Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 22/11/2024 05:12 (GMT +7)
Bồi đắp các giá trị văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh
Chủ nhật, 16/05/2021 | 12:00:58 [GMT +7] A A
Quảng Ninh là vùng “than vàng, biển bạc” cũng là vùng biên cương phên giậu của đất nước, có bề dày truyền thống lịch sử… Điều ấy khiến Quảng Ninh hội được những dòng chảy văn hóa đã lắng lại qua hàng nghìn năm lịch sử; đồng thời có những cách làm sáng tạo để bồi đắp, phát huy các giá trị ấy trong đời sống hôm nay.
Xót xa bởi lẽ cả một quần thể rộng lớn các khu di sản nhà Trần ở khu vực đồi núi phía Bắc của Đông Triều tiêu điều, gần như không còn dấu vết của một thời hoàng kim xa xưa. Hơn 700 năm lịch sử với biết bao dời đổi, sự tàn phá của tự nhiên cũng như con người đã làm các di sản chỉ còn sự hoang phế…Nhiều người từng đến với mảnh đất này đều nói, Quảng Ninh giàu đẹp vì được sở hữu nhiều di sản thiên nhiên, văn hóa quý giá. Niềm tự hào ấy lan tỏa trong các thế hệ người Quảng Ninh, đặc biệt là với Di sản Vịnh Hạ Long đã trở thành điểm đến của bạn bè 5 châu. Vậy mà chỉ khoảng chục năm trước đây, bên cạnh niềm tự hào vẫn có chút gì băn khoăn, xót xa, nhất là với các di sản văn hóa.
Băn khoăn khi mà Yên Tử mùa xuân, các dịp lễ trọng nô nức khách hành hương, trảy hội, nhưng vào dịp cao điểm là ùn tắc, trở thành một nỗi ám ảnh. Các dịch vụ cũng nghèo nàn, lộn xộn. Bạch Đằng giang lịch sử là nỗi khiếp sợ của quân giặc năm nào, giờ “bãi bể nương dâu” ngoài đền, miếu và các truyền thuyết lưu truyền chiến thắng oai hùng năm xưa, giờ chỉ còn cái ao nhỏ với ít cọc gỗ, đơn sơ vô cùng, chạnh lòng vô cùng, nhất là khi giới thiệu cho bạn bè phương xa.
Quần thể di tích đền Cửa Ông được trùng tu, tôn tạo khang trang từ nguồn xã hội hóa. |
Đền Cửa Ông, di tích thuộc diện hút khách bậc nhất giai đoạn ấy cũng khá nhỏ bé, nằm chon von trên đồi, đường dẫn vào di tích nhỏ hẹp, ô tô phải lách mãi mới tới bãi xe, hai bên đường cơ man quán cóc bao vây. Các di sản lớn, được nhiều người biết tới còn thế, cả trăm di tích cấp quốc gia (chưa kể cấp tỉnh…) đều trong tình trạng xập xệ, xuống cấp, hằng năm mòn mỏi trông chờ vào nguồn vốn nhỏ giọt từ chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa. Bởi lẽ, khi ấy trùng tu, tôn tạo cho di tích đều là từ nguồn vốn ngân sách, không thể khác.
Xã hội hóa đầu tư cho di sản
Vậy giải bài toán khó này bằng cách nào, câu trả lời là xã hội hóa đầu tư cho di tích. Để nâng cao trách nhiệm của địa phương là chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho các địa phương. Việc bảo tồn đi đôi với phát huy giá trị di tích bằng cách đưa các di sản trở thành sản phẩm du lịch. Bảo tồn tạo điều kiện cho phát huy, phát huy là để tạo nguồn lực quay trở lại đầu tư cho bảo tồn giá trị các di tích.
Chủ trương này như “luồng gió mới mát lành”, đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình của các tập thể, cá nhân, doanh nghiệp. Khu di sản nhà Trần tại Đông Triều; Khu di tích - danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng (TP Uông Bí); đền Cửa Ông (TP Cẩm Phả); chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm (huyện Vân Đồn); đền Xã Tắc (TP Móng Cái); chùa Đống Phúc (TX Quảng Yên)… được đầu tư trùng tu, tôn tạo từ nguồn vốn xã hội hóa, ít cũng trên dưới chục tỷ, nhiều lên tới cả nghìn tỷ đồng.
