Tất cả chuyên mục
Thứ Ba, 24/12/2024 01:52 (GMT +7)
Bộ máy và con người phải bố trí hết sức linh hoạt, phù hợp trong từng hoàn cảnh
Thứ 3, 01/02/2022 | 14:32:07 [GMT +7] A A
Nhân dịp đầu Xuân Nhâm Dần, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà đã dành cho phóng viên TTXVN cuộc trò chuyện gần gũi cùng những chia sẻ sau gần 10 tháng nắm giữ vai trò nữ “Tư lệnh” đầu tiên của ngành Nội vụ.
Đổi mới, sáng tạo, linh hoạt
Trả lời phỏng vấn TTXVN ngay sau khi được Quốc hội phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bà chia sẻ sẽ phải cố gắng, nỗ lực rất lớn, cùng tập thể Ban Cán sự đảng, lãnh đạo Bộ Nội vụ tiếp tục đưa sự nghiệp của ngành không ngừng phát triển. Khép lại một năm đầy biến động do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Bộ trưởng có thể đánh giá khái quát về những kết quả Bộ đã làm?
Năm 2021 - năm đầu thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030 và các kế hoạch 5 năm 2021-2025 trong bối cảnh đất nước gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng rất nặng nề của đại dịch COVID-19 với những thách thức chưa từng có trong tiền lệ, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với phương châm hành động “Kỷ cương, gương mẫu, đoàn kết, tinh thông, sáng tạo, hiệu quả”, Bộ, ngành Nội vụ đã vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2021.
Bộ tiếp tục có nhiều đổi mới, sáng tạo, linh hoạt, thích ứng nhanh với bối cảnh thực tiễn của đất nước, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương; đã chủ động quán triệt, thống nhất cao nhận thức và tập trung xây dựng, triển khai kịp thời chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và cụ thể hóa Nghị quyết số 01/NQ-CP, Nghị quyết số 02/NQ-CP, Nghị quyết số 50/NQ-CP của Chính phủ một cách khẩn trương, khoa học, nghiêm túc, có trọng tâm, trọng điểm; đồng thời, tích cực phối hợp các bộ, ngành, địa phương rà soát các quy định còn vướng mắc, bất cập trong thực tiễn để kịp thời tham mưu tháo gỡ khó khăn, bảo đảm sự thông suốt, gắn kết trong chỉ đạo, điều hành của Bộ, ngành Nội vụ.
Nhằm cụ thể hóa chủ trương, chính sách lớn theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng liên quan đến lĩnh vực của ngành, Bộ Nội vụ đã chủ trì xây dựng 3 dự án luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội 12 nghị quyết; trình Chính phủ ban hành 8 nghị định, 3 nghị quyết; trình Thủ tướng Chính phủ ban hành 6 quyết định, 4 chỉ thị và 1 công điện; ban hành theo thẩm quyền 5 thông tư, 4 văn bản hợp nhất. Trong đó có những văn bản rất quan trọng, như Nghị quyết số 76/NQ-CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021-2030, các Nghị định về tổ chức thí điểm chính quyền đô thị, về cải cách hành chính, cải cách chế độ công vụ, công chức; về tổ chức bộ máy hành chính và sự nghiệp công lập, tập trung đổi mới công tác quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới…
Toàn ngành đã tích cực phối hợp, tham mưu cho Hội đồng Bầu cử Quốc gia và chính quyền các cấp tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trong điều kiện dịch COVID-19. Ngay sau bầu cử, Bộ Nội vụ đã khẩn trương thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh và tập huấn nghiệp vụ cho đại biểu HĐND cấp tỉnh.
Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19, Bộ Nội vụ phối hợp với các địa phương tiếp tục thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019 - 2021 theo Nghị quyết 653 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tính đến hết năm 2021 cả nước đã giảm được 8 huyện và 561 đơn vị hành chính cấp xã; tích cực triển khai mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng; đồng thời thực hiện nhiều cơ chế, chính sách từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương.
Chúng tôi cũng chủ động tham mưu cho Chính phủ để trình Quốc hội thông qua Đề án cơ cấu tổ chức Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 bảo đảm mục tiêu tổ chức hợp lý các bộ đa ngành, đa lĩnh vực theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng: “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch”; kịp thời nghiên cứu, rà soát tham mưu Chính phủ ban hành Nghị quyết đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước nhằm khơi thông điểm nghẽn, bảo đảm quản lý thống nhất, thông suốt, phát huy vai trò chủ động, sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân người đứng đầu và tăng cường kiểm soát quyền lực.
