Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 17:39 (GMT +7)
Biến chủng Delta tác động cả nước giàu và nghèo, theo cách khác nhau
Thứ 6, 30/07/2021 | 17:33:55 [GMT +7] A A
Khi biến chủng Delta gây nên làn sóng dịch mới ở quy mô toàn cầu, các nước phát triển, có tỷ lệ tiêm vaccine cao cũng không tránh khỏi tác động tiêu cực.
Trong cuộc chạy đua tìm kiếm vaccine Covid-19, các nước đang phát triển bị tụt lại phía sau. Do đó, đây là nhóm nước có nguy cơ lớn chịu tác động của biến chủng Delta. Tại Đông Nam Á, nhiều quốc gia đang phải đối mặt với làn sóng Covid-19 nghiêm trọng chưa từng có.
Trong khi đó, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo biến chủng Delta có thể gây ra “làn sóng dịch thứ tư” ở khu vực Trung Đông - Bắc Phi. Hầu hết quốc gia tại đây đang có tỷ lệ tiêm chủng khá thấp. Theo AFP, chỉ 5,5% cư dân ở khu vực này được tiêm đủ hai mũi vaccine.
Tuy vậy, đại dịch Covid-19 vẫn có cơ hội hoành hành ở cả các nước phát triển, có tỉ lệ tiêm vaccine cao. Các chính phủ chạy đua để ngăn chặn làn sóng mới của dịch Covid-19 gây ra bởi biến chủng Delta. Trong khi Mỹ đưa ra các biện pháp khuyến khích tiêm chủng mới, Israel chuẩn bị tiêm bổ sung mũi thứ ba cho người cao tuổi.
Đẩy mạnh tiêm vaccine
Tổng thống Mỹ Joe Biden yêu cầu toàn bộ nhân viên chính phủ Mỹ công khai tình trạng tiêm chủng của bản thân. Những ai chưa tiêm vaccine vẫn phải đeo khẩu trang ở nơi làm việc, cũng như phải nộp kết quả xét nghiệm Covid-19.
Nhà Trắng cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ buộc binh sĩ nước này phải tiêm vaccine. Ông Biden cũng đề nghị chính quyền các bang và chính quyền địa phương chi trả 100 USD cho những người chấp nhận tiêm vaccine.
“Nếu các biện pháp khuyến khích giúp chúng ta đánh bại virus, tôi tin chúng ta nên sử dụng các biện pháp này. Một khi càng nhiều người được tiêm vaccine, chúng ta sẽ cùng hưởng lợi”, ông nói.
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi người dân tại những “điểm nóng” về Covid-19 đeo khẩu trang tại các địa điểm trong nhà, kể cả khi đã được tiêm vaccine.
Đợt bùng phát dịch Covid-19 mới tại Mỹ khiến nhiều người tức giận với những người chưa chịu tiêm vaccine.
“Dường như họ không quan tâm đến phần còn lại của thế giới. Họ là những người ích kỷ, chỉ biết đến bản thân, coi mình là trung tâm của thế giới”, bà Alethea Reed, cán bộ quản lý y tế 58 tuổi tại thủ đô Washington, nói với AFP.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Naftali Bennett hôm 29/7 thông báo khởi động chiến dịch tiêm chủng mũi vaccine thứ ba cho những người trên 60 tuổi.
“Tôi kêu gọi mọi người cao tuổi tiêm thêm liều bổ sung này. Hãy tự bảo vệ bản thân”, ông Bennett nói. “Quyết định được đưa ra dựa trên nghiên cứu và phân tích, cũng như nguy cơ đang gia tăng từ làn sóng dịch mới, gây ra bởi biến chủng Delta”.
Sau khi nhanh chóng tiêm chủng cho phần lớn dân số, Israel nới lỏng các biện pháp hạn chế tụ tập đông người từ tháng 6. Tuy vậy, số ca mắc mới gia tăng trở lại buộc chính phủ tái áp đặt biện pháp buộc đeo khẩu trang nơi công cộng.
Tình hình dịch bệnh toàn cầu
Mỗi nơi lựa chọn cách ứng phó của riêng mình trước đại dịch. Trong khi vùng lãnh thổ Reunion thuộc Pháp hay vùng Catalonia của Tây Ban Nha đang áp đặt các biện pháp hạn chế mới, Bồ Đào Nha quyết định nới lỏng giãn cách xã hội từ ngày 1/8. Cửa hàng và nhà hàng sẽ được mở cửa lâu hơn, trong khi nhân viên có thể đến cơ quan làm việc.
Đợt bùng phát dịch mới đem đến thêm nhiều khó khăn cho ban tổ chức Olympic Tokyo. Hơn 200 ca mắc Covid-19 đã được ghi nhận trong số các vận động viên, quan chức, phóng viên và nhân viên hỗ trợ sự kiện.
Một số vận động viên lỡ cơ hội tranh tài tại Olympic do dương tính với Covid-19. Trong số đó có ngôi sao nhảy sào người Mỹ Sam Kendricks, người từng hai lần vô địch thế giới, cũng như hai tay golf nổi tiếng Jon Rahm và Bryson DeChambeau.
Jon Rahm đang là tay golf số một thế giới, trong khi Bryson DeChambeau là nhà vô địch giải golf danh giá Mỹ mở rộng 2020.
Hôm 29/7, Nhật Bản lần đầu ghi nhận hơn 10.000 ca mắc mới Covid-19 trong 24 giờ. Lệnh tình trạng khẩn cấp, vốn chỉ được áp đặt tại thủ đô Tokyo, sẽ được mở rộng tại 4 tỉnh lân cận.
“Đây là tình trạng tồi tệ nhất từ trước đến nay”, ông Shigeru Omi, cố vấn của chính phủ Nhật Bản về đại dịch Covid-19, nói.
Tại Mexico, cơ quan thống kê quốc gia ghi nhận số ca tử vong do Covid-19 của nước này đã vượt quá con số 200.000, cao hơn 35% so với con số được chính phủ nước này công bố.
Tại Trung Quốc, biến thể Delta gây ra đợt bùng phát dịch mới ở nhiều thành phố. Nước này đang chạy đua để tiêm vaccine cho ít nhất 65% dân số trong năm 2021.
Tính đến nay, đại dịch Covid-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 4,1 triệu người trên toàn thế giới. Số ca tử vong cao nhất được ghi nhận tại Mỹ với hơn 612.000 người.
“Mọi người đang chết và sẽ chết. Đáng ra những người này không phải chết”, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói hôm 29/7.
Theo zingnews.vn
Liên kết website
Ý kiến ()