Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 23:09 (GMT +7)
Bỉ phát hiện ca đầu tiên mắc biến thể mới BA.3, số ca mắc/ngày ở Nga lần đầu vượt mốc 100.000
Chủ nhật, 30/01/2022 | 10:34:18 [GMT +7] A A
Đến sáng 30/1, thế giới có trên 372,19 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 5,67 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với trên 75,37 triệu ca mắc và hơn 906.400 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 102.700 người nhiễm virus SARS-CoV-2.
Chính phủ Mỹ cho biết, khoảng 60 triệu hộ gia đình ở nước này đã đăng ký nhận bộ xét nghiệm COVID-19 chỉ sau hơn một tuần chính quyền mở trang web cung cấp miễn phí cho người dân. Ngoài ra, hàng chục triệu bộ xét nghiệm cũng đã được giao tới tay các hộ gia đình. Tháng 12/2021, Tổng thống Biden thông báo, chính quyền nước này sẽ mua 500 triệu bộ xét nghiệm COVID-19 để phát miễn phí cho người dân do nước Mỹ bị thiếu hụt mặt hàng này trong kỳ nghỉ lễ và lại đang phải đối mặt với sự bùng phát của biến thể Omicron.
Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 29/1, nước này ghi nhận tổng cộng trên 40,85 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 493.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19.
Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 625.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 25 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.
Lực lượng đặc nhiệm về COVID-19 của Nga thông báo, số ca mắc mới COVID-19 hàng ngày của nước này vào ngày 29/1 là 113.112 người, lần đầu vượt mốc 100.000 trường hợp kể từ khi đại dịch bùng phát.
Đây là mức cao kỷ lục trong ngày thứ 9 liên tiếp, trong đó các nhà chức trách nước này lý giải nguyên nhân là do biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 có khả năng lây nhiễm nhanh. Bên cạnh đó, 668 ca tử vong đã được thông báo trong 24 giờ qua, sau khi Nga thông báo tổng số người tử vong do dịch COVID-19 tại nước này đã vượt 700.000 ca vào ngày 28/1.
Bỉ đã phát hiện trường hợp đầu tiên nhiễm dòng BA.3 của biến thể Omicron. Một phòng thí nghiệm bệnh viện ở thành phố Hasselt đã phát hiện một ca nhiễm dòng BA.3, nhưng nước này chưa có thêm các dữ liệu về dòng này.
Theo dữ liệu ở Đan Mạch, BA.3 có nguy cơ nhập viện đương tương BA.1 nhưng chiếm ưu thế hơn và khó phát hiện hơn khi sử dụng các xét nghiệm PCR. Trong giai đoạn này, việc thiếu dữ liệu cũng khiến các nhà khoa học khó đoán định về sự phát triển của BA.3. Bỉ cho biết đã đặt hàng hơn 3,8 triệu liều vaccine Pfizer đặc hiệu với biến thể Omicron, vốn đã được Pfizer-BioNTech bắt đầu thử nghiệm trong tuần này.
Bộ Y tế Ukraine ngày 29/1 cho biết, số ca mới trong ngày ở nước này cũng lên mức kỷ lục với 37.351 trường hợp trong 24 giờ qua. Mức cao nhất trước đó được ghi nhận một ngày trước với 34.408 ca. Ngoài ra, Ukraine có thêm 149 người thiệt mạng, nâng tổng số trường hợp tử vong vì COVID-19 vượt mốc 100.000 ca. Tính từ đầu dịch, Ukraine có khoảng 4,02 triệu trường hợp nhiễm và 100.031 người tử vong.
Ngày 29/1, người đứng đầu Cơ quan y tế cộng đồng của Canada, bà Theresa Tam, cho biết, làn sóng lây nhiễm biến thể Omicron ở nước này đã đạt đỉnh nhưng người dân vẫn cần thận trọng do số ca nhập viện vì COVID-19 đang tiếp tục tăng.
Cho đến nay, Canada ghi nhận hơn 3 triệu ca mắc COVID-19 và 33.368 ca tử vong. Hiện 78,9% dân số nước này đã hoàn thành liều cơ bản vaccine ngừa COVID-19.
Ngày 29/1, Thủ tướng Áo Karl Nehammer cho biết, từ tuần tới, quốc gia này sẽ bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế phòng dịch COVID-19, cho phép cửa hàng, nhà hàng mở cửa với thời gian dài hơn. Động thái trên được công bố trong bối cảnh làn sóng dịch do biến thể Omicron dẫn tới số ca lây nhiễm tăng nhưng số ca nhập viện lại giảm xuống.