Đáng chú ý, trong năm 2021, Bộ cùng các địa phương đã hoàn thành việc sắp xếp bên trong cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện, đã giảm được 7 sở; 1.140 đơn vị cấp phòng thuộc sở; 208 chi cục; 451 đơn vị cấp phòng thuộc UBND cấp huyện. Biên chế công chức giảm 10,01% (27.504 người); biên chế sự nghiệp giảm 11,67% (236.366 người); cán bộ, công chức cấp xã giảm 8,94% (20.883 người); số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố giảm 49,25% (423.872 người) so với năm 2015.
Chú trọng cải cách chế độ công vụ, công chức, năm 2021, ngành Nội vụ đã tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quản lý và sử dụng cán bộ, công chức, viên chức; rà soát xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ trong quản lý và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức theo vị trí việc làm, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ; đổi mới thực chất quản lý công chức, viên chức. Đặc biệt, đã rà soát, đề xuất Chính phủ cắt giảm chứng chỉ ngoại ngữ, tin học và chứng chỉ bồi dưỡng khác đối với công chức, viên chức, được dư luận hoan nghênh.
Một điểm đáng chú ý nữa là, năm 2021, lần đầu tiên Bộ Nội vụ phối hợp với một số bộ, ngành triển khai tổng điều tra kinh tế và điều tra cơ sở hành chính với quy mô lớn. Cuộc điều tra đã hoàn thành việc thu thập thông tin của 32.304 cơ sở hành chính, đạt 99,99% (giảm 7,23% so với năm 2017). Ngoài nguyên nhân giảm do thay đổi tiêu chí đơn vị hành chính, kết quả điều tra còn cho thấy hiệu quả từ nỗ lực sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy từ trung ương đến địa phương. Đây là những thông tin quý giá nhằm phục vụ yêu cầu quản lý của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…
Sớm cởi bỏ triệt để gánh nặng chứng chỉ bồi dưỡng
Bộ trưởng vừa đề cập đến việc đề xuất cắt giảm chứng chỉ trong tuyển dụng, sử dụng cán bộ, công chức, viên chức. Đây là vấn đề dư luận hết sức quan tâm và người tiền nhiệm của bà – nguyên Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cũng đau đáu với câu chuyện này khi trên nghị trường ông đã hứa sẽ xóa “gánh nặng” văn bằng, chứng chỉ. Cuộc “cách mạng” về bằng cấp này được thực hiện như thế nào, thưa Bộ trưởng?
Chúng ta đã nghe nhiều phàn nàn về gánh nặng văn bằng, chứng chỉ hay vấn nạn bằng giả do những yêu cầu về bằng cấp đặt ra trước đây trong công tác tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức. Có đại biểu Quốc hội ví việc tổ chức học, cấp các loại văn bằng, chứng chỉ như một “giấy phép con”, gây tốn kém tiền của và công sức cho công chức, viên chức. Đây là vấn đề tác động trực tiếp đến hàng triệu người và liên quan đến phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức, do đó, Bộ đã quyết tâm cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp, không cần thiết.
Thực hiện lời hứa trước cử tri và nhân dân cả nước, năm 2021, Bộ Nội vụ đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định 89/2021/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức, trong đó đã cắt giảm những chứng chỉ không phù hợp.
Cụ thể, chúng tôi đã đề xuất bỏ chứng chỉ ngoại ngữ của 74 ngạch công chức và 155 chức danh nghề nghiệp viên chức; chứng chỉ tin học của 74 ngạch công chức và 142 chức danh nghề nghiệp viên chức; giảm 61/64 chứng chỉ ngạch công chức; giảm 89/145 chứng chỉ chức danh nghề nghiệp. Qua đó, một mặt vừa giảm gánh nặng đối với công chức, viên chức; mặt khác đổi mới phương thức quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ, công chức đi vào thực chất, khoa học hơn. Đây là những đổi mới trong công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức, được dư luận xã hội đồng tình ủng hộ và đánh giá rất cao.
Bộ Nội vụ đã có văn bản đề nghị các bộ, ngành khẩn trương xây dựng, ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về tiêu chuẩn nghiệp vụ, chuyên môn các ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành được giao quản lý. Trong đó, đề nghị các bộ, ngành quy định chung 1 chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành (không chia theo hạng chức danh nghề nghiệp như trước đây) hoặc chứng chỉ hành nghề (nếu có).
Chúng tôi cũng đề nghị không yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ, tin học trong quy định về trình độ đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức. Bước đầu đã có một số bộ, ngành sửa đổi thông tư theo hướng này. Tôi hy vọng trong thời gian tới, các bộ, ngành sẽ đồng hành cùng Bộ Nội vụ sửa đổi các thông tư liên quan để sớm cởi bỏ triệt để gánh nặng chứng chỉ bồi dưỡng đối với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức.
