Kết quả giải trình tự gene các mẫu bệnh phẩm viêm kết mạc (đau mắt đỏ) tại TP HCM xác định virus coxsackie A24 chiếm 86% mẫu, chủng human adenovirus 54 chiếm 11% và human adenovirus 37 chiếm 3%. Trong đó, coxsackie A24 là biến thể thuộc nhóm enterovirus.
TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM, cho biết các loại virus này khác nhau về mức độ lây, còn về độ gây bệnh nặng đến nay chưa có bằng chứng khẳng định có sự khác biệt. Trong đó, enterovirus thường có độ lây lan mạnh hơn, gây nhiều trận dịch lớn trên thế giới.
Coxsackie A24 cùng với EV70 (cùng thuộc nhóm enterovirus) thường gây viêm kết mạc xuất huyết (AHC), là biểu hiện chủ yếu trong đợt bùng phát mắt đỏ hiện nay tại TP HCM. Hai tác nhân này từng gây trận dịch viêm kết mạc xuất huyết đầu tiên được báo cáo vào năm 1969 tại Ghana. Từ đó, nhiều trận dịch viêm kết mạc xuất huyết lần lượt được ghi nhận tại nhiều nơi trên thế giới.
Tại châu Á, coxsackie A24 ghi nhận lần đầu tại Singapore vào năm 1970, sau đó xuất hiện thành các trận dịch tại các nước khác, là tác nhân chính gây dịch viêm kết mạc xuất huyết tại tại Okinawa, Nhật Bản năm 2011. Năm 2014, nhóm enterovirus gây viêm kết mạc mắt xuất huyết tại Thái Lan với hơn 300.000 trường hợp nhiễm trong vòng 3 tháng.
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, cho biết tính chất của coxsackie A24 lây lan nhanh, gây dịch, trong khi một số tác nhân khác thường gây những ca đau mắt đỏ lẻ tẻ. Các nghiên cứu ghi nhận virus chứa nhân RNA như coxsackie A24 thường có tính lây lan nhanh hơn so với loại chứa nhân DNA như adenovirus - cũng là tác nhân gây đau mắt đỏ khá phổ biến.
"Viêm kết mạc xuất huyết không nguy hiểm hơn, song gây đỏ mắt nhiều, có thể tiết dịch hồng, khiến người bệnh lo lắng, khó chịu hơn. Bệnh đa số lành tính, có thể tự khỏi", bác sĩ nói. Coxsackie A24 vẫn có thể gây ra bệnh cảnh viêm kết mạc mắt nặng nhưng thường là cấp tính, một số rất ít trường hợp có thể phù giác mạc, trong khi tác nhân adenovirus có thể gây viêm giác mạc mạn tính, dẫn đến mù lòa.
Ý kiến ()