Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 19:50 (GMT +7)
Bình Liêu: Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân
Thứ 2, 06/03/2023 | 14:33:51 [GMT +7] A A
Năm 2022, với sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, huyện Bình Liêu đã hoàn thành mục tiêu đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Đây chính là cơ sở, tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục bứt phá, hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH trong năm 2023, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.
Đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội
Trong những năm qua, cùng với mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, huyện Bình Liêu còn tập trung ưu tiên phát triển văn hóa, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống của người dân địa phương. Bám sát chủ trương, định hướng của tỉnh, đặc biệt, sau gần hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh “Về phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” đã mang lại nhiều kết quả, tác động tích cực đến đời sống của người dân.
Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU gắn với chương trình xây dựng NTM, huyện đã chủ động bố trí các nguồn lực từ ngân sách nhà nước và các nguồn huy động hợp pháp khác, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt trong công tác đảm bảo an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng đời sống nhân dân từng bước được cải thiện rõ rệt.
Nổi bật, năm 2022, huyện đã đẩy mạnh thực hiện hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo với 171 hộ đăng ký và cam kết xây nhà ở trong năm. Đến nay, đã khởi công 100% số hộ đăng ký với 162 hộ đã xây xong, 9 hộ đang xây dựng; có 1.181 hộ đăng ký và cam kết xây nhà tiêu hợp vệ sinh, đã có 856 hộ hoàn thành và 149 hộ đang thực hiện. Hết năm 2022, toàn huyện có 385 hộ thoát nghèo, 1.091 hộ thoát cận nghèo. Tỷ lệ nghèo đa chiều của huyện theo tiêu chí nông thôn mới giảm còn 1,19%.
Cùng với đó, huyện tiếp tục triển khai thực hiện tốt các chính sách đảm bảo an sinh xã hội cho đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng sâu, vùng xa, các đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; thực hiện chi trả cho đối tượng đảm bảo xã hội đầy đủ, kịp thời, đúng quy định.
Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được huyện quan tâm chỉ đạo triển khai đồng bộ. Trong đó, công tác phòng chống dịch Covid-19 tiếp tục được thực hiện nghiêm túc. Đồng thời, tăng cường thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng dân số, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số thông qua việc vận động các gia đình khám sức khỏe tiền hôn nhân, sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh, không lựa chọn giới tính thai nhi; chính sách pháp luật về phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống…
Quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đề ra
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Thực hiện chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh về “Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống nhân dân”, huyện Bình Liêu đã đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, xác định rõ nội dung trọng tâm, phân công trách nhiệm cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, địa phương; đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu từ huyện đến cơ sở, nhằm thống nhất nhận thức, chuyển biến mạnh bằng những hành động cụ thể của các cấp, ngành, tổ chức, cá nhân, đội ngũ CBCCVC và nhân dân. Qua đó, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống vật chất và văn hóa tinh thần của nhân dân.
Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023 đề ra các chỉ tiêu kinh tế cụ thể: Tốc độ tăng giá trị sản xuất đạt trên 13%, tổng vốn đầu tư phát triển tăng trên 10%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng 10%, thu nội địa tăng trên 10%. Về các chỉ tiêu xã hội gồm: Giải quyết việc làm mới cho 600 lao động trở lên, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 83,1%; phấn đấu không còn hộ nghèo, không để tái nghèo và phát sinh hộ nghèo, hộ cận nghèo giảm 0,17% (13 hộ) theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025; tỷ lệ tham gia BHYT đạt 97,6%...
Để hiện thực hóa các nhiệm vụ với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, UBND huyện đã ban hành chương trình hành động số 236/Ctr-UBND ngày 30/1/2023 thực hiện Nghị quyết số 12-NQ/TU ngày 28/11/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Nghị quyết số 10-NQ/HU ngày 12/12/2022 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện về nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2023. Theo đó, huyện tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng KT-XH gắn với thực hiện chương trình xây dựng NTM, chương trình giảm nghèo bền vững.
Trong đó, tập trung sớm hoàn thành dự án động lực: Cải tạo, nâng cấp hệ thống tràn vượt lũ trên địa bàn huyện Bình Liêu (giai đoạn 1); cải tạo, nâng cấp đường liên xã Húc Động - Đồng Văn - Cao Ba Lanh kết nối đến QL18C; xây dựng Trường THPT Bình Liêu... Đồng thời, phát triển hạ tầng NTM, nhất là tại vùng sâu, vùng khó khăn, đáp ứng yêu cầu xây dựng NTM nâng cao.
Trong lĩnh vực nông nghiệp, huyện chỉ đạo tổ chức hiệu quả Đề án Tái cơ cấu sản xuất ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản trên địa bàn huyện Bình Liêu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, phát triển mô hình “Liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm” nhất là đối với chương trình OCOP.
Về lĩnh vực du lịch, dịch vụ, huyện sẽ phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc thông qua việc khai thác hiệu quả giá trị văn hóa truyền thống, cảnh quan thiên nhiên; thu hút đầu tư phát triển du lịch thế mạnh (du lịch cộng đồng, sinh thái, nông nghiệp…). Đặc biệt, triển khai thực hiện Đề án phát triển du lịch bền vững gắn với giảm nghèo và phát triển KT-XH huyện Bình Liêu đến năm 2030 và các giải pháp trong phương án của tỉnh về thúc đẩy phát triển du lịch dọc tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái.
Huyện sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án hạ tầng trong Khu kinh tế cửa khẩu Hoành Mô - Đồng Văn theo quy hoạch, phát huy cặp cửa khẩu song phương Hoành Mô - Động Trung (sau khi được công nhận) nhằm thúc đẩy phát triển thương mại, đô thị biên giới.
Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược thông qua việc huy động các nguồn lực, đa dạng hình thức đầu tư, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, thúc đẩy liên kết nội vùng; phát triển giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ứng dụng KHKT, thúc đẩy chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển doanh nghiệp…
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()