Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 12:24 (GMT +7)
Bình Liêu ngày mới
Thứ 7, 01/02/2020 | 10:27:16 [GMT +7] A A
Trong những ngày cuối năm 2019, huyện Bình Liêu (Quảng Ninh) đã tổ chức Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập (26/12/1919 - 26/12/2019) và 70 năm giải phóng huyện (25/12/1950 – 25/12/2020). Trong quãng đường xây dựng và phát triển, Đảng bộ, nhân dân Bình Liêu đã luôn kiên định với đường lối đổi mới của Đảng và luôn cần cù, bền bỉ, sáng tạo trong lao động sản xuất, xây dựng quê hương ngày càng văn minh, bình yên và phát triển, góp phần sự lớn mạnh chung của tỉnh.
Chiến thắng giặc nghèo
Đồng chí Dương Mạnh Cường, Bí thư Huyện ủy, động viên một hộ dân ở thôn Khe Lánh xã Vô Ngại vươn lên thoạt nghèo.Ảnh: Hoàng Gái (CTV) |
Thời phong kiến, khi thực dân Pháp chưa xâm lược Việt Nam, Bình Liêu gồm hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên của châu Tiên Yên, thuộc phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên. Năm 1883, thực dân Pháp đánh chiếm tỉnh Quảng Yên, và sau đó chiếm huyện Bình Liêu, từng bước tiến hành củng cố ách thống trị của chúng. Năm 1919 phủ toàn quyền Pháp ra nghị định tách hai tổng Bình Liêu và Kiến Duyên khỏi châu Tiên Yên, lập thành châu Bình Liêu. Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, chính quyền cách mạng Bình Liêu được thành lập, châu Bình Liêu được đổi tên thành huyện Bình Liêu, gồm 7 đơn vị hành chính cấp xã (Đồng Văn, Hoành Mô, Đồng Tâm, Lục Hồn, Tình Húc, Vô Ngại, Húc Động). Ngày 25/12/1950 huyện Bình Liêu hoàn toàn được giải phóng. Đây là bước ngoặt lịch sử quan trọng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược mà Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã giành được. Ngày 25/12/1950 trở thành một mốc son lịch sử trong trang sử chói lọi, hào hùng chống giặc ngoại xâm của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc huyện Bình Liêu.
Thực hiện đường lối đổi mới của Đảng từ năm 1986 đến nay, với sự nỗ lực, đoàn kết phấn đấu của cán bộ, đảng viên, quân và dân các dân tộc, sự quan tâm, giúp đỡ có hiệu quả của Trung ương và tỉnh Quảng Ninh, diện mạo của huyện đã có sự thay đổi tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Từ một huyện nghèo, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Bình Liêu đã vươn mình với những bước phát triển lớn lao. Đặc biệt, cái nghèo ám ảnh cuộc sống người dân trong mấy thập kỷ đã được xóa bỏ, người dân Bình Liêu tự tin sánh vai, hòa nhập với sự thay đổi trên khắp đất nước.
Đồng chí Dương Mạnh Cường, Bí thư Huyện ủy, cho biết: “Cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới thì công tác giảm nghèo đã được các cấp ủy đảng của huyện chỉ đạo, lãnh đạo triển khai quyết liệt. Và đây cũng là 2 lĩnh vực đạt được nhiều thành tựu nhất trong nhiệm kỳ qua”. Các cấp uỷ đảng từ huyện đến xã, thị trấn đã quan tâm, chỉ đạo thực hiện, đưa chỉ tiêu giảm nghèo, giảm cận nghèo vào nghị quyết của Đảng; gắn công tác giảm nghèo với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên.
Thực hiện phương châm “Trao cần câu hơn cho con cá”, huyện đã sử dụng hiệu quả các nguồn vốn từ các chương trình như 135, chương trình giảm nghèo để hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, hỗ trợ tín dụng, hướng nghiệp, đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo. Tổng nguồn vốn Chương trình 135 (Đề án 196) gắn với Chương trình Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 là 556 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng so giai đoạn 2011-2015. Đồng thời, ưu tiên nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông và các công trình thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh. Nhờ đó, từ một huyện nghèo với Tỷ lệ hộ nghèo vào đầu năm 2016 là 44,31% đầu năm 2016 đến năm 2020, dự kiến chỉ còn 3,59%.
