Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 17/11/2024 06:23 (GMT +7)
Nhớ mãi hương vị chè Hà Cối
Chủ nhật, 20/03/2022 | 15:03:04 [GMT +7] A A
Ngày cuối tháng 2, anh bạn cựu binh biên phòng gọi điện báo tin, vừa qua, đã tranh thủ ra Pò Hèn cùng đoàn đại biểu Đảng bộ, chính quyền phường Yên Thọ (TX Đông Triều), quê hương liệt sĩ Nguyễn Mạnh Hà, xạ thủ đại liên chốt Đồi Quế của Đồn 209 Pò Hèn xưa thắp hương tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ Pò Hèn đã hy sinh ngày 17/2/1979. Đồng thời, hẹn chúng tôi đến nhà anh cùng họp hành, gặp mặt ngày truyền thống Bộ đội Biên phòng (3/3)…
Chúng tôi cùng đến nhà anh bạn cựu binh chơi, anh phấn khởi khoe, sau 2 năm dịch Covid-19, không thể ra Pò Hèn thắp hương anh em đồng đội được. Năm nay, tranh thủ đội hình gọn nhẹ để đi ra Pò Hèn vào đúng ngày sương giá, rét đậm. Anh pha ấm trà mời chúng tôi nói: “Quà cho các ông đây”. Cầm chén trà nóng hổi trên tay, vừa thưởng thức hương vị của trà và nhắp một ngụm nhỏ, một cựu binh già bỏ chén trà xuống hỏi: Chè Hà Cối à? Hơn bốn chục năm rồi uống vẫn biết ngay!
Vì dịch Covid-19, mọi người cùng thống nhất, không tổ chức gặp mặt ngày truyền thống năm nay. Rồi câu chuyện của chúng tôi chuyển hướng về những kỷ niệm về ấm chè Hà Cối của hơn 40 năm về trước. Những ngày ấy, các Đồn Biên phòng 214 ở huyện Quảng Hà (nay tách ra huyện Hải Hà và huyện Đầm Hà) và 209, 210, 211 và 212 ở huyện Hải Ninh (nay là TP Móng Cái) đều ở trên lưng núi cao và xa xôi hẻo lánh. Kể cả ngoài Đồn 6 trên đảo Vĩnh Thực, Đồn 4 ở đảo Cái Chiên mỗi khi có anh em đến Hà Cối, mua được mấy ấm chè mang về để thưởng thức nhớ hương và vị của chè của đất miền Đông này. Bởi đã thành lệ, ngày đó, mỗi khi có anh em đi công tác thì đều có lời dặn chung: Về có ấm chè Hà Cối nhé!
Ấm chè Hà Cối ngày ấy là món quà quý của anh em đi công tác mang về cho đơn vị. Đó là, loại chè khô trông rất thô, sau khi pha chè, để ngấm và rót ra thì chén nước chè đục lờ lờ, có vị chát, đắng nhưng rất thơm, sau khi uống thì lại có vị ngọt thanh đọng lại nơi đầu lưỡi. Những ngày trước Tết Nguyên đán hồi đó, tuy có vài ấm chè Hà Cối được mang về, nhưng mọi người chỉ dám pha mấy cánh chè gãy vụn, gọi là chè cám để uống, còn lại gói kỹ, buộc chặt lại để dành đúng đến Tết mới được pha uống. Ngày đó, phụ cấp thì rất thấp, có ai đó mà được về phép dịp Tết, cũng chỉ có tiền mua được nửa lạng hoặc một lạng chè mang về quê uống Tết, chứ chẳng ai có tiền mua được đến cả nửa cân chè Hà Cối.
Tôi còn nhớ, hơn 40 năm về trước, ở Đồn 6 trên đảo Vĩnh Thực, có lần anh em ở Trung đoàn 771 đóng quân trên đảo lên đồn làm việc, đồng chí Đồn trưởng pha chè Hà Cối mời khách. Khách uống chè hết buổi làm việc vẫn cứ khen chè ngon và được nước, ngỏ lời xin một ấm chè mang về uống thì Đồn trưởng nói vui: Chè cấp cho đồn để tiếp khách, không được mang đi đâu uống (nhưng thực ra là cũng chẳng còn ấm chè nào tại đồn nữa).
