Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 15/01/2025 14:40 (GMT +7)
Bộ Công Thương kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine COVID-19 cho người bán hàng ngoài chợ
Thứ 5, 03/06/2021 | 22:13:45 [GMT +7] A A
Người bán hàng ngoài chợ là một trong số nhiều đối tượng được Bộ Công Thương kiến nghị đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine COVID-19.
Trong kiến nghị gửi Thủ tướng, Bộ Công Thương cho biết hiện nay, dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, một số siêu thị/hệ thống phân phối trong vùng dịch đã xuất hiện ca F0 đến mua sắm dẫn đến phải đóng cửa, ảnh hưởng tới nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu.
Trên cơ sở kiến nghị, đề xuất của Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam và các hệ thống phân phối lớn, Bộ Công Thương kiến nghị Thủ tướng xem xét chỉ đạo Bộ Y tế và các cơ quan liên quan chính thức bổ sung nhóm đối tượng là người lao động tại các hệ thống phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu (siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi…) và tại các chợ truyền thống, cửa hàng tạp hoá, cửa hàng kinh doanh các mặt hàng thiết yếu vào danh sách nhóm đối tượng do ngân sách Nhà nước hỗ trợ được ưu tiên tiêm vaccine phòng COVID-19.
“Việc bổ sung đối tượng này nhằm bảo vệ đối tượng có nguy cơ lây nhiễm cao do hàng ngày phải tiếp xúc với hàng triệu lượt khách hàng và bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá thiết yếu phục vụ người dân trong mọi cấp độ dịch bệnh”, Bộ Công Thương nhấn mạnh trong kiến nghị.
Bộ Công Thương cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch bệnh COVID-19, Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tại các địa phương đang có dịch khẩn trương sắp xếp, ưu tiên tiêm gấp vaccine phòng COVID-19 cho người lao động tại các cơ sở phân phối bán lẻ hàng hoá thiết yếu.
Trong năm 2021, Việt Nam sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine COVID-19
Thông tin từ Bộ Y tế sáng 3/6 cho biết, trong năm 2021 sẽ có hơn 120 triệu liều vaccine phòng COVID-19 có mặt tại Việt Nam.
Theo đó, ngoài AstraZeneca, Việt Nam đã đàm phán để có thêm vaccine của Moderna (5 triệu liều), Pfizer (31 triệu liều) và 20 triệu liều vaccine Sputnik V.
Cụ thể, ngày 2/6, Bộ Y tế đã đàm phán trực tiếp và đạt được thoả thuận mua 20 triệu liều vaccine Sputnik V của Nga.
Trước đó, vào tháng 5/2021, hãng Moderna đã ủy quyền cho một công ty phân phối 5 triệu liều cho Việt Nam. TP Hồ Chí Minh đề nghị được mua vaccine này. Bộ Y tế cũng cho biết, từ tháng 3/2021, Bộ đã đàm phán trực tiếp với hãng này, tuy nhiên hãng cho biết không có vaccine cung cấp trong năm 2021.
Với vaccine của Pfizer/BioNTech, Bộ Y tế đã làm việc với hãng về việc mua 31 triệu liều ngay từ tháng 10/2020, khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng. Ngày 20/5, Bộ ký hợp đồng, theo đó số vaccine này sẽ được cung ứng cho Việt Nam trong quý 3 (với 15,5 triệu liều) và quý 4 (với 15,5 triệu liều) của năm 2021.
Hiện Việt Nam đang dùng vaccine AstraZeneca, đã thực hiện tiêm hơn 1,1 triệu liều, trong đó có 31.177 người đã tiêm đủ 2 mũi. Riêng với loại vaccine này, ngay từ tháng 10/2020, Bộ Y tế đã đàm phán với tập đoàn AZ để đặt mua 30 triệu liều, ngay khi vaccine đang thử nghiệm lâm sàng. Lô vaccine AstraZeneca đầu tiên gồm 117.600 liều về Việt Nam vào ngày 24/2; lô thứ 2 về vào ngày 25/5 với 288.100 liều.
Cũng vào quý III năm 2020, Bộ Y tế đã đàm phán thành công 38,9 triệu liều vaccine COVID-19 thông qua nguồn Chương trình COVAX Facillity. Trong đó, lô thứ nhất với 811.200 liều đã về Việt Nam vào ngày 1/4. Lô thứ 2 gồm hơn 1,68 triệu liều đã về ngày 16/5.
Theo VTV.vn
Liên kết website
Ý kiến ()