Qua đó, diện mạo các di tích có sự thay đổi lớn, khang trang, bền vững, nhiều điểm di tích trở thành những quần thể cảnh quan rất đẹp mắt, được công nhận là điểm du lịch của địa phương. Không chỉ di tích được bảo tồn, đi kèm đó là hàng loạt những công trình dịch vụ phát huy giá trị di tích, đáp ứng nhu cầu tham quan, hành hương, dâng lễ, nghỉ ngơi, thư giãn, dưỡng sinh của du khách.
Di sản phi vật thể lại là câu chuyện khác. Có một thời các địa phương miền Tây của tỉnh tưng bừng lễ hội, mà khu vực miền Đông thì im lìm, lặng lẽ. Nhận ra điều này và khắc phục, làm hồi sinh các lễ hội miền Đông gắn với việc khơi dậy các giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số đã làm cho bức tranh văn hóa của Quảng Ninh thêm những điểm nhấn, đa dạng, rực rỡ sắc màu hơn rất nhiều.
Khởi đầu là các lễ hội đình Lục Nà (huyện Bình Liêu), lễ hội đình làng Dạ (huyện Ba Chẽ) có thể xem là ngày hội của cả một vùng chứ không chỉ một địa phương. Sau này, cùng với các lễ hội truyền thống là các lễ hội văn hóa - thể thao các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ…, các lễ hội mới như Hội hoa Sở, Hội Trà hoa vàng, Lễ hội Bàn Vương, Hội mùa vàng… của nhiều địa phương, không chỉ cấp huyện mà còn tổ chức ở cấp xã. Gắn với các lễ hội là màu sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc được phô bày rực rỡ, thu hút, từ các phong tục, nghi lễ cho đến dân ca, dân vũ, phục trang, ẩm thực và các trò chơi dân gian... Cũng từ đây, các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào có cơ hội lan tỏa rộng rãi tới du khách bốn phương, tới nhiều vùng, miền của tỉnh nói riêng, cả nước nói chung và xa hơn là bạn bè 5 châu khi đến Quảng Ninh.
Gắn văn hóa với phát triển du lịch
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, đã chỉ rõ một trong 3 khâu đột phá là xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu - nghèo và chênh lệch vùng, miền trong tỉnh. Đại hội cũng đề ra bốn nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có nhiệm vụ kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh.
Các giá trị văn hóa thể hiện bản sắc Quảng Ninh thời gian qua đã được nhận diện, gọi tên và đi những bước khởi đầu trong việc phát huy giá trị, phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong đó, nhiều di tích đã trở thành các điểm du lịch văn hóa tâm linh hút khách, như Yên Tử, Cửa Ông, Ba Vàng, Khu di sản nhà Trần ở Đông Triều, chùa Cái Bầu - Thiền viện Trúc Lâm Giác Tâm… Các giá trị văn hóa đặc trưng tốt đẹp của các dân tộc thiểu số đã, đang hoặc được định hướng gắn với lễ hội, sản phẩm du lịch cộng đồng ở Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ… Các giá trị đặc sắc gắn với không gian văn hóa biển đảo đã, đang tiếp tục được nâng tầm, khẳng định và định hướng trở thành sản phẩm cho du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.
Toàn tỉnh hiện có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó có Nghi lễ Then của người Tày ở Bình Liêu là di sản gắn với giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, 5 di sản khác đều gắn liền với biển và không gian văn hoá biển đảo (Hát nhà tơ - hát cửa đình ở Móng Cái, Đầm Hà; Lễ hội Tiên công ở đảo Hà Nam, Quảng Yên; Lễ hội đền Cửa Ông ở Cẩm Phả; Lễ hội đình Quan Lạn ở Vân Đồn; lễ hội đình Trà Cổ ở Móng Cái). Di tích Thương cảng cổ Vân Đồn có lịch sử gần nghìn năm, đang tiếp tục được lập hồ sơ đề nghị công nhận là di tích quốc gia đặc biệt…Các di sản này là cơ sở góp phần phát triển các khu du lịch cấp tỉnh, cấp quốc gia tại Cô Tô, Cái Chiên, Trà Cổ, Quan Lạn - Minh Châu, làm giàu đẹp hơn các vùng biển đảo quê hương.
