Biển Chết, một trong những hồ nước lạnh nhất thế giới, giáp biên giới Jordan và Israel ở tây nam châu Á. Dù có chữ "biển" trong tên gọi, đây thực chất là một hồ nước nổi tiếng với độ mặn cao bất thường khiến hầu hết động thực vật không thể sinh tồn. Hồ nước nơi phần lớn nước từ sông Jordan đổ vào ở hướng bắc, đang dần khô cạn.
Từ thập niên 1960, Biển Chết đã mất 1/3 diện tích bề mặt. Mực nước rút xuống khoảng một mét mỗi năm, theo báo cáo của Bộ Bảo vệ Môi trường Israel năm 2014. Báo cáo dựa trên 10 năm nghiên cứu và thu thập dữ liệu kết luận sự sụt giảm trên bắt nguồn từ tốc độ bay hơi nhanh hơn do hiện tượng ấm lên toàn cầu và biến đổi khí hậu cũng như hoạt động của con người, như chuyển dòng nước từ sông Jordan và khai thác mỏ.
Nhưng không chỉ Biển Chết có nguy cơ biến mất. Những hồ nước khác trên khắp thế giới bao gồm hồ Lake Poopo ở vùng trung tây Bolivia và hồ Chad ở khu vực Sahelian của châu Phi cũng đang hứng chịu tác động của nhiệt độ gia tăng. Catherine O' Reilly, nhà sinh thái học ở Đại học Illinois, đồng trưởng nhóm khảo sát gồm 64 nhà khoa học, cho biết biến đổi khí hậu đang khiến nhiều hồ nước ấm lên nhanh hơn so với đại dương và khí quyển. Nhiệt độ cao đẩy nhanh tốc độ bay hơi khiến quá trình suy giảm mực nước càng ngày càng trầm trọng.
Giới chuyên gia đặt nhiều kỳ vọng khi các nhà lãnh đạo thế giới tham gia Hội nghị thượng đỉnh khí hậu (COP26) tại Glasgow từ 31/10 đến 12/11. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres hôm 9/8 nhấn mạnh mọi quốc gia đều cần tham gia liên minh không phát thải CO2, củng cố cam kết giảm tốc độ và đảo ngược hiện tượng ấm lên toàn cầu. Đồng thời, COP26 hướng tới thúc đẩy hành động nhằm đạt mục tiêu đề ra trong Hiệp định Paris và Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Tại hội nghị thượng đỉnh, các nước sẽ chia sẻ kế hoạch quốc gia và đặt mục tiêu giảm khí thải riêng trong nỗ lực chung nhằm đối phó với hiện tượng ấm lên toàn cầu.
Ý kiến ()