Tất cả chuyên mục
Thứ Hai, 23/12/2024 14:02 (GMT +7)
Bình Liêu: Gìn giữ nét đẹp các lễ hội truyền thống
Chủ nhật, 05/12/2021 | 10:53:38 [GMT +7] A A
Nhắc đến huyện miền núi biên giới Bình Liêu, người ta không chỉ nhớ về nơi có cảnh sắc thiên nhiên tươi đẹp, hùng vĩ, là điểm đến mới lạ trên bản đồ du lịch ở miền Bắc, mà còn ấn tượng bởi nét văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nơi đây thông qua nhiều lễ hội đặc sắc.
Huyện Bình Liêu có trên 96% dân số là đồng bào DTTS sinh sống, trong đó, chủ yếu là dân tộc Dao, Tày, Sán Chỉ... Mỗi dân tộc có tiếng nói, trang phục, phong tục, tập quán và những lễ hội riêng như hội đình Lục Nà, hội Kiêng gió, hội Soóng cọ và các ngày hội mới được tổ chức vài năm trở lại đây như hội hoa sở, hội mùa vàng.
Tại các lễ hội được tổ chức, huyện đều lồng ghép trưng bày, giới thiệu về di sản văn hóa của địa phương, về đặc trưng văn hóa như trang phục truyền thống, công cụ lao động sản xuất, nhiều nếp sinh hoạt, nghi lễ của đồng bào.
Cuối tháng 11 vừa qua, tại chương trình nghệ thuật khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch và Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2021, lần đầu tiên lễ thôi nôi của dân tộc Tày đã được tái hiện trên sân khấu một cách chân thực, sinh động.
Nghệ nhân dân gian Việt Nam Hoàng Thị Viên (thị trấn Bình Liêu), chia sẻ: Lễ thôi nôi - lễ tổ chức khi đứa trẻ ra đời tròn một tháng tuổi, đây là lễ thức đầu tiên trong chu kỳ vòng đời của con người nên được bà con người Tày chuẩn bị rất chu đáo, công phu. Từ đây, gửi đến những thông điệp đầy tính nhân văn về con người, cuộc sống, ghi dấu ấn về những nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của dân tộc Tày nói riêng và vùng đất Bình Liêu nói chung.
Ngoài ra, cùng với việc tổ chức không gian vui chơi, giao lưu các trò chơi, các môn thể thao dân tộc, Bình Liêu cũng vận dụng linh hoạt di sản văn hóa dân tộc vào các hoạt động thể thao hiện đại như việc tổ chức giải bóng đá nữ dân tộc Sán Chỉ xã Húc Động đã tạo sự cuốn hút và lan tỏa lớn trong nhân dân và du khách.
Ông Tô Đình Hiệu, Phó Giám đốc Trung tâm Truyền thông - Văn hóa huyện Bình Liêu, cho biết: Đến nay, trên địa bàn đã thành lập và duy trì 21 CLB văn nghệ quần chúng với hơn 300 hội viên. Thành viên các CLB là nòng cốt thường xuyên tham gia các sự kiện, ngày hội, lễ hội, vì vậy tất cả những trò chơi dân gian, tiết mục văn nghệ, dân ca, hay các nghi thức thực hành trong các lễ hội đều do chính đồng bào các dân tộc tự đảm trách, thể hiện. Nhờ đó, đã tạo được tính chân thật, gần gũi, cũng như không khí thiêng liêng vốn có của lễ hội. Cấp ủy, chính quyền địa phương trong những năm qua luôn tạo điều kiện, hỗ trợ về vật chất, phương tiện để nhân dân tổ chức, tham gia các hoạt động lễ hội một cách văn minh, an toàn, gìn giữ, phát huy tốt nhất bản sắc văn hóa truyền thống.
Chính sự đa dạng, phong phú về văn hoá đã mang lại cho Bình Liêu một nguồn tài nguyên giá trị về văn hoá vật thể, phi vật thể nhất là các lễ hội đặc sắc, tạo dấu ấn riêng có cần được tiếp tục bảo tồn và phát triển.
Trên cơ sở đó, huyện Bình Liêu đã xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc huyện Bình Liêu giai đoạn 2020-2030. Trong đó, tập trung ưu tiên phát triển văn hoá các DTTS, tạo điều kiện cho cộng đồng dân tộc tự bảo vệ và phát huy di sản văn hoá dân tộc. Qua đó, không chỉ góp phần gìn giữ, giáo dục cho người dân địa phương về văn hóa truyền thống mà còn giới thiệu, quảng bá sâu rộng về hình ảnh vùng đất, con người Bình Liêu, tạo tiền đề cho việc phát triển du lịch văn hóa mạnh mẽ trong thời gian tới.
Duy Khoa
- Lan toả sức sống các lễ hội
- Duyên dáng các cô gái Sán Chỉ
- Lễ hội Văn hóa, thể thao dân tộc Sán Chỉ - Mùa vàng miền Soóng cọ năm 2021
- Hội đình làng biển
- Lễ hội Đình - Nghè Cẩm Hải năm 2021
- “Lễ hội Bạch Đằng nếu chỉ chìm đắm trong chiến thắng thôi thì chưa đủ…”
- Lễ hội đua ngựa Bắc Hà trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia
Liên kết website
Ý kiến ()