Kể từ ngày 5/2, cửa hàng và nhà hàng tại Áo sẽ được phép mở cửa đến tận nửa đêm trong khi số người được phép tham gia các sự kiện cũng được nâng từ 25 lên 50 người. Phát biểu tại một cuộc họp báo, Thủ tướng Nehammer nhấn mạnh, "chúng ta đang ở vị trí có thể tăng viễn cảnh rằng mọi người sẽ dễ thở hơn".
Số ca mới hàng ngày tại Áo vẫn đang tăng do biến thể Omicron, với gần 35.000 ca ghi nhận ngày 29/1. Tuy nhiên, sức ép lên hệ thống y tế đã giảm khi không có nhiều số ca bị nặng. Phụ trách y tế công Katharina Reich nhận định, làn sóng dịch do biến thể Omicron gây ra này sẽ đạt đỉnh trong khoảng thời gian từ ngày 7-9/2.
Bộ Y tế Israel dự đoán, làn sóng COVID-19 do biến thể Omicron gây ra tại nước này đã chạm đỉnh và bắt đầu đi xuống. Tuy nhiên, trong 2-3 tuần tới, tình hình dịch bệnh sẽ vẫn tiếp tục khó khăn.
Trong tuần qua, tại Israel đã có thêm 503.000 bệnh nhân COVID-19 mới được ghi nhận. Các chuyên gia cho rằng, số bệnh nhân trong thực tế còn cao hơn vài lần do nhiều người tự xét nghiệm và điều trị tại nhà. Một số quan chức Bộ Y tế nước này dự đoán, tổng cộng đã có khoảng 3 triệu người dân Israel bị nhiễm biến thể Omicron trong làn sóng dịch hiện nay.
Bộ Y tế Thái Lan có kế hoạch tuyên bố COVID-19 là bệnh đặc hữu vào cuối năm nay dựa trên các tiêu chí riêng, ngay cả khi chưa có xác nhận của Tổ chức Y tế Thế giới. Các tiêu chí bao gồm có không quá 10.000 ca mắc mới mỗi ngày, tỷ lệ tử vong không vượt quá 0,1% và hơn 80% số người có nguy cơ mắc bệnh đã được tiêm 2 liều vaccine.
Bộ Y tế Thái Lan nhận định, COVID-19 đã lây lan trong hơn 2 năm và các xu hướng cho thấy, căn bệnh này đã được kiểm soát và hiện không quá nghiêm trọng. Sau khi COVID-19 được tuyên bố là bệnh đặc hữu, các bệnh viện của Thái Lan sẽ điều trị cho bệnh nhân theo nhu cầu cá nhân và có thể yêu cầu tất cả mọi người hoặc chỉ riêng bệnh nhân đeo khẩu trang tùy theo tình hình dịch tại thời điểm cụ thể.
Biến thể Omicron lây lan nhanh chóng tiếp tục khiến Hàn Quốc chứng kiến số ca mắc COVID-19 tăng mạnh. Ngày 29/1, Cơ quan Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) cho biết, cả nước đã ghi nhận 17.542 ca mắc mới COVID-19, trong đó có 17.349 trường hợp lây nhiễm trong nước, nâng tổng số người mắc lên 811.122. Đây là ngày thứ 5 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca mắc mới hàng ngày cao kỷ lục, tăng vọt so với mức 8.570 ca được ghi nhận ngày 25/1. Số người tử vong vì dịch COVID-19 tại Hàn Quốc cũng tăng lên 6.712 người sau khi có thêm 34 bệnh nhân không qua khỏi. Tỷ lệ tử vong ở mức 0,83%.
Cơ quan y tế Hàn Quốc dự đoán, số ca nhiễm có thể tăng lên tới 100.000 ca/ngày trong vài tuần tới.
Nhật Bản sẽ rút ngắn thêm thời gian cách ly đối với các trường hợp tiếp xúc gần với những người mắc COVID-19 từ 10 ngày hiện nay xuống còn 7 ngày. Thông báo được đưa ra trong bối cảnh biến thể Omicron tiếp tục lây lan nhanh chóng tại nước này, khiến việc duy trì các hoạt động kinh tế - xã hội ngày càng khó khăn. Riêng đối với các lao động làm việc trong lĩnh vực thiết yếu như cảnh sát, điều dưỡng, nhân viên chăm sóc trẻ em, thời gian cách ly sẽ giảm từ 6 ngày xuống còn 5 ngày và phải làm xét nghiệm sàng lọc COVID-19.
