Tất cả chuyên mục
Thứ Năm, 21/11/2024 20:39 (GMT +7)
Biến ngoại lệ thành thông thường
Thứ 6, 21/03/2014 | 13:59:08 [GMT +7] A A
Nói về xây dựng đặc khu kinh tế (ĐKKT) tại Việt Nam, hầu hết các nhà khoa học, các diễn giả đều cho rằng, Việt Nam đã đi chậm, đi sau so với thế giới rất xa. Bởi năm 1997 ý tưởng xây dựng các khu kinh tế mới được đề xuất tại Hội nghị Trung ương 4, Khóa VIII và đến nay cả nước có 18 khu kinh tế ven biển. Dù rằng thể chế ở các khu kinh tế này có vượt trội so với các khu công nghiệp nhưng vẫn chỉ tập trung vào các ưu đãi về thuế, tiền sử dụng đất... nên so với các khu kinh tế tự do trong khu vực và trên thế giới còn nhiều bất cập, không đủ sức cạnh tranh. Thể chế nào để xây dựng được một ĐKKT theo đúng nghĩa của nó, đảm bảo đủ sức cạnh tranh với các ĐKKT trên thế giới?
Mở rộng vùng bay cho Vân Đồn
Vận ngay tại KKT Vân Đồn, trong phiên thảo luận của nhóm 1 về Thể chế và hạ tầng kinh tế sáng 21- 3, PGS.TS Phạm Minh Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cho rằng: Rõ ràng xét về lợi thế cạnh tranh Vân Đồn đang sở hữu quá nhiều ưu thế nổi trội. Đó là, một quần đảo lớn nhất miền Bắc, KKT duy nhất nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang- một vành đai” kinh tế Việt- Trung, hợp tác liên vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, cầu nối ASEAN- Trung Quốc, Hành lang kinh tế Nam Ninh- Singapore, trong Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ Hà Nội- Hải Phòng- Quảng Ninh). Nằm trên tuyến đường hàng hải quốc tế sôi động của khu vực, nằm ở điểm giữa của tuyến đường biển Hạ Long- Móng Cái thông thương với các địa phương trong nước qua Quốc lộ 18A, 4B và thông qua đường biển đến với thế giới. Nếu đi theo đường biển từ cảng vạn Hoa hoặc cảng biển phía Bắc đảo Cái Bầu sẽ đến các cảng của đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 200 hải lý, Hồng Kông 580 hải lý và Singapore 1.300 hải lý, đây là khoảng cách mà các doanh nghiệp lữ hành coi là lý tưởng để mở các tuor du lịch đường biển quốc tế. Nếu tính theo khoảng cách hiện đại của đường hàng không thì từ Vân Đồn chỉ cần 1- 2 giờ bay là đến các trung tâm kinh tế, tài chính, du lịch của Trung Quốc và thủ đô của các nước trong khu vực Đông Nam Á và cũng chỉ tư 3- 4 giờ bay là có thể đến Bắc Kinh (Trung Quốc), Seuol (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Dubai (UAE).
Bí thư Tỉnh ủy Phạm Minh Chính trình bày những thể chế mới cho Vân Đồn. Ảnh: Đỗ Giang |
Tiềm năng, lợi thế là vậy nhưng khát vọng xây dựng một ĐKKT phát triển nhanh, bền vững, với nền sản xuất trình độ cao, hệ thống dịch vụ phát triển cao cấp, quản lý tinh gọn hiệu quả, an sinh xã hội ngày càng tốt hơn cho Vân Đồn đang cần rất nhiều những tham góp.
Và theo Bí thư Tỉnh ủy, 6 vấn đề lớn mà tỉnh Quảng Ninh đang băn khoăn cần có sự trao đổi, tham vấn, chia sẻ kinh nghiệm từ các nhà nghiên cứu, các nhà khoa học, các diễn giả. Thứ nhất là, xác định phát triển ngành nghề của ĐKKT Vân Đồn là gì? Theo định hướng quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt xây dựng Vân Đồn thành trung tâm du lịch biển đảo cao cấp có khu vui chơi giải trí phức hợp, có casino, có dịch vụ công nghệ truyền thông hiện đại, hệ thống tài chính, ngân hàng riêng nghĩa là Vân Đồn phải là một sân chơi tự do.
Thứ hai, thể chế cho ĐKKT này như thế nào để đạt được mục tiêu cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất? Bởi muốn bằng hoặc hơn so với các ĐKKT đã có trên thế giới, Vân Đồn cần có thể chế hành chính tinh gọn, hiệu quả, phù hợp với hiến pháp với điều kiện của Việt Nam nhưng phải phát triển được. Tỉnh Quảng Ninh đã nghiên cứu, đã trăn trở đưa ra 2 mô hình lựa chọn cho thể chế hành chính của Vân Đồn. Đó là, mô hình tổ chức chính quyền đô thị một cấp hành chính, tinh gọn bộ máy từ 33 đầu mối xuống còn 8 đầu mối, mô hình này đã được trao đổi nhưng vì khá mới, khá mạnh dạn so với thể chế quản lý chung của đất nước nên còn một số ý kiến chưa đồng tình. Hoặc là mô hình đô thị 2 cấp hành chính (bí thư kiêm chủ tịch khu), mô hình này nhận được nhiều sự đồng tình hơn mô hình trước và 2 cấp hành chính cũng chỉ có 8 cơ quan giúp việc.
