Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 10:16 (GMT +7)
Giáo dục truyền thống lịch sử địa phương Quảng Ninh: Bồi đắp tình yêu quê hương Vùng mỏ
Chủ nhật, 06/10/2024 | 07:53:38 [GMT +7] A A
Bám sát sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, thời gian qua, ngành Giáo dục Quảng Ninh đã tích cực triển khai, đưa nội dung giáo dục địa phương (GDĐP) vào trường học. Bằng nhiều cách thức linh hoạt, nội dung phong phú, sinh động, gần gũi, mỗi tiết học đã tạo hứng thú học tập, nâng cao hiểu biết, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của học sinh. Qua đó, góp phần giáo dục, vun đắp niềm tự hào, tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ.
Sinh động, hấp dẫn từ mỗi bài học
Tiết hoạt động trải nghiệm tích hợp với nội dung GDĐP của học sinh lớp 3A6, Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (TP Hạ Long) diễn ra với không khí sôi nổi, hào hứng của học sinh. Dưới sự dẫn dắt của giáo viên, học sinh được tìm hiểu về các đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP đa dạng, phong phú của tỉnh, không chỉ thông qua các hình ảnh, video giới thiệu mà còn trực tiếp quan sát, tìm hiểu sinh động hơn qua các sản phẩm cụ thể do giáo viên chuẩn bị như miến dong Bình Liêu, trà hoa vàng Ba Chẽ, gạo nếp cái hoa vàng Đông Triều…
Em Nguyễn Ngọc Nhã Phương, học sinh lớp 3A6, chia sẻ: Những đặc sản vùng miền của các địa phương trong tỉnh, chúng em cũng được biết trước qua những lần được bố mẹ cho đi hội chợ OCOP hoặc đi du lịch, tham quan trong tỉnh, vì vậy mỗi món ăn đặc sản đều rất thân thuộc, gần gũi. Đặc biệt, để chuẩn bị cho tiết học chúng em đã được cô nhắc nhở chủ động tìm hiểu trước để chơi trò chơi, thi thuyết trình về từng sản phẩm nên tiết học rất vui vẻ, sôi nổi.
Đối với học sinh tiểu học, nội dung GDĐP không đưa thành môn học bắt buộc như đối với cấp THCS và THPT, vì vậy, các trường học đều tích hợp trong hoạt động trải nghiệm (3 tiết/tuần), trong các môn học Tiếng Việt, Lịch sử, Địa lý… và các hoạt động ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, hành trình về nguồn, tham quan các di tích lịch sử...
Cô giáo Vũ Thị Thanh Huyền, giáo viên Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo, cho biết: Về phương pháp dạy học đối với nội dung GDĐP, chúng tôi sẽ linh hoạt theo từng chủ đề, có thể học qua video clip, hình ảnh, đồ vật cụ thể; cho học sinh thảo luận theo sơ đồ tư duy; sắm vai người dẫn chương trình, hướng dẫn viên du lịch… để thuyết trình về nội dung sẽ học; tổ chức cho học sinh đi tham quan, ngoại khóa, tìm hiểu văn hóa, lịch sử tại Bảo tàng Quảng Ninh và các địa chỉ đỏ, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tới đây, để chuẩn bị cho chủ đề về các danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh, chúng tôi đã kết nối với các trường học tại các địa phương khác để tổ chức hình thức lớp học không biên giới thông qua sử dụng các ứng dụng dạy học trực tuyến. Từ đây, nhằm tăng tính tương tác, để các em học sinh có cơ hội giao lưu, học hỏi, cùng nhau tìm hiểu, giới thiệu về địa danh văn hóa, lịch sử của địa phương mình một cách sâu sắc, hấp dẫn hơn.
Còn tại lớp 9A3, Trường THCS Cao Thắng (TP Hạ Long), tiết học GDĐP với bài học “Vịnh Hạ Long với giá trị văn hóa, lịch sử” được tổ chức sáng tạo do chính học sinh là người dẫn dắt, thuyết trình về vấn đề. Em Lê Ngọc Loan chia sẻ: Sinh ra và lớn lên tại chính vùng đất di sản Hạ Long, vì vậy bài học về Vịnh Hạ Long càng trở nên gần gũi với chúng em. Thông qua việc tự chuẩn bị nội dung thuyết trình, slide trình chiếu, chúng em thêm hiểu và ghi nhớ kiến thức tốt hơn, sẵn sàng trở thành những hướng dẫn viên để giới thiệu tới bạn bè bốn phương về vẻ đẹp quê hương mình.
