực phẩm cần hạn chế đối với người bệnh sỏi mật
Sỏi mật là chất lắng đọng giống như tinh thể phát triển trong túi mật. Túi mật là một cơ quan nhỏ, hình quả lê, lưu trữ mật, một chất lỏng tiêu hóa do gan sản xuất. Chức năng chính của túi mật là lưu trữ mật giúp cơ thể phân hủy chất béo.
Phần lớn các trường hợp có sỏi mật đều không có triệu chứng rõ ràng. Tuy nhiên, nếu sỏi tồn tại trong túi mật càng lâu thì càng có nhiều khả năng trở thành vấn đề. Đó là khi các viên sỏi mật đã di chuyển và bị mắc kẹt trong một ống dẫn mật, gây các cơn đau bụng, có thể kèm theo buồn nôn, khó tiêu hoặc sốt.
Sỏi cũng có thể làm tắc nghẽn ống mật chung, dẫn mật vào ruột non và các ống gan, dẫn mật ra khỏi gan. Những vật cản trong đường dẫn mật khiến ống dẫn mật bị viêm và bị nhiễm trùng. Sự tắc nghẽn của ống mật chủ, hợp nhất với ống tụy ở ruột non, dễ dẫn đến viêm tuỵ.
Vì chức năng chính của túi mật là lưu trữ mật, giúp cơ thể phân hủy thức ăn béo nên khi chúng ta ăn, túi mật giải phóng mật dự trữ của nó vào ống nang. Từ đó chất lỏng đi qua ống mật chủ và vào ruột non để trộn với thức ăn.
Nghiên cứu cho thấy, đứng đầu trong số các thành phần của mật là cholesterol và acid mật. Thông thường, nồng độ acid mật đủ cao để phân hủy cholesterol trong hỗn hợp và giữ nó ở dạng lỏng. Tuy nhiên, nếu một người có chế độ ăn giàu chất béo dễ làm mất sự cân bằng này, khiến gan sản xuất nhiều cholesterol hơn lượng acid mật có thể xử lý.
Kết quả dẫn đến một số cholesterol dư thừa bắt đầu đông đặc thành các tinh thể, hay còn gọi là sỏi mật. Khoảng 80% các loại sỏi mật được gọi là sỏi cholesterol và được tạo ra theo cách này. 20% còn lại bao gồm canxi trộn với sắc tố mật bilirubin, được gọi là sỏi sắc tố. Hồng cầu hình liềm và các rối loạn máu khác, nơi các tế bào hồng cầu bị phá hủy thường có thể dẫn đến sỏi mật sắc tố.
Do chế độ ăn có ảnh hưởng quan trọng đến sức khỏe túi mật nên người bệnh sỏi mật ngoài việc tuân thủ hướng dẫn điều trị của bác sĩ cần thực hiện chế độ ăn uống khoa học: ăn đủ chất, cân bằng, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ, ăn vừa phải chất béo, ít cholesterol để giảm nguy cơ hình thành, phát triển sỏi, góp phần tăng hiệu quả điều trị, cải thiện triệu chứng của bệnh.
2. Những dưỡng chất cần thiết cho cơ thể người bệnh sỏi mật
Chất xơ
Chất xơ giúp tăng cường nhu động ruột, hỗ trợ tiêu hóa và loại bỏ cholesterol ra khỏi cơ thể, từ đó giúp giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Người bệnh nên ăn nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt.
Chất béo lành mạnh
Chất béo lành mạnh như omega-3 có trong các loại cá béo như cá hồi, cá thu, dầu ôliu giúp giảm cholesterol xấu, tăng cholesterol tốt, giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Người bệnh nên ăn cá béo ít nhất 2 lần mỗi tuần, sử dụng dầu ôliu để nấu ăn và ăn các loại hạt như hạnh nhân, óc chó...
Protein nạc
Protein cung cấp năng lượng cho cơ thể, hỗ trợ quá trình phục hồi sau khi điều trị sỏi mật. Người bệnh nên ăn các thực phẩm giàu protein nạc như: thịt nạc, ức gà, cá nạc; trứng; đậu phụ…
Thực phẩm giàu vitamin C
Vitamin C giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ quá trình tiêu hóa và phòng ngừa các biến chứng của sỏi mật. Người bệnh nên ăn nhiều cam, quýt, bưởi, ớt chuông, bông cải xanh.
Thực phẩm giàu canxi
Canxi giúp gắn kết cholesterol trong ruột, ngăn ngừa cholesterol dư thừa trong gan và giảm nguy cơ hình thành sỏi mật. Thực phẩm giàu canxi bao gồm nhiều loại tôm cua cá nhỏ (tốt nhất ăn cả xương); sữa, các sản phẩm từ sữa như sữa chua, phô mai...
Nước
Nước giúp hòa tan cholesterol và các chất khác trong mật, ngăn ngừa chúng kết tinh thành sỏi. Nên uống ít nhất 2 lít nước mỗi ngày. Cần lưu ý hạn chế đồ uống có gas, rượu, bia…
3. Một số thực phẩm cần hạn chế đối với người bệnh sỏi mật
Hạn chế thực phẩm giàu cholesterol: Cholesterol dư thừa trong gan có thể kết hợp với các chất khác trong mật và tạo thành sỏi. Cần hạn chế thực phẩm làm tăng mức cholesterol xấu như chất béo bão hòa, chất béo chuyển hóa.
Chất béo bão hòa là chất béo động vật chủ yếu được tìm thấy trong các loại thịt, các sản phẩm từ sữa. Chất béo chuyển hóa được tìm thấy trong nhiều loại thực phẩm, đặc biệt là thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn, thức ăn chiên rán nhiều dầu...
Thực phẩm chế biến sẵn (xúc xích, lạp xưởng, thịt nguội, thức ăn nhanh như hamburger, pizza, gà rán, khoai tây chiên…) chứa nhiều chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa.
Carbohydrate tinh chế: Các nghiên cứu cho thấy nhiều triệu chứng về túi mật xuất phát từ chế độ ăn chứa nhiều carbohydrate tinh chế và chất béo bão hòa. Khi người bệnh có các triệu chứng đau do sỏi mật đó là do túi mật đang cố gắng co bóp do một số viên sỏi ngăn chặn dòng chảy của mật. Nếu bạn ăn thức ăn béo, thực phẩm chế biến nhiều sẽ càng khiến túi mật co bóp nhiều hơn.
Vì vậy, ngoài việc chú ý hạn chế đồ ăn nhiều chất béo như thịt mỡ, thịt chế biến sẵn, các sản phẩm từ sữa nguyên kem, người bệnh nên lưu ý hạn chế tiêu thụ thực phẩm giàu carbohydrate tinh chế thường chế biến nhiều như bánh rán, bánh ngọt, bánh quy…
Hạn chế thực phẩm kích thích: Một số thực phẩm như thức ăn cay nóng, đồ uống có gas, rượu, bia có thể kích thích túi mật và làm nặng thêm các triệu chứng của sỏi mật.
Theo suckhoedoisong.vn
Liên kết website
Ý kiến ()