Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 16:56 (GMT +7)
Tái cơ cấu nông nghiệp ở Bình Liêu
Thứ 6, 01/04/2022 | 15:28:23 [GMT +7] A A
Những năm qua, huyện Bình Liêu đã chủ động linh hoạt trong việc triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp phù hợp với điều kiện, lợi thế của địa phương. Qua đó, từng bước nâng cao năng suất, chất lượng, đời sống của người dân, góp phần giúp Bình Liêu về đích huyện nông thôn mới theo đúng lộ trình đề ra.
Với 18.000ha rừng phòng hộ, 22.000ha rừng sản xuất, chiếm trên 87% diện tích đất tự nhiên toàn huyện, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã đẩy mạnh khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi các giống cây trồng phù hợp với đặc thù địa phương và cho hiệu quả kinh tế cao thay thế cho diện tích trồng keo như: Hồi, quế, sở, thông... Đến nay, người dân trên địa bàn đã mạnh dạn phát triển kinh tế từ rừng, tích cực tham gia sản xuất lâm nghiệp với những mô hình hiệu quả, mang lại thu nhập cao. Trong khoảng 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm, thu nhập từ rừng đã giúp hằng trăm hộ dân trên địa bàn huyện thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của địa phương.
Chị Chíu Thị Phương, thôn Kéo Chản, xã Đồng Tâm, chia sẻ: Nhận thấy cây quế, hồi phù hợp với địa hình, khí hậu và có hiệu quả kinh tế cao, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn để chuyển đổi 4ha trồng keo cũ sang trồng quế, hồi. Đến nay, rừng hồi, quế của gia đình tôi đang phát triển rất tốt. Ngoài ra, tôi cũng thu mua hoa hồi, quế của bà con trong thôn và các thôn lân cận để phơi khô rồi đem bán. Tính trung bình mỗi năm, thu nhập của gia đình từ nguồn cây hồi, quế được trên 100 triệu đồng.
Không chỉ trồng, khai thác sản lượng lâm sản đơn thuần, nhiều hộ dân trên địa bàn đã ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chế biến lâm sản, sản xuất sản phẩm OCOP Bình Liêu như dầu sở, các loại tinh dầu tự nhiên hồi, quế... Đồng thời, gắn phát triển rừng với phát triển du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm.
Cùng với trồng rừng, huyện Bình Liêu cũng tập trung chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với đặc thù của địa phương, gắn với thị trường tiêu thụ. Trên cơ sở này, huyện đã xây dựng quy hoạch phát triển vùng trồng tập trung như: Vùng trồng cây dược liệu, trồng dong riềng, cây sở... Đồng thời, huyện có cơ chế hỗ trợ giống cho các hộ dân ở những thôn, bản đặc biệt khó khăn, các tổ chức, hộ gia đình trồng dong riềng, dược liệu được hỗ trợ bao bì, nhãn mác, mã số, mã vạch cho các sản phẩm tham gia chương trình OCOP... Nhiều diện tích vườn tạp, đất trồng lúa... kém hiệu quả đã được người dân Bình Liêu chuyển sang trồng các giống mới cho năng suất, hiệu quả cao, như: Cam, ổi, rau an toàn... đảm bảo phù hợp với thổ nhưỡng và gắn với nhu cầu của người tiêu dùng trong và ngoài huyện.
Cùng với đó, huyện Bình Liêu cũng chú trọng xây dựng và hình thành các khu chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hoá. Nếu như trước đây người dân chỉ chăn nuôi tự cung, tự cấp, nay nhiều hộ đã chuyển sang chăn nuôi theo quy mô gia trại, trang trại tập trung chuyên nghiệp. Nhiều hộ gia đình, hợp tác xã cũng đã tham gia tích cực vào triển khai các dự án như bảo tồn và phát triển giống gà Cao Sơn; dự án ứng dụng KHCN để cải tạo và phát triển đàn bò thịt... Đến nay, toàn huyện có trên 30 hộ thực hiện dự án chăn nuôi tập trung quy mô lớn theo hình thức gia trại chăn nuôi.
Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và có những chính sách khuyến khích phát triển kịp thời đã giúp cho kinh tế của huyện gắn với xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực. Đồng thời, thúc đẩy sản xuất phát triển gia tăng về quy mô, số lượng các sản phẩm, đảm bảo tính bền vững. Theo bà Lê Thu Hương, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Bình Liêu: Huyện chú trọng thực hiện nội dung phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của dân cư nông thôn; giảm nghèo gắn với thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Phát huy thành quả đạt được, trong thời gian tới, huyện Bình Liêu tiếp tục công tác tuyên truyền, triển khai Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp rộng rãi để người dân hiểu hơn; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư, chế biến trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá nông sản của huyện đến thị trường trong tỉnh và trong nước thông qua chương trình OCOP. Mặt khác, tăng cường công tác chuyển giao khoa học - kỹ thuật, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; tiếp tục rà soát các chính sách hỗ trợ liên quan ngành nông nghiệp... Qua đó, giúp nông nghiệp - nông dân - nông thôn của huyện đạt bước tiến mới, góp phần vào sự phát triển chung trên địa bàn.
Nguyễn Thanh
Liên kết website
Ý kiến ()