"Có những bệnh nan y, bệnh hiểm nghèo, bệnh ung thư thì bệnh viện tuyến huyện, tỉnh cũng không chữa được. Vậy sao không cho họ chuyển thẳng lên tuyến trên luôn", Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nói tại họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước về các luật, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Bảo hiểm y tế.
Theo luật mới được Quốc hội thông qua vào cuối tháng 11, người tham gia bảo hiểm y tế mắc bệnh hiểm nghèo, cần phẫu thuật hoặc kỹ thuật cao có thể đến bất kỳ bệnh viện nào mà không phụ thuộc vào nơi đăng ký ban đầu và sẽ được thanh toán 100% chi phí. Danh mục các bệnh hiểm nghèo và các thủ thuật phức tạp sẽ được Bộ trưởng Y tế ban hành.
Mức hưởng bảo hiểm y tế 100% cũng sẽ áp dụng cho những người cấp cứu tại tất cả cơ sở y tế; người dân tộc thiểu số và hộ nghèo sinh sống ở vùng khó khăn; những người khám chữa bệnh tại cơ sở y tế cấp ban đầu và nội trú tại cơ sở chuyên sâu, kể cả trước 1/1/2025 vẫn được xác định là tuyến huyện.
Thứ trưởng Tuyên cho biết quy định này là cần thiết, bởi hiện tại người tham gia bảo hiểm y tế thường phải đăng ký tại cơ sở y tế ban đầu như bệnh viện huyện, sau đó mới chuyển lên tuyến tỉnh và tiếp tục lên tuyến Trung ương. Điều này làm mất nhiều thời gian của bệnh nhân, trong khi nhiều bệnh cần phải được chuyển ngay.
Trước đây việc khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo địa giới hành chính, dẫn đến tình trạng có người mắc bệnh chỉ cách bệnh viện vài chục mét nhưng vẫn phải lên đúng cơ sở đăng ký cách đó hàng chục cây số. Có người đi công tác từ Bắc vào Nam, nếu cấp cứu mới được thanh toán bảo hiểm y tế, còn bị bệnh thông thường sẽ không được thanh toán. Sinh viên đăng ký khám chữa bệnh ban đầu ở nơi học, về quê khám phải đóng tiền.
"Đây là những vấn đề rất bất cập, nên cần sửa các quy định để tạo điều kiện cho người dân, để họ được tiếp cận dịch vụ y tế tốt nhất và thuận tiện nhất", ông Tuyên nói.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh rằng với luật mới, tình trạng quá tải tại bệnh viện Trung ương sẽ không xảy ra, vì Bộ Y tế sẽ thiết kế các hàng rào kỹ thuật. Đồng thời, các bệnh viện tuyến dưới đang được khuyến khích đầu tư trang thiết bị để thu hút bệnh nhân. Bộ Y tế đang xây dựng quy định về các trường hợp chuyển tuyến mà không cần giấy chuyển viện, dự kiến áp dụng từ 1/1/2025.
Liên quan đến việc mua thuốc kê đơn trực tuyến, ông Tuyên cho biết rằng nếu có đủ cơ sở hạ tầng và triển khai đồng bộ, việc này sẽ rất thuận tiện cho người dân. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng việc bảo vệ sức khỏe người dân là ưu tiên hàng đầu. Nếu không quản lý chặt chẽ, có thể xảy ra tình trạng mượn đơn thuốc của người khác để mua thuốc.
"Hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin tại Việt Nam chưa đồng bộ nên chưa thể áp dụng việc bán thuốc theo đơn trực tuyến", ông Tuyên nói, cho rằng cần có giải pháp để mỗi đơn thuốc chỉ có giá trị sử dụng một lần và không thể chuyển nhượng cho người khác. Ngành Y tế sẽ cân nhắc việc bán thuốc theo đơn trực tuyến trong tương lai và vấn đề này sẽ được đề cập khi sửa đổi Luật Dược.
Ý kiến ()