Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 02/11/2024 20:20 (GMT +7)
Bí quyết tránh nạn “chặt chém” khi du lịch ngày lễ
Thứ 5, 27/04/2023 | 09:04:03 [GMT +7] A A
Dịp nghỉ lễ Giỗ Tổ và 30/4 - 1/5 năm nay kéo dài 5 ngày nên tình trạng đông đúc tại các điểm du lịch là không thể tránh khỏi và rất dễ xảy ra nguy cơ “chặt chém” giá dịch vụ. Dưới đây là một số mẹo cần thiết để bạn và người thân tránh được tình trạng bị “hét” giá, bảo đảm cho một kỳ nghỉ lễ vui vẻ và suôn sẻ.
Liên hệ sớm với bên cung cấp dịch vụ
Đặt khách sạn sớm:
Trước bất kỳ kỳ nghỉ lễ nào, để chuẩn bị cho chuyến đi xa, bạn cần đặt phòng hoặc đặt tour càng sớm càng tốt vì nhu cầu luôn tăng cao trong dịp này. Tuy nhiên, dù cận ngày đi hay chỉ định nghỉ 1 đêm tại điểm đến thì bạn vẫn nên đặt phòng trước, hỏi giá phòng và các phụ phí thật kỹ trước khi quyết định.
Chú ý cảnh giác trước các quảng cáo giảm giá, ưu đãi “khủng” vì có thể đó là những chiêu trò lừa đảo.
Hãy đặt phòng trực tiếp với cơ sở lưu trú (resort, khách sạn, homestay, nhà nghỉ), hoặc trên các trang đặt phòng trực tuyến uy tín như Booking.com, Agoda, VnTrip, Traveloka,...
Đặt phương tiện di chuyển:
Ngoài việc đặt vé máy bay, vé tàu, ô-tô khách để tới điểm đến, vấn đề đi lại tại điểm đến cũng cần được lưu ý.
Vào dịp nghỉ lễ, việc gọi xe di chuyển tại điểm đến khá mất thời gian, vì thế bạn nên liên hệ đặt xe trọn gói trước, vừa thuận tiện, vừa bảo đảm đúng giá.
Trong trường hợp bạn không thể đặt xe trọn gói trước chuyến đi, nên lựa chọn đặt xe công nghệ, xe của các hãng taxi lớn, uy tín. Tuyệt đối không đi xe dù, chèo kéo bắt khách dọc đường.
Chọn quán ăn niêm yết giá
Dù ở bất kỳ chỗ nào, bạn cũng nên chọn các nhà hàng, quán ăn có niêm yết sẵn giá.
Khi chọn món ăn, bạn nên chọn món ăn phù hợp tại điểm đến. Thí dụ, khi du lịch biển nên gọi hải sản thay vì đặc sản rừng, du lịch vùng núi không gọi hải sản. Điều này vừa bảo đảm đồ ăn tươi ngon, vừa bảo đảm giá cả hợp lý.
Trước khi gọi món:
- Xem và hỏi giá tiền, các phụ phí có thể bị tính kèm như tiền ghế ngồi, tiền ô che nắng, tiền khăn giấy, thuế, phí phục vụ…
- Với món tính tiền theo thời giá (giá theo mùa), hỏi kỹ và chụp bảng giá niêm yết tại cửa hàng thời điểm đến.
Thanh toán:
- Kiểm tra kỹ hóa đơn trước khi thanh toán.
Lưu số điện thoại đường dây nóng
Khi gặp tình huống bị "chặt chém", hãy gọi ngay đến số điện thoại đường dây nóng của cơ quan chức năng nơi bạn đến.
Hiện tất cả các địa phương đều có số điện thoại đường dây nóng để tiếp nhận thông tin phản ánh của du khách được công khai trên các trang web chính thức của cơ quan chức năng. Các số điện thoại cần lưu: Đường dây nóng phản ánh về tình trạng du lịch của địa phương, cảnh sát khu vực, khách sạn/homestay nơi bạn lưu trú…
Tải ứng dụng Du lịch Việt Nam
Để thuận tiện cho chuyến du lịch, bạn có thể tải ứng dụng “Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel” về thiết bị di động. Ngoài cung cấp dịch vụ du lịch,… ứng dụng này có tích hợp tính năng hỗ trợ gửi phản ánh tới cơ quan chức năng để xử lý các vấn đề phát sinh nhằm bảo đảm quyền lợi của du khách.
Không ngại mặc cả
Ở một số điểm đến, nhiều người bán hàng có tâm lý tranh thủ khách đông để nâng giá. Vì thế khi mua đồ từ những người bán hàng rong, quầy hàng không niêm yết giá, đừng ngần ngại mặc cả trước khi mua.
Không đi theo "cò" dịch vụ
Hầu hết các điểm du lịch đông khách đều có “cò”, từ “cò” xe ôm, “cò” taxi, “cò” khách sạn đến “cò” quán ăn, “cò” các cửa hàng lưu niệm, đặc sản… Do đó bạn phải thật tỉnh táo không sử dụng dịch vụ của đối tượng này, tránh tiền mất tật mang.
Theo nhandan.vn
Liên kết website
Ý kiến ()