Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 01:23 (GMT +7)
Biến "ngoại lệ thành thông thường"
Thứ 6, 14/03/2014 | 09:46:35 [GMT +7] A A
Ngày 20-3, một cuộc hội thảo khoa học quốc tế lớn về phát triển mô hình đặc khu kinh tế sẽ được tổ chức tại tỉnh Quảng Ninh. Đây sẽ là diễn đàn để các cơ quan quản lý, các địa phương, doanh nghiệp, chuyên gia, học giả trong nước và quốc tế trao đổi các thông tin liên quan đến kinh nghiệm phát triển mô hình đặc khu kinh tế, khu kinh tế tự do trên khắp thế giới trong 30 năm qua - cơ hội để phát triển đặc khu kinh tế của Việt Nam.
Hiện nay, 3 khu vực Phú Quốc (Kiên Giang), Vân Phong (Khánh Hoà) và Vân Đồn (Quảng Ninh) đã được Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm mô hình Đặc khu hành chính - kinh tế. Tuy nhiên, về cơ chế phát triển cho các đặc khu này hiện vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau.
Một góc Vân Đồn. |
Theo quy hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt, đặc khu kinh tế Vân Đồn sẽ trở thành khu kinh tế tổng hợp và du lịch biển đảo chất lượng cao với tổng diện tích tương đương với quốc đảo Singapore. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã lập quy hoạch được 7/9 phân khu chức năng, và chuẩn bị cơ sở hạ tầng thiết yếu cho khu kinh tế Vân Đồn. Đặc khu này dự kiến sẽ được áp dụng những chính sách ưu đãi cao nhất hiện nay như khu kinh tế ven biển.
Tại huyện đảo Phú Quốc, các điều kiện hạ tầng cũng đang được hoàn thiện để đón đầu cơ hội mới như: Đã được nối lưới điện quốc gia, có sân bay lớn, mở nhiều đường bay mới, trên 200 dự án đầu tư dịch vụ đã được phê duyệt. Theo dự thảo đề án thành lập khu hành chính kinh tế đặc biệt Phú Quốc, nơi đây sẽ là trung tâm du lịch, nghỉ dưỡng, công nghệ, trung tâm tài chính - thương mại hiện đại của cả nước và khu vực.
Một số chuyên gia đặt vấn đề, nếu các đặc khu kinh tế chỉ dừng ở mức độ ưu đãi như cơ chế dành cho khu kinh tế ven biển hiện nay thì khó có thể phát triển vượt trội để tạo sự lan toả cho các vùng kinh tế khác. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, nếu đã xác định là đặc khu thì phải theo mô hình “nhà nước trong một nhà nước” mới có thể thành công.
Thực tế ở nước ta, sau 10 năm xây dựng và phát triển 15 khu kinh tế ven biển, nhưng đến nay vẫn chưa mang lại nhiều thành công và tạo sức lan toả cho các vùng kinh tế khác như kế hoạch ban đầu. Theo TS. Nguyễn Đình Cung, quyền Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nguyên nhân là do chưa xây dựng được cơ chế mang tính chất đột phá. Cơ chế lâu nay chỉ mang tính “ngoại lệ trong thông thường”, nghĩa là có ưu đãi nhưng không vượt quá mức thông thường. Nếu muốn thành công với đặc khu kinh tế thì phải biến “ngoại lệ trở thành thông thường”, tức phải có cơ chế mà trong thể chế thông thường không có. Và những cái “ngoại lệ” phải trở thành “thông thường”. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi về tư duy rất lớn. TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, cho rằng khi đã có chủ trương thành lập các đặc khu hành chính kinh tế thì cũng phải tạo lập những thể chế riêng, vượt trội hơn hẳn những cơ chế sẵn có mới hy vọng mang lại thành công cho mô hình kinh tế này bởi trần ưu đãi của Việt Nam về mặt thể chế so với thế giới còn rất thấp.
Để các đặc khu kinh tế phát triển, điều quan trọng đầu tiên là phải thu hút các nhà đầu tư chiến lược. Một số ý kiến đề xuất Chính phủ nên tổ chức gặp gỡ những nhà đầu tư lớn, có tiềm lực nhất thế giới, đặt vấn đề với họ, đề nghị họ nêu các yêu cầu cần đáp ứng. Từ đó, sẽ xem xét và quyết định đưa ra những quyết định phù hợp mô hình này theo nguyên tắc có lợi cho tất cả các bên, thu hút đầu tư tạo ra của cải.
Cần xác định nguồn lực phát triển cho các đặc khu là từ các nhà đầu tư chứ không chỉ Nhà nước. Muốn vậy, thể chế và cơ chế đó phải thực sự đột phá, đủ sức thu hút, không chỉ so với mức thông thường của Việt Nam mà phải so với cả thế giới, bởi nếu mức độ ưu đãi chỉ ngang bằng so với Thâm Quyến hay Dubai khó có thể cạnh tranh.
Cũng có ý kiến băn khoăn nếu đưa ra thể chế quá đột phá, liệu có quản lý được không? Kinh nghiệm thế giới cho thấy không cần phải quá lo lắng nếu như năng lực quản lý nhà nước được nâng lên. Hơn nữa, đây mới là bước thí điểm nên vẫn có thời gian điều chỉnh.
Sự xuất hiện quy định về đặc khu kinh tế trong bản Hiến pháp mới cho thấy tầm quan trọng của mô hình này trong chiến lược phát triển mới của đất nước. Vấn đề là chúng ta có sẵn sàng vượt qua những rào cản về tư duy để thực hiện thành công mô hình này?
Theo Sài Gòn giải phóng
Liên kết website
Ý kiến ()