Ruộng bậc thang xã Lục Hồn (Bình Liêu) được công bố Di tích - danh thắng cấp tỉnh (tháng 11/2020), tiếp đó Bình Liêu được công nhận Khu di tích cấp tỉnh, là những cánh cửa mở cho sự gắn kết ngày càng sâu hơn trong phát triển các giá trị văn hóa bản địa cho làm du lịch. Ông Michael Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, sau khi về dự chương trình Hội mùa vàng Bình Liêu (tháng 11/2020), đã nhận xét: Du lịch của Bình Liêu là du lịch cộng đồng dựa trên sự tham gia của người dân. Các di sản dựa trên những giá trị của cộng đồng, từ đó người dân trong cộng đồng đều được hưởng lợi từ việc phát triển du lịch. Khách du lịch đến với Bình Liêu sẽ được trải nghiệm những gì mà người dân nơi đây muốn cho du khách trải nghiệm, chứ không phải đến và làm thay đổi Bình Liêu. Bằng cách làm du lịch như vậy thì Bình Liêu có thể bảo tồn được nét đẹp tự nhiên và văn hóa của người dân bản địa chứ không bị mai một đi…
Đây cũng là hướng đi được nhiều địa phương trong tỉnh lựa chọn để phát triển du lịch bền vững. Bởi lẽ, đi cùng với du lịch, người dân sẽ tự hào và gìn giữ tốt hơn các giá trị văn hóa của dân tộc mình, được sử dụng chính vốn văn hóa của mình để phát triển sinh kế, làm giàu cho mình, cho quê hương, thu hẹp khoảng cách vùng, miền…
Vươn tới sự giàu - đẹp
Quảng Ninh trước đây được nhiều người "mặc định" là vùng than bụi bặm, từng hàng cây, góc phố đều nhuốm màu bụi than. Con người Quảng Ninh “ăn sóng nói gió”, không thì cũng thô mộc, xù xì tựa những hòn than… Không thể phủ nhận những điểm này từ điều kiện lịch sử, kinh tế, xã hội lâu dài của Quảng Ninh. Đến bây giờ, Quảng Ninh với một bộ phận không nhỏ là những người thợ mỏ, vẫn giữ những nét tính cách mộc mạc, thân thiện, hào sảng, nhưng những người thợ ấy nói riêng, người Quảng Ninh nói chung, đều vươn lên, hướng tới sự giàu - đẹp. Đó là giàu về tri thức, giàu về vật chất, tinh thần, đẹp trong hành xử, đẹp từ nhà ra ngõ, đẹp trên mỗi con đường, hàng phố, đẹp những vùng quê từ Đông Triều tới Móng Cái…
Có thể kể tới những con đường hoa, những xóm bích họa, những chủ nhật xanh, những phong trào xanh - sạch - đẹp có sức sống lâu bền ở các địa phương của Quảng Ninh. Hạ Long, thành phố xanh bên bờ Vịnh Hạ Long, không chỉ bên kia Bãi Cháy mà bên này Hòn Gai giờ cũng đẹp như các khu du lịch cao cấp, có nhiều công trình văn hóa nghìn tỷ đồng rất quy mô, hoành tráng. Người Hạ Long cùng nhau thực hiện phong trào “Người Hạ Long nói lời hay, cử chỉ đẹp”. Thành phố mỏ Cẩm Phả đang từng bước hiện thực hoá mục tiêu “thành phố triệu đóa hồng”. Nhiều địa phương đã xây dựng các bộ quy tắc ứng xử góp phần hình thành nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn. Tháng 4/2020, Quảng Ninh đã ban hành Bộ Quy tắc ứng xử cho các tổ chức, cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn tỉnh. Qua đây xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa, nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn, xây dựng tỉnh Quảng Ninh văn minh, thân thiện, hiện đại và đáng sống, góp phần giữ gìn, phát triển truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Quảng Ninh cho hôm nay và mai sau.
Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là nguồn lực, là sức mạnh nội sinh quan trọng cho sự phát triển bền vững của tỉnh. Các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp tạo nên bản sắc riêng của mỗi vùng đất. Gìn giữ, đồng thời tiếp tục bồi đắp thêm những giá trị văn hóa để nối tiếp dòng chảy văn hóa chung, góp phần xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh là những gì mà Quảng Ninh đã, đang triển khai.
Phan Hằng
Liên kết website
Ý kiến ()