Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 17:22 (GMT +7)
Bình Liêu: Phát huy thế mạnh du lịch mùa thu đông
Thứ 4, 09/11/2022 | 09:42:29 [GMT +7] A A
Với lợi thế về cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hoang sơ cùng nhiều nét văn hóa truyền thống còn được lưu giữ, huyện Bình Liêu có điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển du lịch cộng đồng. Huyện đã và đang tạo ra những sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo, thu hút du khách, từng bước xây dựng thương hiệu điểm đến an toàn, thân thiện, hấp dẫn.
Rộn ràng Hội Mùa vàng
Mùa thu đông ở Bình Liêu là mùa đẹp nhất trong năm ở mảnh đất miền núi biên giới này. Thu đến, Bình Liêu được nhuộm trong sắc vàng óng của những thửa ruộng bậc thang mùa lúa chín, hòa trong sắc trắng muốt lãng mạn của cỏ lau nở dọc triền đồi, sườn núi, trải dài theo cung đường tuần tra biên giới và đầy sức sống trong sắc xanh bạt ngàn của rừng hồi, rừng quế… Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tươi sáng, khoáng đạt làm mê đắm lòng người.
Đến Bình Liêu vào mùa thu đông, du khách không chỉ được tận hưởng bầu không khí trong lành, cảnh sắc miền núi đẹp nên thơ, bình yên và dịu dàng, mà còn được hòa mình vào ngày hội mùa vàng rộn ràng cùng đồng bào dân tộc, trải nghiệm những nét văn hóa truyền thống đặc sắc và những sản phẩm du lịch độc đáo của Bình Liêu. Chắc chắn đó sẽ là một chuyến đi đầy thú vị, nhiều dấu ấn và kỷ niệm đẹp về một vùng đất biên giới Đông Bắc giàu bản sắc văn hóa đối với mỗi du khách.
Chị Vũ Ánh Tuyết (du khách Hà Nội) chia sẻ: Đây là lần đầu tôi đến Bình Liêu. Cảnh đẹp của ruộng lúa chín, của đồi cỏ lau và sống lưng khủng long vượt ngoài sức tưởng tượng của tôi. Văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc nơi đây rất độc đáo; các bà, các chị khoác lên mình những bộ trang phục dân tộc rực rỡ sắc màu rất đẹp; những món bánh truyền thống, gà bản, cá suối, xôi nếp lá gừng rất ngon.
Sau thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm 2022 Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu đã được tổ chức quy mô hơn với chuỗi các hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc, như: Chương trình nghệ thuật khai hội “Bản tình ca mùa vàng”, nghi lễ mừng cơm mới; chung kết Hội thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất Bình Liêu năm 2022”; Giải bóng đá nữ các dân tộc huyện Bình Liêu; các hoạt động văn hóa, thể thao, trò chơi dân gian; trải nghiệm gặt lúa trên ruộng bậc thang; tái hiện nghi lễ đám cưới của người Sán Chỉ…
Đặc biệt, festival dù lượn “Bay trên mùa vàng Bình Liêu 2022” lần đầu tiên được tổ chức với quy mô toàn quốc, quy tụ trên 150 phi công đến từ các CLB dù lượn trong cả nước tham gia, đã mang đến một sản phẩm du lịch mới mẻ, độc đáo và ấn tượng cho du khách khi đến Bình Liêu.
Anh Đỗ Văn Tiệp (CLB dù lượn Nha Trang) hào hứng chia sẻ: Đã từng bay dù lượn tại rất nhiều điểm bay đẹp trong nước, song chuyến bay trải nghiệm đầu tiên tại núi Cao Xiêm (xã Lục Hồn) cho tôi rất nhiều cảm xúc. Đây là một trong những điểm bay lý tưởng bay dù cả 4 mùa trong năm. Cùng với cảnh đẹp thiên nhiên hùng vĩ, tôi tin rằng bay dù lượn ở Bình Liêu sẽ trở thành một sản phẩm du lịch ấn tượng, hấp dẫn du khách.
Nối tiếp Hội Mùa vàng, tháng 12 tới đây, Hội hoa Sở sẽ tiếp tục mang đến những hoạt động đặc sắc thu hút du khách, như: Giải đua xe đạp phong trào; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, trò chơi dân gian; gian hàng giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương; triển lãm ảnh đẹp về thiên nhiên, văn hóa, con người Bình Liêu; đêm lửa trại thanh niên…
Hướng tới sự phát triển bền vững
Xác định rõ tiềm năng, cơ hội lớn cho phát triển du lịch địa phương, từ năm 2014, huyện đã quyết liệt chỉ đạo công tác phát triển du lịch trên địa bàn; xây dựng Quy hoạch phát triển du lịch huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 và Đề án bảo tồn giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, làm định hướng, cơ sở phát triển du lịch bền vững.
Huyện đang đẩy nhanh hoàn thành điều chỉnh, bổ sung, tiếp tục đề nghị UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Du lịch bền vững gắn với phát triển kinh tế - xã hội huyện Bình Liêu đến năm 2030”; đề nghị cấp có thẩm quyền ban hành chính sách thực hiện Đề án giai đoạn đến năm 2025. Đồng thời, hoàn thành các đề án, dự án du lịch trọng tâm: Đề án bản văn hóa người Tày gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại Lục Hồn; Dự án tôn tạo, tu bổ, phát huy giá trị di tích danh lam thắng cảnh thác Khe Vằn; xây dựng Quy hoạch tổng thể phát triển di tích danh thắng ruộng bậc thang xã Lục Hồn… Huyện tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư vào du lịch, gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển của huyện.
Cùng với đó, huyện tăng cường công tác quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị của các di tích danh thắng trên địa bàn; đẩy mạnh đào tạo, phát triển nguồn nhân lực du lịch; quảng bá, truyền thông về du lịch Bình Liêu trên các kênh truyền hình, trang mạng xã hội uy tín, cập nhật hình ảnh dịch vụ, du lịch huyện trên các nền tảng du lịch thông minh…
Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh cho biết: Thời gian qua, huyện đã phối hợp với một số đơn vị du lịch để xây dựng các sản phẩm chuyên nghiệp, đồng bộ hơn. Việc truyền thông quảng bá và công tác đào tạo nhân lực du lịch đang đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển du lịch của địa phương. Huyện cũng tích cực phối hợp, hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp lữ hành thực hiện khảo sát, hình thành các sản phẩm du lịch mới cho đối tượng khách nước ngoài. Với những sản phẩm du lịch, dịch vụ hấp dẫn, tuyến cao tốc với Hạ Long - Móng Cái hoàn thành, hệ thống giao thông của huyện được nâng cấp đồng bộ đến các tuyến, điểm du lịch sẽ tạo ra bước đột phá cho du lịch huyện thời gian tới, đóng góp vào sự phát triển của tỉnh.
Nguyễn Dung
- Bình Liêu đón trên 21.000 lượt khách dịp Hội Mùa vàng 2022
- Chung kết hội thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất huyện Bình Liêu năm 2022"
- Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng Bình Liêu 2022”
- Khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch, Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2022
- Nghi lễ mừng cơm mới và khai mạc giải bóng đá nữ Hội Mùa vàng Bình Liêu 2022
- Những trải nghiệm không thể bỏ qua tại Hội Mùa vàng Bình Liêu 2022
- Ngắm mùa lúa vàng óng dọc triền núi Bình Liêu
Liên kết website
Ý kiến ()