Thành công lớn nhất của công tác giảm nghèo ở Bình Liêu là đã nâng cao nhận thức, trách nhiệm về xóa đói giảm nghèo của các cấp, các ngành và của người dân. Công tác giảm nghèo đã phát triển sâu rộng với sự tham gia phối hợp chặt chẽ, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở; tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước đã dần đẩy lùi. Huyện đã cân đối ngân sách, bố trí kinh phí biểu dương, tặng giấy khen cho 1.233 hộ nghèo thoát nghèo tiêu biểu tại hội nghị tổng kết giảm nghèo của huyện và các xã, thị trấn.
Đồng chí Trịnh Văn Duyệt, Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy, vận động một gia đình ở thôn Khe O, xã Lục Hồn vươn lên thoát nghèo. Ảnh: La Lành (CTV) |
Vững bước đi lên
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng trăm năm hình thành và phát triển của vùng đất Bình Liêu, đồng bào các dân tộc anh em cùng sinh sống trên mảnh đất này luôn cần cù trong lao động, sản xuất; sáng tạo trong lao động nghệ thuật; anh dũng trong chống giặc ngoại xâm; kiên trì, bền bỉ trong công cuộc xây dựng đất nước. Nhờ đó, huyện đã đạt nhiều thành tựu trong phát triển. Hiện tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm của huyện đạt trên 13%; thu nhập đầu người năm 2019 đạt 36 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng du lịch, dịch vụ, tổng thu ngân sách nhà nước năm 2019 đạt mức 240 tỷ đồng.
Những thành tựu đạt được trong 100 năm qua chính là sự tiếp nối, phát huy truyền thống vẻ vang, là sự vận dụng sáng tạo đường lối của Trung ương, của tỉnh vào điều kiện cụ thể của Bình Liêu. Để có được thành tựu như ngày hôm nay, huyện Bình Liêu luôn dựa vào sức dân, phát huy trí tuệ và sức sáng tạo của nhân dân để xây dựng và củng cố tổ chức Đảng, chính quyền, đề ra các chủ trương, giải pháp lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị. Các cấp ủy trong huyện thường xuyên tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm kết quả thực hiện, đề ra nhiệm vụ và giải pháp thực hiện. Các kỳ sơ kết, tổng kết công tác xây dựng Đảng, các nghị quyết, kết luận chuyên đề về lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội đều đánh giá rõ thực trạng, đưa giải pháp hiệu quả và kịp thời biểu dương, nhân rộng những điển hình, mô hình, cách làm hay.
Mô hình nuôi gà bán công nghiệp đã giúp anh La Ngọc Trung (thôn Bản Tạt, xã Lục Hồn) chẳng những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu chính đáng. |
Mô hình trồng ổi đã giúp gia đình bà Trần Thị Sủi ở thôn Ngàn Mèo Dưới xã Lục Hồn vươn lên thoát nghèo. |
Đồng chí Dương Mạnh Cường cho biết: Thời gian tới, Đảng bộ huyện tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của nhân dân thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, thực hiện thắng lợi các mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Huyện Bình Liêu phấn đấu đến năm 2025, không có nhà tạm, nhà dột nát; mức giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân trên 1,5-2%/năm (theo tiêu chí mới). Hằng năm, tạo việc làm mới cho trên 400 lao động, tỷ lệ lao động đã qua đào tạo đến năm 2025 đạt khoảng 75-80%; phấn đấu đến năm 2025 không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; 100% số xã, 80/97 thôn đạt chuẩn nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.
Với quyết tâm cao của toàn đảng bộ và sự nỗ lực của người dân, huyện Bình Liêu sẽ tiếp tục đạt được những kết quả tích cực, nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, nhận thức của cả hệ thống chính trị và người dân và góp phần cải thiện đời sống của bà con nhân dân vùng đồng bào dân tộc, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn miền núi và thành thị.
Huỳnh Đăng
[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()