Quyết định trên được Chính phủ Nhật Bản đưa ra dựa trên ý kiến của giới chuyên gia và các bằng chứng khoa học mới. Theo Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia của Nhật Bản, nguy cơ nhiễm Omicron ít hơn 1% vào ngày thứ 10, thấp hơn nhiều so với mức 5% trong ngày thứ 7.
Theo hãng tin Kyodo, ngày 29/1, giới chức y tế Nhật Bản ghi nhận hơn 84.000 ca mắc mới COVID-19. Đây là mức cao nhất trong ngày kể từ khi dịch bùng phát và cũng là ngày thứ 5 liên tiếp lập mốc mới. Cụ thể, theo thống kê của chính quyền các địa phương, Nhật Bản có thêm 84.936 ca mới, gấp hơn 3 lần so với mức 2 tuần trước. Riêng Tokyo đã có thêm 17.433 ca mới, trong khi tỉnh Osaka ghi nhận thêm 10.383 trường hợp. Số bệnh nhân bị nặng tăng thêm 37 ca so với ngày 28/1, lên 734 trường hợp. Đang có những quan ngại về nguy cơ thiếu hụt giường bệnh, gia tăng sức ép lên hệ thống y tế trong bối cảnh số ca mới mắc COVID-19 liên tục tăng.
Tại hội nghị mới đây do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản tổ chức vào tối 26/1, các chuyên gia y tế nhận định, dịch COVID-19 sẽ tiếp tục lây lan mạnh trong ngắn hạn, nhất là khi Nhật Bản có các đợt nghỉ lễ dài ngày trong tháng 1, người dân có nhiều hoạt động tập thể, tụ tập vui chơi đông người và di chuyển giữa các địa phương. Cộng với tốc độ lây lan nhanh hơn của biến thể Omicron, làn sóng lây nhiễm COVID-19 lần này liên tiếp ghi nhận kỷ lục về số ca mắc mới.
Hàng chục nghìn vận động viên và những người phục vụ Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 sống trong vòng tròn khép kín, hay còn gọi là "bong bóng y tế", nghiêm ngặt nhất, tuân thủ chính sách "Zero COVID" của Trung Quốc. Thực hiện theo quy định này, người tham gia phục vụ cho Oympic sẽ bị tách biệt hoàn toàn với thế giới bên ngoài trong nhiều tháng để đảm bảo kỳ Thế vận hội an toàn, thành công khi ngày khai mạc đang cận kề.
Thay vì phong tỏa một khu vực rộng lớn thủ đô Bắc Kinh, vòng tròn khép kín sẽ có những vòng tròn nhỏ, vô số bong bóng nhỏ như bong bóng xung quanh khách sạn, xung quanh sân vận động Tổ chim nơi diễn ra lễ khai mạc.
Trong một thông báo vào ngày 29/1, Ban tổ chức Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 cho biết, số trường hợp mắc mới COVID-19 hàng ngày trong số các vận động viên và quan chức đoàn dự sự kiện thể thao này đã tăng mạnh lên 19 ca trong ngày 28/1 so với 2 ca một ngày trước đó.
Theo thông báo trên, tổng cộng có 36 người liên quan đến Olympic mùa Đông Bắc Kinh 2022 được xác định mắc COVID-19 khi họ nhập cảnh tại sân bay Bắc Kinh và 7 ca trong "vòng tròn khép kín".
Quần đảo Kiribati nằm ở trung tâm Thái Bình Dương là một trong những nơi cuối cùng trên hành tinh bị COVID-19 tấn công. Từng tránh được tất cả các đợt bùng phát COVID-19 trước đây nhờ vị trí xa xôi và sự kiểm soát biên giới nghiêm ngặt, nhưng khả năng phòng thủ của của đảo quốc này dường như không ngăn được biến thể Omicron. Nguyên nhân là do từ đầu tháng 1 này, Kiribati đã mở cửa cho phép các thành viên của một nhóm tôn giáo thuê máy bay riêng để đưa 54 công dân của đảo quốc này về nước. Hơn một nửa số hành khách có kết quả dương tính với COVID-19, sau đó tiếp tục lây lan ra cộng đồng, khiến Chính phủ nước này phải ban bố tình trạng thảm họa. Từ 36 trường hợp dương tính ban đầu trên chuyến bay hồi hương, tính cho đến ngày 28/1, đã có 181 trường hợp. Hiện chỉ có 33% người dân Kiribati được tiêm đủ 2 mũi vaccine.
Theo vtv.vn
Liên kết website
Ý kiến ()