Tất cả chuyên mục
Thứ Tư, 25/12/2024 01:53 (GMT +7)
Bộ sưu tập nghìn tuổi giữa lòng di sản Vịnh Hạ Long
Chủ nhật, 26/02/2023 | 10:18:12 [GMT +7] A A
Không phải ai cũng biết về bộ sưu tập hiện vật quý bằng đá của người Việt cổ, có niên đại hàng nghìn năm tuổi được bố trí, trưng bày và giới thiệu trên Vịnh Hạ Long. Hành trình của hiện vật tại các điểm của di sản còn nhân lên nhiều lần giá trị của chúng.
Tôi nhớ trước đây bộ sưu tập hiện vật quý này từng được trưng bày ở Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn. Và cuối năm 2022, khi những du khách quốc tế đã dần trở lại Vịnh Hạ Long, bất ngờ chúng tôi gặp lại bộ hiện vật này được trưng bày tại hang Tiên Ông.
Bộ hiện vật này gồm các công cụ mũi nhọn đá (gồm 6 chiếc), 2 chiếc bôn đá hình bầu dục, có niên đại 4.000-6.000 năm trước đây. Đặc biệt còn có 3 chiếc rìu đá có chuôi, vai, bằng các loại chất liệu đá khác nhau, có niên đại khoảng 5.000 năm cách ngày nay, thuộc hậu kỳ Đá mới (Văn hóa Hạ Long).
Đây là các hiện vật được khai quật từ những năm 1973 tới 1998 bởi các chuyên gia và Bảo tàng Quảng Ninh. Cùng với phát hiện của các nhà khoa học khác đã vẽ nên bức tranh toàn cảnh về không gian sinh sống rộng, tính năng động trong ứng xử với thiên nhiên, thích nghi với môi trường của cư dân cổ văn hóa Hạ Long.
Sau khi được phát hiện, gìn giữ tại Bảo tàng Quảng Ninh, năm 2006, bộ sưu tập này được chuyển giao cho Ban Quản lý Vịnh Hạ Long nhằm mục đích trưng bày, giới thiệu về văn hóa Hạ Long, về giá trị di sản Vịnh Hạ Long. Đó cũng là thời điểm Trung tâm Văn hóa nổi Cửa Vạn được khánh thành và đi vào hoạt động, là một trong những pha quan trọng của Dự án Bảo tàng sinh thái Vịnh Hạ Long từ nguồn vốn nước ngoài. Trung tâm trở thành nơi đón tiếp đông đảo du khách trong nước và quốc tế, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu về Vịnh Hạ Long.
Để làm nổi bật các giá trị di sản, bộ hiện vật trên được giới thiệu trang trọng ở một không gian trưng bày có cả nghìn hiện vật tại Trung tâm. Sự xuất hiện của hiện vật quý ở chủ đề trưng bày: Tự nhiên và con người đã làm nổi bật giá trị của "bảo tàng nổi" độc đáo trên biển, đưa lại sự khác biệt.
Cùng các hiện vật khác góp mặt, bộ sưu tập quý này đã tái hiện, kể lại sinh động câu chuyện về sự thích nghi, năng động qua công cụ lao động của người Việt cổ, những cư dân tiền sử đầu tiên cư trú tại đây, những chủ nhân đầu tiên của Vịnh Hạ Long...
Theo đánh giá của du khách tham quan, các nhà khoa học thì bộ sưu tập gồm nhiều hiện vật quý của văn hóa Hạ Long là những hiện vật “đinh”, làm bật nên giá trị khu trưng bày.
Năm 2009, các hiện vật này tiếp tục được chuyển về hang Tiên Ông, một điểm tham quan đẹp và cũng là di chỉ khảo cổ được các nhà khoa học trong nước và nước ngoài khẳng định là một trong những điểm cư trú, sinh sống của người Việt cổ thuộc giai đoạn Sơ kỳ Đá mới, nền văn hóa Soi Nhụ (cách ngày nay khoảng 8.000-10.000 năm). Đây chính là điểm độc đáo, thú vị bởi hiện vật quý này lại được đặt cạnh, trưng bày cùng hàng loạt các hiện vật được phát hiện ở chính hang Tiên Ông và các hang động khác trên Vịnh Hạ Long.
"Cách trưng bày này được đánh giá cao bởi tính độc đáo, thú vị và cách tạo ra sự kết nối các di vật. Đó là cầu nối từ di vật các nền văn hóa Soi Nhụ - Cái Bèo - Hạ Long, tạo thành dòng chảy liền mạch các nền văn hóa. Tất cả đã góp phần tô thêm giá trị cho di sản Vịnh Hạ Long” - Thạc sĩ Nguyễn Bá Căn, Phó Giám đốc Trung tâm 2, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long, chia sẻ.
Vì vậy, năm 2017, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã phối hợp với Bảo tàng Quảng Ninh, Viện Khảo cổ học Việt Nam xây dựng mô hình trưng bày khảo cổ quy củ hơn tại hang Tiên Ông. Đây được xem là bảo tàng tại chỗ, giúp du khách không chỉ chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên mà còn biết đến một nền văn hóa đã từng tồn tại ở Vịnh Hạ Long với niên đại cách đây hàng nghìn năm.
Theo đánh giá, có thể thấy, trong lĩnh vực bảo tàng, việc trưng bày tại chỗ, tại không gian, điểm di chỉ khảo cổ được đánh giá cao, cũng hiếm nơi có thể thực hiện được. Ở Quảng Ninh đây cũng là điểm đầu tiên triển khai được hoạt động trưng bày tại chỗ.
Thời gian qua, bộ sưu tập các hiện vật quý này thường xuyên được trưng bày giới thiệu ở các điểm chính như: Cửa Vạn, Tiên Ông và tham gia một số triển lãm, trưng bày chuyên đề quan trọng khác. Các nhà chuyên môn còn ấp ủ ý tưởng hình thành không gian trưng bày gắn với di chỉ khảo cổ, thông qua những hình thức giới thiệu hiện đại khác, như sử dụng hình ảnh 3D, tái hiện văn hóa Hạ Long qua quét hình ảnh giới thiệu trên vách hang...
Tạ Quân
Liên kết website
Ý kiến ()