Các đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo. Ảnh: Đỗ Giang |
Thứ ba, phát triển hạ tầng, Vân Đồn đang rất cần đường cao tốc, cần sân bay, tỉnh Quảng Ninh đã tính toán nếu đầu tư làm đường cao tốc sẽ cần khoảng 12.000 tỷ đồng, còn sân bay 7.000 tỷ đồng. Nếu theo bài toán kinh tế, trong bối cảnh nguồn lực hiện nay chắc chắn nhiều người sẽ chọn làm sân bay nhưng vì đã có rất nhiều ý kiến lo ngại về tình trạng “lạm phát” sân bay ở Việt Nam hiện nay. Hơn nữa xung quanh Vân Đồn đã có Cát Bi (Hải Phòng), Nội Bài (Hà Nội) liệu có cần phải làm sân bay ở đây nữa không? Điều mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh trăn trở đó là nếu làm đường cao tốc Quảng Ninh cũng vẫn chỉ loanh quanh trong tỉnh và ra xa hơn là đến Hà Nội, Hải Phòng, còn làm sân bay sẽ đưa Quảng Ninh đi khắp thế giới. Phải đặt trong mối liên hệ thế giới, trong xu thế toàn cầu hóa, hòa bình, hữu nghị, hợp tác, phát triển thấy rằng đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với xu thế thời đại.
Thứ 4, về hình thức đầu tư, khi xây dựng Đề án đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh xác định trong bối cảnh đầu tư từ ngân sách rất khó khăn muốn Vân Đồn phát triển hình thức đầu tư theo kiểu công- tư là lựa chọn số 1. Thứ 5, mô hình quản lý của ĐKKT Vân Đồn cũng phải là lãnh đạo công, quản trị tư và đầu tư công- quản lý tư. Thứ 6 về trao quyền cho Vân Đồn sao có đủ thẩm quyền quyết sách vấn đề của một mô hình ĐKKT.
Chớp cơ hội khi thiên thời đến
Trao đổi với các diễn giả, các nhà khoa học, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Gia Khiêm cho rằng: Việt Nam đã bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế chững và chậm lại, thời điểm buộc phải tìm ra những mô hình phát triển mới, tạo đột phá mới cho nền kinh tế, cho đất nước. Trong xu thế toàn cầu hóa, Việt Nam tích cực, chủ động hội nhập quốc tế, 15 đối tác chiến lược đều là những nền kinh tế hiện đại, hàng đầu thế giới và đây chính là cơ hội đối ngoại tốt nhất mà đất nước cũng như mỗi địa phương cần tận dụng, chớp thời cơ tìm mô hình mới cho sự phát triển. Cụ thể với Vân Đồn, ông Phạm Gia Khiêm cho rằng quan trọng là thể chế, đừng dùng những yếu kém trong công tác quản lý để áp dụng cho một mô hình mới, nếu muốn thành công với ĐKKT thì phải biến “ngoại lệ trở thành thông thường”, tức phải có cơ chế mà trong thể chế thông thường không có. Và những cái “ngoại lệ” phải trở thành “thông thường”. Điều này đòi hỏi một sự thay đổi về tư duy rất lớn.
Với những băn khoăn của các diễn giả về việc đầu tư xây dựng sân bay Vân Đồn có thể sẽ lại tiếp tục là lỗ, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng có thể giải mã bằng việc lấy cái lãi tổng thể bù cho cái lỗ cụ thể hay nói cách khác muốn đột phá phải lấy cái tổng thể cho cái cụ thể, đất nước muốn có những đột phá mới hãy lấy Vân Đồn làm nơi thể nghiệm.
Các đại biểu thảo luận bên lề Hội thảo. Ảnh: Đỗ Giang |
Chung quan niệm phải có đột phá, GS. Trang Tông Minh, Chủ nhiệm Trung tâm nghiên cứu kinh tế thế giới, Trường Đại học Hạ Môn (Trung Quốc) cho rằng xây dựng ĐKKT đầu tiên phải có quy hoạch, rồi có thu hút đầu tư nước ngoài nhưng phải giành sự ưu đãi vượt trội cả khu vực kinh tế trong nước, phải thể hiện thái độ hoan nghênh chào đón, hệ thống pháp luật phải được xây dựng chuẩn mực, đảm bảo vận hành đặc khu tốt nhất, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư, quốc gia. Đặc biệt nhấn mạnh vai trò tiên phong của hệ thống hạ tầng đường cao tốc, hệ thống cảng biển, sân bay để thực hiện kết nối tạo thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, GS Trang Tông Minh cho biết thêm kinh nghiệm của Trung Quốc khi xây dựng ĐKKT Hạ Môn đó là ưu tiên làm sây bay đầu tiên và đến nay sau hơn 20 năm sân bay này vẫn đang vận hành rất tốt, đem lại hiệu quả rất cao trong kết nối Hạ Môn với các vùng khác.
Còn với giáo sư Đào Nhất Đào xây dựng ĐKKT với Vân Đồn đó là thể chế đột phá, là biện pháp thu hút đầu tư và đừng biến các nhà đầu tư thành những người đãi vàng mà hãy bằng những thể chế tốt nhất, bằng hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để tạo môi trường thuận lợi nhất cho nhà đầu tư làm ra vàng lại đầu tư bằng vàng. Tỉnh Quảng Ninh đã rất khoa học, bài bản nghiên cứu, tìm tòi mô hình phát triển mới, việc lắng nghe, chọn lọc những kinh nghiệm trong xây dựng các ĐKKT của Trung Quốc và các nước để triển khai cho ĐKKT Vân Đồn.
GS.TS Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam nhấn mạnh: Xây dựng ĐKKT là cụ thể hóa 3 khâu đột phá chiến lược mà Trung ương Đảng, Chính phủ đã xác định. Vấn đề chỉ còn là xây dựng thể chế cho ĐKKT như thế nào để vừa phù hợp với chuẩn mực quốc tế, vừa tạo sự khác biệt nổi trội, tạo được niềm tin của nhà đầu tư.
Lan Hương
Liên kết website
Ý kiến ()