Có lẽ, cũng vì nhớ hương và vị của chè Hà Cối xưa nên mỗi lần đi ra khu vực miền Đông về, qua khu vực xã Quảng Long (Hải Hà), nơi có Nông trường chè Đường Hoa xưa thì các cựu binh đều dừng bên đường quốc lộ 18 ngắm những đồi chè xanh ngút ngàn và ghé vào cửa hàng bán chè để được uống chén chè Hà Cối nóng bỏng tay của người bán chè pha mời khách, đồng thời mua một vài cân chè mang về. Vì trong ký ức của họ đều còn có một kỷ niệm sâu sắc về hương vị của chè Hà Cối một sản phẩm địa phương. Ngày ấy, mọi người đều gọi sản phẩm đó là chè Hà Cối. Chè Hà Cối nước và hương vị khác hẳn chè Ba Đình, Hồng Đào cao cấp hoặc chè đỏ Vân Hải (Vân Đồn).
Tìm hiểu cái tên Hà Cối, đó là một địa danh cổ xưa, thủ phủ huyện Quảng Hà ngày ấy. Một thị trấn nhỏ bên sông, nơi cửa biển, là trung tâm của huyện. Phố thị Hà Cối xưa sầm uất, mang một vẻ đẹp mộc mạc, gần gũi với những dãy nhà 2 tầng vững chắc, lợp ngói âm dương, cửa, sàn gác đều bằng gỗ đen bóng cũ kỹ. Năm 2001, sau khi tách huyện Quảng Hà ra thành hai huyện là Đầm Hà và huyện Hải Hà thì Hà Cối được mang tên thị trấn Quảng Hà, trung tâm của huyện Hải Hà ngày nay. Có lẽ, chè của người dân trồng và chế biến ở xã Quảng Long được mang lên chợ phố huyện để bán nên mọi người cứ mặc nhiên gọi tên là chè Hà Cối.
Thiên nhiên đã ưu ái cho vùng đất Hải Hà những quả đồi thoai thoải rộng lớn đầy nắng và gió, thổ nhưỡng màu mỡ, khí hậu ôn hòa, nguồn nước dồi dào để cây chè phát triển thành vùng sản xuất chè tập trung lớn nhất của tỉnh Quảng Ninh. Người Quảng Hà trước đây tự hào kể, cây chè được đưa vào trồng thử nghiệm tại xã Quảng Long từ năm 1965, sản vật quý giá là chè Đường Hoa, một thương hiệu chè đi vào lịch sử, qua quá trình khảo sát, lấy mẫu xác định chè Đường Hoa, xã Quảng Long được xếp thứ nhì toàn quốc, chỉ đứng sau chè Tân Cương (Thái Nguyên). Năm 1973, sản phẩm chè được phục vụ tại Hội nghị Pari cùng những hội nghị quan trọng trong cả nước.
Tìm hiểu về cây chè ở huyện Hải Hà mới biết được những thăng trầm đã trải qua, sau một cuộc “khủng hoảng” lớn ở giai đoạn 2013-2016, chè không tiêu thụ được, diện tích trồng chè suy giảm nghiêm trọng, đời sống người dân bấp bênh. Chính quyền, người dân và doanh nghiệp đã thực sự phải thay đổi tư duy, tìm hướng phát triển bền vững hơn cho cây chè. Sau cú “huých” đầu tư gần 4,5 tỷ đồng của huyện để vận động người dân và các doanh nghiệp cải tạo giống chè, sản xuất thâm canh, quy trình thực hành nông nghiệp tốt trong các khâu sản xuất, chăm sóc, thu hái chè, trong đó, làm điểm 20ha chè VietGAP, cải thiện mẫu mã bao bì, mã số mã vạch cho các sản phẩm chè Hải Hà tham gia Chương trình OCOP. Đến nay, việc tiêu thụ chè Hải Hà đã được cải thiện, các doanh nghiệp đã xuất được số lượng lớn sang các thị trường Nga, Trung Đông và Thổ Nhĩ Kỳ. Quan trọng hơn, chè Hải Hà đang từng bước có chỗ đứng trong thị trường trong nước, đặc biệt là sản phẩm chè O Long Hải Hà.
Với biết bao loại chè của các vùng miền như chè Thái Nguyên, chè Mộc Châu, chè Shan tuyết Hà Giang, rồi chè nhập ngoại của Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Sri Lanka… nhưng hương và vị của chè Hà Cối vẫn còn quyến rũ trong ký ức những chiến sĩ biên phòng đã gắn bó trên mảnh đất biên cương thời kỳ biên giới không bình yên cho đến bây giờ.
Chia tay, anh bạn cựu binh già đưa mỗi người lạng chè Hà Cối mà anh mới mua về, để cùng hồi tưởng lại ký ức và hương vị chè Hà Cối xưa.
Xuân Quảng
Liên kết website
Ý kiến ()