Năm học 2020-2021, Phòng GD&ĐT TP Hạ Long đã xây dựng đề tài khoa học “Giáo dục phẩm chất năng lực cho học sinh vùng du lịch qua chương trình GDĐP” được Hội đồng khoa học công nghệ thành phố công nhận và áp dụng triển khai tại các nhà trường. Đề tài đã đề xuất những giải pháp, cách làm cụ thể nhằm giáo dục cho học sinh các kỹ năng quảng bá, giới thiệu về giá trị văn hóa, lịch sử, con người Hạ Long, Quảng Ninh, đặc biệt việc ứng dụng CNTT để truyền thông qua mạng xã hội…
Phát triển năng lực học sinh
Năm học 2020-2021, chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai. GDĐP là nội dung bắt buộc phải triển khai ở các cấp học, được Bộ GD&ĐT chỉ đạo đưa vào chương trình giảng dạy một cách đầy đủ, cập nhật và khoa học hơn. Theo đó, ở cấp tiểu học, nội dung GDĐP được tích hợp với hoạt động trải nghiệm. Ở cấp THCS và THPT, nội dung GDĐP có vị trí tương đương các môn học khác (35 tiết/học sinh/năm học, có kiểm tra, đánh giá).
Tại Quảng Ninh, tài liệu GDĐP tỉnh Quảng Ninh từ lớp 1 đến lớp 12 được biên soạn trên nguyên tắc đảm bảo các nội dung GDĐP, bám sát các yêu cầu và nội dung theo khung giáo dục đã được UBND tỉnh phê duyệt. Nội dung tài liệu GDĐP tỉnh Quảng Ninh gồm có: Lịch sử hình thành và phát triển, địa lý, dân cư địa phương; giới thiệu về danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, danh nhân văn hóa ở Quảng Ninh; về kinh tế - xã hội; về phong tục, tập quán; lễ hội, nghệ thuật truyền thống. Với mỗi cấp học, nội dung kiến thức được triển khai sâu, rộng hơn phù hợp khả năng tiếp cận của học sinh. Tài liệu GDĐP là cơ sở quan trọng để xây dựng nội dung dạy học tại các nhà trường giúp quá trình học tập trở nên thống nhất, bài bản. Cùng với đó, sự phong phú, đa dạng trong hình thức tổ chức dạy học theo nội dung của tài liệu GDĐP góp phần đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh.
Cô giáo Phạm Thị Việt Anh, Tổ trưởng Tổ Văn - Sử - Địa - Giáo dục công dân, Trường THCS Cao Thắng, cho biết: Nội dung GDĐP hướng tới trang bị cho học sinh những hiểu biết về nơi sinh sống, bồi dưỡng các em tình yêu quê hương, ý thức tìm hiểu và vận dụng những điều đã học để góp phần giải quyết những vấn đề của quê hương. Vì vậy, ngoài các hình thức kiểm tra, đánh giá thông thường, nhà trường tạo điều kiện để học sinh thể hiện sự hiểu biết, đúc kết kiến thức qua các bài viết thu hoạch, vẽ một bức tranh, làm một video giới thiệu, quảng bá địa danh văn hóa, lịch sử… Qua đây, nội dung GDĐP thực sự góp phần hình thành năng lực, phẩm chất học sinh. Đó chính là năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Để nâng cao chất lượng GDĐP trong nhà trường, ngoài việc tổ chức biên soạn, cung cấp tài liệu thống nhất, hằng năm, Sở GD&ĐT đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, thực hành bài giảng mẫu cho giáo viên. Cùng với đó, đội ngũ giáo viên các cấp học đều thể hiện tốt tính chủ động trong việc sưu tầm tư liệu, nghiên cứu, thường xuyên cập nhật thông tin, tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đảm bảo tính thời sự cho bài học và tổ chức sinh động các hoạt động giáo dục, áp dụng kỹ thuật dạy học tích cực.
Tin tưởng với sự chủ động, tích cực của mỗi nhà trường trong thực hiện GDĐP không chỉ giúp học sinh cập nhật những kiến thức cơ bản mà còn gợi mở, khích lệ các em mở rộng tìm hiểu để có sự hiểu biết toàn diện, sâu sắc hơn về quê hương. Từ đó, nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn, tiếp nối, phát huy vẻ đẹp của vùng đất, văn hóa, con người Vùng mỏ trên chặng đường đổi mới, hội nhập, góp sức xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Nguyễn Dung
Liên kết website
Ý kiến ()