Bức "Thiếu nữ chải đầu" của Trần Tấn Lộc được bán 338.000 euro (8,5 tỷ đồng) tại phiên đấu "Họa sĩ châu Á, tác phẩm quan trọng".
Trong phiên đấu của Aguttes chiều 14/3 (theo giờ địa phương), tranh được ấn định ở mức gấp hơn hai lần mức dự đoán của nhà đấu giá, bao gồm thuế phí.
TheoAguttes, tranh ra đời năm 1932, được cho là vẽ vợ của em trai họa sĩ. "Thiếu nữ chải đầulà bức duy nhất của Trần Tấn Lộc được biết cho tới nay vẽ bằng mực và màu trên lụa - kỹ thuật đặc biệt được giảng dạy tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương vào khoảng năm 1930", nhà đấu giá viết. Góc dưới bên trái tác phẩm có chữ ký họa sĩ và ngày tháng. Mặt sau tranh có ghi dòng chữ "Một bữa tiệc cho đôi mắt". Tranh thuộc bộ sưu tập tư nhân, được mua ở Việt Nam trước năm 1950 và đưa sang Pháp khoảng năm 1976.
Trần Tấn Lộc (1906-1968), là họa sĩ vẽ tranh minh họa, quảng cáo nổi tiếng tại Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoa Trang trí, Trường Bách nghệ Hà Nội. Năm 1930, ông tham gia cuộc thi vẽ quảng cáo ở Sài Gòn và đoạt giải nhì. Ông được mời vẽ các đồng bạc Đông Dương, Quốc huy Việt Nam... Họa sĩ làm việc tại Công ty Mỹ thuật Hà Nội cho đến cuối đời.
Trước đó, tác phẩm gây ồn ào bởi nhà đấu giá ghi sai lý lịch.Đầu tháng 3, khi sử dụng tranh để giới thiệu, Aguttes đã ghi tên Trần Tấn Lộc thành Trần Bình Lộc. Họ viết: "Tác giả Trần Bình Lộc (1914-1941), cựu thủ khoa Trường Mỹ thuật Đông Dương". Lỗi sau đó được giới chuyên môn Việt Nam phát hiện và phản hồi. Aguttes đã chỉnh sửa thông tin trên website, mạng xã hội... nhưng giữ nguyên khung định giá. Một số người cho rằng Aguttes cố tình nhầm lẫn nhằm nâng giá tranh bởi danh tiếng Trần Bình Lộc vượt Trần Tấn Lộc. Họa sĩ Trần Bình Lộc (1914-1941) từng học Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương. Họa sĩ qua đời năm 27 tuổi nên số lượng tác phẩm ít, có mức giá cao trên thị trường.
Nhà nghiên cứu mỹ thuật Ngô Kim Khôi nhận định: "Con số đáng ngạc nhiên nhưng cũng là tín hiệu vui chứng minh tranh Việt ngày càng có chỗ đứng trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, nhà đấu giá cần phải có một đội ngũ thẩm định cẩn trọng hơn, làm việc nghiêm túc và chân thật hơn".
Phiên "Họa sĩ châu Á - tác phẩm quan trọng" gồm 46 tranh, trong đó phần lớn của các danh họa Việt như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Vũ Cao Đàm... Ngoài ra, một số tác phẩm của Alix Aymé và Henri Mege - hai họa sĩ người Pháp yêu thích và chịu ảnh hưởng của mỹ thuật châu Á, trong đó có Việt Nam - được đấu giá.
Theo ông Ngô Kim Khôi, giá bán trong phiên không quá cao bởi không có tác phẩm nào nổi bật, đa phần là chủ đề cũ. Ngoài ra, phiên có một số tranh chép của Nguyễn Phan Chánh, có chữ ký và dấu mộc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Ý kiến ()