Đột phá mạnh vào sắp xếp tổ chức bên trong
Có thể thấy, mặc dù là năm đầu nhiệm kỳ, và thực tế, mới nắm giữ vai trò “Tư lệnh” ngành Nội vụ được chưa đầy 10 tháng, bà đã chèo lái, đưa toàn ngành đạt những kết quả khá toàn diện với nhiều đổi mới, như đánh giá của Thủ tướng tại Hội nghị tổng kết ngành mới đây là “đổi mới rất nhanh và bám sát vào tình hình thực tiễn chứ không phải đổi mới một cách ngẫu hứng”. Bà có hài lòng với những kết quả đạt được?
Những kết quả đạt được trong năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng và rất đáng tự hào, song mới chỉ là bước đầu. Chúng ta không say sưa, ngủ quên trên chiến thắng, mà phải thẳng thắn nhìn nhận cả những hạn chế và dự báo về thời cơ, thách thức trong nước và quốc tế thời gian tới để kế thừa, phát huy, nhân lên nhiều hơn nữa những kết quả đã đạt được của năm 2021.
Tại hội nghị tổng kết ngành vừa qua, Thủ tướng đã chỉ ra rằng công tác xây dựng thể chế đã cố gắng nhưng so với thực tiễn vẫn còn lạc hậu, nhiều vấn đề thực tiễn đặt ra phải làm nhanh hơn nữa. Xây dựng thể chế trong ngành phải làm sao không cản trở mà phục vụ cho sự phát triển, phù hợp tình hình thực tế.
Điều này đòi hỏi Bộ Nội vụ phải bám sát Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, rà soát, nghiên cứu, tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới hệ thống thể chế, chính sách lĩnh vực, ngành Nội vụ phù hợp với yêu cầu kiến tạo, phát triển và quản trị của nền hành chính nhà nước các cấp, theo đúng yêu cầu của người đứng đầu Chính phủ “lấy mục tiêu lợi ích quốc gia, dân tộc, của nhân dân làm ưu tiên hàng đầu”, “đầu tư cho thể chế là đầu tư cho phát triển”.
Cùng với đó, Bộ sẽ khẩn trương thể chế hóa chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ tổ chức, cá nhân dám đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; hoàn thiện cơ chế phân cấp, phân quyền, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức hành chính nhà nước, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp, giao thoa, bỏ sót nhiệm vụ giữa cơ quan, tổ chức, gắn với cá thể hóa trách nhiệm cá nhân và kiểm soát quyền lực chặt chẽ, nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước thống nhất, đồng bộ.
Hiện nay, bộ máy bên trong của các bộ, ngành vẫn còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc, nhiều khâu trung gian. Bộ máy chúng ta vẫn là giải quyết các sự vụ nhiều hơn. Tới đây, chúng tôi sẽ đột phá mạnh vào vấn đề sắp xếp tổ chức bên trong của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ theo hướng tinh gọn bộ máy gắn với tăng cường hiệu lực, hiệu quả, tinh giản biên chế đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; tập trung đổi mới, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh tự chủ đơn vị sự nghiệp và xã hội hóa dịch vụ công theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW. Bộ máy và con người phải bố trí hết sức linh hoạt và phù hợp trong từng hoàn cảnh.
Nói chung, còn rất nhiều việc phải làm và tôi nghĩ mình vẫn phải quyết tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành toàn diện các nhiệm vụ được Đảng và Nhà nước giao trong năm 2022 và rộng ra là cả nhiệm kỳ Đại hội XIII.
Thời điểm đầu nhiệm kỳ, phải triển khai rất nhiều đề án, chương trình mới, khó, có lúc nào bà cảm thấy quá tải?
Nhìn vào khối lượng công việc Bộ Nội vụ được giao và thực hiện trong năm 2021, có thể nói, đây là một áp lực rất lớn. Là Bộ quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực, công việc khó và nhạy cảm, lại thực hiện nhiệm vụ chuyển tiếp giữa hai nhiệm kỳ, chuyển giao lãnh đạo trong bối cảnh chịu nhiều tác động từ ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch COVID-19, thì những kết quả đạt được là sự cố gắng rất lớn của tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành. Kết quả đó cũng bắt nguồn từ sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với Bộ, ngành Nội vụ; thể hiện tinh thần đoàn kết và trí tuệ của cán bộ, công chức, viên chức ngành Nội vụ và sự ủng hộ hết sức to lớn của nhân dân cả nước.
Tôi cho rằng, áp lực đi đôi với động lực. Trước yêu cầu đổi mới mạnh mẽ hiện nay đòi hỏi cá nhân tôi nói riêng và mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong toàn ngành nói chung phải nỗ lực không ngừng để đưa toàn ngành tiếp tục có những bước phát triển trong chặng đường sắp tới. Và tôi có một niềm tin vững chắc rằng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn ngành Nội vụ sẽ tiếp thêm cho tôi động lực để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Theo Theo Báo Tin tức
Liên kết website
Ý kiến ()